Những năm gần đây, có một thực tế “nhức nhối” là vấn đề đào tạo nhân lực cho nghệ thuật múa gặp vô vàn khó khăn, từ đào tạo, tuyển sinh, tới việc sáp nhập, tự chủ.
Gian nan rèn luyện
Khó khăn trước hết đối với đào tạo múa, chính là sự tuyển chọn khắt khe. Để có cơ hội bước chân vào trường múa, học viên cần có hình thể cân đối, có độ mềm, độ mở, sức bật,… cùng vô vàn các kỹ năng khác trên sân khấu, sau đó là phải qua vài vòng tuyển chọn mới có thể trúng tuyển. Bên cạnh đó là quá trình đào tạo khổ luyện từ khi còn nhỏ (12 tuổi) với những bài tập chuyên môn tốn rất nhiều sức lực có thể gây đau đớn, chấn thương như ép cơ, bẻ lưng, tập đi trên giày mũi cứng…
Tuyển sinh khó, nhưng quy mô đào tạo lại thấp. Mỗi khóa chỉ tuyển được 35-60 học sinh. Đối với các trường đào tạo múa trên thế giới, mỗi lớp học chỉ dao động từ 8-10 học sinh. Ở Việt Nam chúng ta, do nhu cầu đào tạo, con số này đã được nâng lên, nhưng cũng không vượt quá 15-16 học sinh/1 lớp. Điều đó cũng kéo theo yêu cầu khắt khe đối với giảng viên. Với các ngành đào tạo khác, một thầy lên lớp dạy hàng trăm sinh viên trong một tiết học, còn đào tạo nghệ thuật múa, một thầy lên lớp chỉ với 5-10 học sinh thì mới đảm bảo được chất lượng.
Tuyển chọn khắt khe, đào tạo khổ luyện 6-7 năm mới có bằng Trung cấp chuyên nghiệp để ra làm nghề, tuy nhiên tuổi nghề lại rất ngắn. Chỉ đến 30-35 tuổi, diễn viên múa đã gần hết tuổi nghề do cơ thể căng cứng, không bảo đảm chất lượng nghệ thuật. Suốt quá trình dài theo học múa, học sinh cũng phải tốn chi phí không nhỏ cho phục trang, cho chế độ dinh dưỡng và các chi phí phát sinh mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ 70% học phí.
Đối với các trường đào tạo múa thì phải đảm bảo đủ yêu cầu cơ bản cho giảng dạy bộ môn này như: Sàn tập tối thiểu phải đạt 80 m2, trần cao 5 m,12 quạt trần, 24 bóng đèn/1 sàn tập, sân khấu phải đạt chuẩn về cơ sở vật chất, âm thanh, ánh sáng…
Hạn chế trong đào tạo
Đối với đào tạo nghệ thuật múa, vấn đề đào tạo chuyên sâu có lẽ là một trong những hạn chế lớn nhất cần nhanh chóng khắc phục.
Theo ThS.NGƯT Trịnh Quốc Minh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Học viện Múa Việt Nam: Nếu như ở nước ngoài, những sinh viên theo học múa sẽ được dành tối đa thời gian, tâm huyết để đào tạo chuyên sâu thì ở Học viện Múa Việt Nam, vấn đề đào tạo chuyên sâu chưa rõ nét, còn rất dàn trải.
Ví dụ, đối với sinh viên chuyên ngành Kịch múa hệ dài hạn 6 năm: Năm thứ nhất sẽ học múa Cổ điển Châu Âu; Năm 2 học thêm múa Dân gian dân tộc (4 tiết/tuần); Năm 3 học múa Dân gian dân tộc (6 tiết/tuần); Năm thứ 4 và 5, nếu sinh viên không múa tốt trên giày mũi cứng thì sẽ chuyển sang học múa Đương đại (trong đó vẫn sẽ học múa Dân gian dân tộc từ năm thứ 2 đến năm thứ 6.)”
Ngoài ra, chương trình đào tạo chậm đổi mới, giáo trình còn thiếu, chưa hoàn chỉnh; một số giáo trình không còn phù hợp, chưa được điều chỉnh, cập nhật. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, chồng chéo thể hiện ở việc một số trường đào tạo năng khiếu có tới 3 Bộ quản lý. Điều này dễ dẫn đến chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về chương trình, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra... kéo theo đó là vấn đề không có cơ chế đặc thù rõ ràng, sự quan tâm của các cơ quan đồng quản lý chưa sâu.
Một trong những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo múa là sự đầu tư cho giáo viên về thu nhập và cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn còn hạn chế.
Theo khảo sát, số lượng các giảng viên múa được đào tạo ở nước ngoài chủ yếu là các thầy cô ở thế hệ trước, đa phần trong số đó đã về hưu. Thu nhập hạn chế và các giảng viên trẻ lại ít có cơ hội được đào tạo nghề chuyên sâu ở nước ngoài, khiến cho chất lượng giảng dạy cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Quá trình học tập trải dài và khổ luyện là thế, nhưng để theo đuổi đam mê và sống được với nghề thì còn nhiều lắm những ưu tư, trăn trở. Thu nhập thấp, múa lại có tuổi nghề ngắn và khá kén khán giả là những lý do khiến không nhiều người trẻ mặn mà với nghề.
Thực tế cho thấy, vấn đề thu nhập không tương xứng với sức lực bỏ ra khiến cho không ít nghệ sĩ trẻ và các em sinh viên phải chạy show, từ múa minh họa hội nghị, đám cưới… giao bài nhanh “ăn xổi ở thì” khiến cho bài múa không chất lượng. Chính vì vậy khán giả thấy múa cứ na ná giống nhau, không có màu sắc riêng. Nhiều em sinh viên có suy nghĩ không cần học giỏi múa, chỉ cần kiếm lấy cái bằng ra chạy show còn có thu nhập tốt hơn vào các Nhà hát. Đó là sự thật, và cũng là lý do khiến chất lượng đào tạo ngày một đi xuống.
Để nâng cao chất lượng đào tạo múa, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trước hết là hoàn thiện, phát triển hệ thống chương trình, giáo trình; Nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó cần tập trung đi sâu vào chất lượng đào tạo, không tuyển sinh chạy theo số lượng; Đổi mới mô hình, chương trình và phương pháp giảng dạy, từ khâu tuyển sinh đến khâu đánh giá, kiểm định chất lượng cho đến vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp…
Hy vọng rằng, bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự quan tâm của Nhà nước và cả động đồng, nghệ thuật múa sẽ ngày càng phát triển, lan tỏa sâu rộng vào đời sống xã hội, các nghệ sĩ thỏa được đam mê với nghề và bớt nhọc nhằn với nghiệp.