Tìm thương hiệu cho nghệ thuật nhảy, múa

Hoàng Minh (thực hiện) 17/07/2021 06:22

Sự ra đời của các cuộc thi nghệ thuật như “Nhóm nhảy siêu Việt”, đã giúp các vũ công nhảy múa có điều kiện lan tỏa, tiếp cận với công chúng và tạo được thương hiệu riêng. Đó là chia sẻ của Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Giám khảo cuộc thi “Nhóm nhảy siêu Việt”.

Biên đạo múa Tuyết Minh.

PV:Với vai trò là người “cầm cân, nảy mực” của “Nhóm nhảy siêu Việt”, chị đánh giá sao về chất lượng nhóm nhảy tham gia cuộc thi năm nay?

Biên đạo múa Tuyết Minh: Một trong những yếu tố thuyết phục tôi tham gia Chương trình truyền hình thực tế “Nhóm nhảy siêu Việt - Vietnam’s Best Dance Crew 2021” không chỉ bởi sự thành công của phiên bản gốc “American’s Best Dance Crew - ABDC” đã giúp cho khán giả nhận định rõ vai trò của biên đạo múa và hiểu về sức sáng tạo trong lao động nghệ thuật của các nhóm nhảy xuất sắc ở nhiều thể loại nhảy múa đương đại. Ở đó, chương trình đã quy tụ được 8 nhóm nhảy trẻ ở Việt Nam trong thời gian qua đã có những sáng tạo nổi bật, lan tỏa nhiều thông điệp tích cực đối với cuộc sống, giúp cho khán giả trẻ yêu thích nghệ thuật nhảy múa. Nếu như ở phân khúc nghệ thuật múa chuyên nghiệp trong 10 năm trở lại đây chưa xuất hiện một tên tuổi diễn viên múa nào có thể vươn ra đấu trường khu vực thì ở phân khúc ngoài công lập đã hình thành được các nhóm nhảy, vũ đoàn tạo được phong cách, mạnh mẽ thử sức ở các sân chơi quốc tế.

Dưới góc nhìn của người trong nghề, theo chị cần làm gì để loại hình nghệ thuật này tìm được thương hiệu riêng cho mình?

-Theo quan sát của cá nhân tôi, thì vấn đề đào tạo nghệ thuật nói chung và đào tạo nghệ thuật nhảy múa nói riêng cần quay lại khẳng định mối quan hệ giữa Gia đình - Cơ sở đào tạo - Đơn vị nghệ thuật - Hội nghệ thuật chuyên ngành - Cơ chế thống nhất giữa các cơ quan quản lý.

Đối với đào tạo tài năng nghệ thuật, tôi rất coi trọng mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, vì hầu hết các con từ lứa tuổi mầm non đã hình thành năng khiếu về một môn nghệ thuật nào đó. Sự thật tại các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí nhiều thí sinh đã thể hiện được tài năng vượt trội khiến giới chuyên môn đã rất ngạc nhiên bởi những kỹ thuật khó cũng có lối trình diễn rất đáng yêu, không kém phần khéo léo. Nhưng thực tế tâm lý phụ huynh để định hướng cho con mình theo đuổi một môn nghệ thuật nghiêm túc thì đa số câu trả lời sẽ là không. Bởi nhiều tài năng nhí khi vào các cơ sở đào tạo đã không phát huy được phong độ. Đó là câu hỏi về chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng khung giáo trình cho các hệ đào tạo.

Biên đạo múa Tuyết Minh làm giám khảo Cuộc thi nhóm nhảy siêu Việt.

Tiếp đến là mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo nghệ thuật với các đơn vị nghệ thuật nơi sử dụng nguồn nhân lực có chuyên môn phù hợp với tiêu chí nghệ thuật của nhà hát ấy, dẫn đến đào tạo các hệ 3 năm - 4 năm dân gian dân tộc hay hệ 6 năm cổ điển Châu Âu - đương đại không có đầu ra. Nơi thừa vẫn thừa mà chỗ thiếu vẫn thiếu; tiếp đến là các nhà hát đang “già hóa” đội ngũ diễn viên trong khi biên chế và vai diễn để đời trong các tác phẩm lớn đang tỷ lệ nghịch với độ tuổi của diễn viên múa đúng thời thanh xuân nhất. Cùng với đó các chế độ đãi ngộ chưa cao với các đặc thù nghệ thuật là điểm trừ khiến các bậc phụ huynh chưa đủ lòng tin định hướng cho con mình theo đuổi nghệ thuật. …

Còn hiệu ứng đối với xã hội, tôi cho rằng, con đường dẫn đến sự tồn vong của một loại hình nghệ thuật hay của một nghệ sĩ đều nằm ở sản phẩm nghệ thuật của họ. Chỉ có những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, bằng cái đẹp chân, thiện, của nghệ thuật góp phần xây dựng con người văn hóa với đời sống tinh thần giàu giá trị truyền thống và trí tuệ văn minh trong hội nhập quốc tế thì người nghệ sĩ đó, loại hình nghệ thuật đó mới sống trong lòng khán giả.

Thời gian qua, danh xưng nghệ sĩ đang bị nhiều người lạm dụng, ảnh hưởng đến uy tín của những người nghệ sĩ chân chính. Với vai trò là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, chị nghĩ sao về việc này?

-Thành thật mà nói, tôi không bị ảnh hưởng hay chưa bao giờ nghĩ một danh xưng dùng để gọi một công dân nào đó tham gia vào “hoạt động biểu diễn” có thể ảnh hưởng đến uy tín của bất kỳ “nghệ sĩ” nào hoạt động chuyên nghiệp trong “lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”.

Tôi đã từng đảm nhiệm vai trò Giám khảo trong nhiều cuộc thi, có những “nghệ sĩ” chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, được phong tặng danh hiệu nhưng khi bước chân vào lĩnh vực giải trí thì lại không tạo được sự quan tâm của khán giả. Vậy nên, đã chọn là “nghệ sĩ” lại càng phải bản lĩnh trong dòng chảy đa chiều này. Với tôi, nghệ thuật là một con đường dài, ở mốc nào bạn cũng luôn phải sáng tạo, luôn tạo ra những giá trị mới trong nghệ thuật nhưng không được phép lặp lại mình của ngày hôm qua. Nếu “nghệ sĩ” ngủ quên trong hào quang của quá khứ thì công chúng có thể gọi họ là “nguyên nghệ sĩ” lắm chứ.

Những tranh luận, lùm xùm vừa qua xung quanh danh xưng “nghệ sĩ” với tôi là một dấu hỏi lớn báo hiệu về sự lệch chuẩn trong giá trị văn hóa cốt lõi, là hệ quả của sự thiên lệch, mất cân đối giữa công nghệ giải trí và nghệ thuật truyền thống dân tộc. Một phần cũng là lỗi của những người “nghệ sĩ” đang hoạt động chuyên nghiệp. Nếu như “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội - Nghệ thuật là kết tinh của văn hóa” thì có vẻ như những “tác phẩm nghệ thuật” của chúng ta đang bị yếu thế hoặc chưa tìm đúng cách để đến được với khán giả. Danh xưng “nghệ sĩ” đang mờ dần trong khi danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đang được Nhà nước quan tâm, động viên và phong tặng trên diện rộng. Khiến cho tên tuổi của những “người biểu diễn” đã soán ngôi tên tuổi của những người “nghệ sĩ” dẫn đến sự “đánh tráo thương hiệu”, “đánh tráo danh xưng” cho bộ phận khán giả và ít nhiều ảnh hưởng tới lòng tin, yêu của công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm thương hiệu cho nghệ thuật nhảy, múa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO