Tìm nguồn lực cho thiết kế sáng tạo của Thủ đô

Minh Quân 30/11/2021 06:37

Theo kế hoạch, chỉ còn 2 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO sau khi gia nhập vào Mạng lưới thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Hà Nội đang có những hướng đi vô cùng quan trọng trong việc nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh.

Trăn trở sau một danh hiệu

Để hoàn thành cam kết với UNESCO, Hà Nội sẽ phải cụ thể hoá bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hoá các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - thành phố sáng tạo.

Tuy nhiên, mới đây tại Hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hoá Thủ đô” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021, một lần nữa câu chuyện Hà Nội có thực hiện được đúng như cam kết đã được đưa ra bàn thảo với những trăn trở của chính những người trong cuộc.

Đồng hành từ những ngày đầu tiên khi xây dựng hồ sơ cho Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận, các chính sách của thành phố Hà Nội thời gian qua đã bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được 8 trụ cột tài nguyên văn hóa như di sản văn hóa vật thể, di sản văn hoá phi vật thể, di sản thiên nhiên, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, bà Phương cho rằng, 2 năm trôi qua nhưng khái niệm “thành phố sáng tạo” vẫn mờ nhạt. Việc Hà Nội là thành phố sáng tạo trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO vẫn mơ hồ với nhiều người dân.

Còn theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê cho rằng: Ngay tại Hà Nội, hầu như chúng ta chưa có những dự án được đầu tư đúng nghĩa, có sức hút về du lịch hay là tạo cho thành phố một hình ảnh như danh hiệu chúng ta được ghi nhận. Các viện bảo tàng vắng bóng khách tham quan. Các nhà hát kém sôi động, thiếu các chương trình biểu diễn thường xuyên, ngay cả trước đại dịch Covid-19. Từ sau khi Trung tâm Triển lãm Giảng Võ đóng cửa, Hà Nội hầu như không còn nơi tổ chức triển lãm quy mô lớn. Thực tế, mặc dù đã xác định công nghiệp văn hoá - công nghiệp sáng tạo là một trong những chiến lược kinh tế, xã hội then chốt đến năm 2030, nhưng các ngành công nghiệp văn hoá chưa được đầu tư đủ mạnh, chưa có cơ chế thu hút đầu tư quy mô, do vậy chưa tạo bước đột phá. Thị trường văn hoá phát triển còn manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp.

“Nguồn lực kinh tế yếu, khiến cho việc đầu tư cho các công trình và sản phẩm văn hoá khó khăn. Nhưng năng lực sáng tạo, khả năng quản lý hiệu quả của nhà nước mới là những lý do quan trọng nhất khiến cho việc đầu tư vào các công trình văn hoá và sản phẩm văn hoá lâu nay chưa thành công” - ông Vinh nói.

Phố Bích hoạ Phùng Hưng.

Sự kết hợp công tư

Thực tế cho thấy, 2 năm không phải là một khoảng thời gian dài để Hà Nội hoàn thành các cam kết với UNESCO. Theo số liệu thống kê, Hà Nội đang dẫn đầu với 95/174 không gian sáng tạo trên cả nước, song các không gian này hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực yếu. Thành phố cần hỗ trợ phát triển, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ này, bởi không gian văn hóa sáng tạo là hệ sinh thái thu nhỏ, thể hiện toàn bộ hoạt động nền kinh tế sáng tạo... Chính vì thế để những “cỗ máy” sáng tạo này vận hành “trơn tru” cần có sự kết hợp đúng hướng giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị tư nhân.

Hiến kế cho Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng Thủ đô phải thúc đẩy công nghiệp văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn, vì “thủ đô văn hiến rất khó phát triển ầm ầm bằng công nghiệp nặng”. Đồng thời định vị Hà Nội như một trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu, một trung tâm sáng tạo của cả nước, thậm chí của Đông Nam Á.

“Để thực sự là thành phố sáng tạo, Hà Nội cần thúc đẩy thiết kế sáng tạo, kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong sản phẩm công nghiệp văn hóa. Cùng với đó, Hà Nội cũng cần tạo ra cơ chế đầu tư tài chính thu hút vốn và hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo, khai thông các điểm nghẽn về cơ chế hợp tác công tư và đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Hà Nội phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ thì mới có thành phố sáng tạo, còn nếu cứ ngồi bàn về thành phố sáng tạo thì sẽ không đi đến đâu cả” - theo bà Phương.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, Hà Nội cần huy động được nguồn lực đầu tư, cả nguồn vốn lẫn năng lực sáng tạo, kỹ năng vận hành và phát triển của khối kinh tế tư nhân. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút sự đầu tư mạnh mẽ hơn của khối tư nhân vào lĩnh vực hoá, nơi sẽ tạo ra những sản phẩm trí tuệ sáng tạo có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng lớn. Ở đó, đồng thời có hai việc phải giải quyết. Đó là, vận động các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào công nghiệp văn hoá, bằng cách kiến tạo một thị trường cho công nghiệp văn hoá, xây dựng những chính sách khuyến khích phù hợp và một quy hoạch rõ ràng, hấp dẫn cho từng ngành kinh tế sáng tạo. Bên cạnh đó, mạnh dạn mở ra một phương thức hợp tác mới trong lĩnh vực văn hoá, giữa nhà nước và tư nhân, đó là phương thức hợp tác đối tác công tư PPP.

“Phần lớn, các dự án văn hoá thường có quy mô lớn, thời gian thu hồi dài hơn, cần mức độ cam kết, đồng hành từ phía Nhà nước nhiều hơn, chỉ có các phương thức hợp tác đối tác công tư mới có thể giải quyết được bài toán này” - ông Vinh bày tỏ.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn hóa Quốc gia, việc xây dựng các không gian văn hoá đặc biệt cho lớp trẻ sẽ tạo nên một thế hệ văn minh, một thói quen thưởng thức lành mạnh và một môi trường phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, muốn thúc đẩy thành phố sáng tạo thì phải cho nó một cơ chế, vì hiện nay ở Hà Nội đã có sẵn nguồn nhân lực sáng tạo, cùng nhu cầu lớn về hưởng thụ văn hóa của một tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm nguồn lực cho thiết kế sáng tạo của Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO