NATO nâng cấp hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu

Linh Chi 13/08/2019 23:30

Reuters ngày 13/8 cho hay, NATO đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis trên đất liền tại căn cứ Deveselu ở Romania trong hôm 9/8.

NATO nâng cấp hệ thống  lá chắn tên lửa tại Đông Âu

Nga từng nhiều lần thể hiện quan ngại về hệ thống Aegis Ashore mà Mỹ lắp đặt ở Đông Âu. (Nguồn: Reuters).

Tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa

NATO cho biết chương trình nâng cấp được thực hiện trên toàn hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, nhưng không cung cấp khả năng tấn công nào cho hệ thống phòng thủ tên lửa này của Romania.

“Chương trình nâng cấp là một phần của Phương pháp tiếp cận thích ứng theo giai đoạn ở châu Âu (EPAA) đối với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, được Mỹ công bố vào từ tháng 9/2009” - Thông cáo báo chí của NATO nêu rõ.

EPAA sử dụng năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo để bảo vệ châu Âu trước những mối đe dọa từ bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Trong quá trình cập nhật, NATO đã tạm thời triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại căn cứ Deveselu và hiện việc nâng cấp đã hoàn tất.

Trong khi đó, tại Ba Lan, Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên bộ (AABMDS) mới nhất tại thị trấn Redzikowo, miền Tây Bắc quốc gia Đông Âu này và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Hệ thống phòng thủ tên lửa trên bờ của lực lượng hải quân Ba Lan cũng là kết quả của sáng kiến EPAA.

Địa điểm triển khai AABMDS tại Redzikowo là giai đoạn 3 của EPAA. AABMDS ở Ba Lan có thể mở rộng khả năng bảo vệ các vùng lãnh thổ, dân thường và lực lượng của NATO trước những mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Hệ thống được thiết kế để phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tên lửa đạn đạo của đối phương bằng tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 (SM-3).

Liên quan hoạt động quân sự của NATO, Bộ Quốc phòng Latvia ngày 12/8 cho biết hai cuộc tập trận quân sự quy mô lớn giữa một số nước Đông Âu và các binh sỹ NATO sẽ được tổ chức tại nước này vào mùa Thu năm nay.

Từ ngày 26/9-6/10, cuộc tập trận quân sự quốc tế Silver Bullet sẽ được tổ chức với sự tham gia của quân đội nước chủ nhà và Ba Lan, Slovakia, Litva, Estonia, cũng như các binh sĩ thuộc đơn vị chiến đấu của NATO do Canada dẫn đầu. Mục tiêu của cuộc tập trận bộ binh này sẽ là cải thiện kế hoạch hành quân và thực hiện các hoạt động phòng thủ.

Sau đó, từ ngày 28/10-10/11, cuộc tập trận quân sự Furious Axe cũng sẽ được tổ chức tại Latvia với sự tham gia của các đơn vị quân đội Latvia và Estonia, cũng như các binh sỹ từ hai đơn vị chiến đấu khác nhau của NATO lần lượt do Canada lãnh đạo ở Latvia và Anh lãnh đạo ở Estonia.

Cuộc tập trận này nhằm mục đích huấn luyện và cải thiện sự phối hợp giữa các đơn vị chiến đấu trên lãnh thổ Latvia, cũng như các lực lượng đồng minh.

Mối quan ngại của Nga

Việc THAAD được triển khai ở Đông Âu khiến Chính phủ Nga quan ngại không kém hệ thống Aegis Ashore. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hồi tháng 4 năm nay từng nói rằng, Nga “không thể biết được hệ thống Aegis Ashore sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì trong khu vực phòng thủ tên lửa của nó”.

Lầu Năm Góc và NATO liên tiếp giải thích về lý do mà họ triển khai THAAD. “Theo đề nghị của NATO, Bộ trưởng Quốc phòng sẽ triển khai hệ thống THAAD của quân đội Mỹ tới Romania trong mùa Hè năm nay để hỗ trợ phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO” -Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu tuyên bố hồi đầu tháng 4.

Việc NATO nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa xuất hiện sau khi khối đồng minh quân sự này nêu rõ về quan ngại của họ trước việc Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - mua S-400 của Nga.

NATO đã nhiều lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng hệ thống của Nga không tương thích với các hệ thống vũ khí của các nước thành viên khối quân sự này mà Ankara là thành viên, ít nhất là với máy bay chiến đấu F-35. Ngoài ra, Mỹ lo ngại nếu Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp S-400 vào hệ thống phòng thủ của mình, Nga có thể có được các dữ liệu nhạy cảm về máy bay F-35.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NATO nâng cấp hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO