Tìm quy chuẩn ứng xử cho nghệ sĩ

Minh Quân 24/09/2021 05:47

Sau hàng loạt những “lùm xùm” của giới văn nghệ sĩ, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tiến hành lấy ý kiến về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận ý kiến của chính những người trong cuộc.

Cần nghiên cứu thấu đáo, ra quy định phù hợp

Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam chia sẻ: Về tinh thần, tôi ủng hộ động thái của Bộ VHTTDL trước một số sự việc nổi cộm xảy ra gần đây đang là tâm điểm của dư luận và báo giới.

Dù muộn nhưng cần khẳng định đây là hành động thiết thực nhằm nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh của người nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành văn hóa, đồng thời khuyến nghị các nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật ngoài công lập chủ động giữ gìn, bảo vệ và tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, việc ban hành “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ” cần nghiên cứu sâu hơn, sao cho văn bản được ban hành theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc biệt là phù hợp với thẩm quyền của Bộ VHTTDL. Đối với tổ chức Hội, chúng tôi hoạt động theo Điều lệ, tuân thủ theo Hiến pháp và các quy định của pháp luật.

Như vậy, Bộ quy tắc ứng xử mới chỉ dừng lại ở việc nêu cao nhận thức và sự tự ý thức của nghệ sĩ trong các hoạt động nghệ thuật của mình, đối với các nghệ sĩ là hội viên trong các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp hoặc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là sự chồng chéo với các điều lệ, nội quy, quy định đã, đang được thực hiện tốt.

Vì tính chất của “Quy tắc” chỉ giới hạn trong phạm vi nội bộ cơ quan, cao hơn là trong hệ thống quản lý của cùng một tổ chức nên dự thảo này mới chỉ nêu ra những khuyến cáo mang tính tự nâng cao ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của người nghệ sĩ mà chưa thấy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn các tổ chức xử lý vi phạm, chế tài hay ít nhất là bảo vệ quyền lợi của người nghệ sĩ nếu bị bôi nhọ, vu khống, xuyên tạc, oan ức hay mặt trái của cộng đồng “antifan” bị xúi giục làm ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của họ.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về hoặt động nghệ thuật biểu diễn nên chăng cần nghiên cứu thấu đáo, đưa Nghị định vào cuộc sống, chú trọng và kết nối chặt chẽ việc phân cấp quản lý tới các Sở, Ban, Ngành chuyên môn.

Đây cũng là tôn trọng thẩm quyền của chính quyền địa phương trong việc quản lý và giải quyết những vấn đề phát sinh đối với những nghệ sĩ hoạt động tự do khi mà “cánh tay” của Bộ VHTTDL hay Bộ quy tắc ứng xử này không thể giải quyết triệt để vấn nạn đang xảy ra hiện nay.

Không chỉ tốt với giới nghệ sĩ, mà còn tốt cho xã hội

Đó là quan điểm của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi được hỏi về Bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ sắp được ban hành.

Theo ông Sơn: Sở dĩ Bộ VHTTDL ban hành Bộ quy tắc ứng xử vì thời gian qua nhiều nghệ sĩ có hành vi ứng xử lệch chuẩn, không phù hợp cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời sống. Một trong số đó là họ nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với công chúng, về việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín cá nhân trong bối cảnh mới. Đôi khi, họ cũng nhầm lẫn giữa vai trò của một nghệ sĩ và người sử dụng mạng xã hội thông thường. Phát ngôn, ứng xử trên mạng xã hội thế nào là nên, thế nào không nên, dường như họ chưa nắm rõ.

“Theo tôi, Bộ quy tắc sắp được ban hành tới đây không chỉ tốt đối với giới nghệ sĩ, mà còn tốt cho xã hội nói chung. Hình ảnh nghệ sĩ trong sáng, chuẩn mực sẽ góp phần định hướng đạo đức cho chính người hâm mộ của nghệ sĩ ấy.

Bản chất của những bộ quy tắc ứng xử không có chế tài, mà chỉ mang tính hướng dẫn hành vi. Giống như Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành trước đây, trong đó đề cao nguyên tắc “trách nhiệm, tôn trọng, lành mạnh, an toàn”. Nhưng không có nghĩa vì thế mà không khả thi. Nó vẫn có giá trị nhất định.

Bộ quy tắc sẽ cung cấp một cơ sở đánh giá chung cho xã hội, từ đó hình thành dư luận xã hội để đánh giá nghệ sĩ. Ai vi phạm chuẩn mực đạo đức ắt sẽ bị thanh lọc. Còn về chế tài, chúng ta đã có quy định xử phạt trong các nghị định của Chính phủ hay thông tư của Bộ VHTTDL” - ông Sơn chia sẻ.

Ý kiến của một số nghệ sĩ

* Diễn viên Việt Anh: Ban hành Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ là rất đúng thời điểm và cần thiết nhưng mới chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Cái gốc ở đây là tiềm lực kinh tế, có năng lực đào tạo và sản xuất thật sự chuyên nghiệp thì đảm bảo các nghệ sĩ xuất thân từ đó ra sẽ có cả tài năng lẫn đạo đức.

* NSND Trung Anh: Đã là nghệ sĩ thì đều trưởng thành rồi. Mỗi người đều phải ý thức và có trách nhiệm với những quyết định, hành vi của mình. Có thể, trong giới nghệ sĩ đang tồn tại những vấn đề, nhưng đưa ra những quy tắc như vậy tôi thấy không hay và hơi coi thường nghệ sĩ. Nghệ sĩ đâu phải là trẻ con, họ phải tự có trách nhiệm với bản thân mình trước đã. Còn ai làm sai, ai như thế nào thì tất nhiên người đó phải chịu hậu quả về vấn đề ấy trước pháp luật, trước dư luận, trước nhân dân.

* NSND Lan Hương: Việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử là rất cần thiết, đáng lẽ ra phải có sớm hơn. Nếu Bộ quy tắc ra đời sớm hơn có lẽ không có hệ lụy như bây giờ. Tôi hy vọng, Bộ quy tắc này sẽ hỗ trợ, giúp cho nghệ sĩ hiểu rõ vai trò trách nhiệm của mình, ứng xử văn hóa hơn, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống. Nghệ sĩ cũng có sai lầm nhưng quan trọng là phải biết sửa, không thể dùng danh xưng nghệ sĩ để trục lợi hay gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm quy chuẩn ứng xử cho nghệ sĩ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO