Tín dụng đen vẫn hoành hành

QUỐC ĐỊNH 21/12/2020 07:30

Thời gian gần đây, các đối tượng lợi dụng tình hình khó khăn của các cá nhân, doanh nghiệp (DN) để cho vay nặng lãi. Nhiều nạn nhân không chịu nổi “luật chơi” của tín dụng đen đã phải cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Và bước đầu, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã vào cuộc.

Không khó để bắt gặp cảnh tượng này trên các đường phố.

Sau vụ bắt giữ đại gia Lê Thái Thiện (còn gọi là Thiện “soi”) ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều chủ DN nhỏ đã tố cáo đối tượng này về hành vi cho vay nặng lãi khiến họ điêu đứng. Chỉ riêng với một khoản vay 8 tỷ đồng của Thiện “soi” từ 3 năm trước, số tiền lãi và gốc mà ông T nợ đã lên đến gần 28 tỷ đồng, cùng 4 thửa đất bị Thiện ép bán theo kiểu cấn trừ.

Thực tế 4 thửa đất đó giá thị trường khoảng 160 tỷ đồng, song bị Thiện “soi” ép giá chỉ còn 110 tỷ đồng. Tính cả tiền mặt và trị giá quyền sử dụng đất, anh T. đã trả cho Thiện khoảng 138 tỷ đồng. Thế nhưng đến cuối tháng 6/2020, Thiện vẫn “chốt sổ”, thông báo anh T. còn nợ 18,5 tỷ đồng. Ông T nhiều lần năn nỉ Thiện khóa nợ gốc để trả từ từ, nhằm có cơ hội làm ăn.

Tuy nhiên, đại gia không đồng ý mà còn nhiều lần cùng con trai đến chửi bới, đe dọa. Không thể tiếp tục trả lãi nặng một cách vô lý, anh T. làm đơn gửi cơ quan công an để tố cáo hành vi của cha con đại gia Thiện “soi”.

Vẫn chưa có số liệu đầy đủ về số vụ việc cho vay nặng lãi bị cơ quan bảo vệ pháp luật “sờ gáy” trong 11 tháng năm 2020. Tuy nhiên, riêng năm ngoái, trên cả nước đã phát hiện đến 1.772 vụ việc liên quan tín dụng đen, khởi tố 573 vụ, 1.336 bị can, thậm chí có nhiều đường dây liên quan đến người nước ngoài.

Ước tính hiện cả nước có hơn 10 ngàn sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen dưới các hình thức hụi, họ, đa cấp tài chính, tiền ảo, đang lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người. Đặc biệt, có nhiều đường dây tín dụng đen cho vay nặng lãi truyền thống hoạt động biến tướng, sử dụng các hợp đồng giả cách (hợp đồng các bên thực hiện nhằm che giấu một hợp đồng khác), hợp đồng mua bán, thuê lại tài sản của người đi vay để chiếm đoạt tiền lãi bất chính.

Bà Trần Thị Kim Nhung - giám đốc một DN xuất khẩu nông sản ở Đồng Nai cho biết, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 trong năm nay đã ảnh hưởng lớn đến nguồn lực tài chính của DN. Các DN đã cầm cố bất động sản và các tài sản có thể để xoay xở..., nhưng lãi suất vẫn phải đóng cho phía ngân hàng.

Theo bà Nhung, một hiện trạng nổi lên giữa mùa dịch này chính là tín dụng đen nhằm tận dụng những “nút thắt” của DN trong vấn đề về vốn vay ngân hàng. Thậm chí, một số DN đã vay tiền của các đường dây cho vay nặng lãi để đóng lãi suất ngân hàng.

Tín dụng đen thường nhắm vào nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ - là những nhóm DN tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn nhất. Bên cạnh đó, “đường sống” của tín dụng đen còn đến từ những DN kinh doanh kiểu ăn xổi, không sử dụng vốn vay cho đầu tư sản xuất.

Câu hỏi đặt ra là khi nào các DN nhỏ thoát khỏi vòng xoáy tín dụng đen? Muốn giải được vấn đề này, theo các chuyên gia, trước tiên các DN phải nói không với các đường dây cho vay nặng lãi. Thay vào đó, nếu gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn ngân hàng, một trong những giải pháp là các DN (đặc biệt là các DN tham gia trong chuỗi cung ứng) có thể chủ động tiếp cận các nguồn tài trợ vốn thông qua nền tảng công nghệ tài chính hay những mô hình tín dụng linh hoạt tuân thủ theo các quy định của Nhà nước và bảo vệ cả người cho vay lẫn người đi vay.

Long An: Đấu tranh với tội phạm liên quan đến tín dụng đen

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Long An hiện có khoảng 34 nhóm, với hơn 500 cá nhân đang hoạt động cho vay “tín dụng đen” (cho vay nặng lãi). Ngoài ra, Long An có gần 300 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động cho vay như kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh vàng hoặc điện thoại kết hợp với dịch vụ cầm đồ.

Theo đó, công an tỉnh liên tục rà soát, lập danh sách, lập hồ sơ, quản lý các băng nhóm tội phạm, các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư, côn đồ,… liên quan đến các hoạt động “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, Công an tăng cường công tác quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, kịp thời phát hiện, đấu tranh các vi phạm pháp luật của các công ty tài chính, tín dụng, các dịch vụ cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng di động (App), các đối tượng có biểu hiện huy động vốn lãi suất cao, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đầu tư tài chính, tiền ảo, cho vay lãi nặng.

Ngoài ra, tỉnh Long An mở các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp, triệt phá các băng nhóm tội phạm hoạt động “bảo kê”, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê; phối hợp các cơ quan chức năng điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”; đồng thời tăng cường tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay lãi nặng, đòi nợ, xiết nợ để đoàn viên, hội viên nâng cao cảnh giác.

T.Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng đen vẫn hoành hành