Những người Mỹ bị xa lánh khi trở về từ 'điểm nóng' dịch corona

Theo Dân Trí 21/02/2020 15:22

Những người Mỹ được sơ tán khỏi vùng dịch corona ở Trung Quốc và Nhật Bản đang phải đối mặt với sự xa lánh từ những người xung quanh vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus.

Những người Mỹ bị xa lánh khi trở về từ 'điểm nóng' dịch corona

Hành khách rời khỏi du thuyền Diamond Princess tại Yokohama, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters).

Khi Esther Tebeka, một trong số hơn 1.000 người Mỹ được sơ tán khỏi Trung Quốc do dịch corona, kết thúc 14 ngày cách ly mà không có biểu hiện nhiễm bệnh, cô từng nghĩ rằng mình sẽ sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, Tebeka bị mọi người từ chối tới gần, hoặc họ sẽ che mặt bằng khẩu trang y tế do lo sợ một cách vô căn cứ rằng, cô là người mang virus corona chủng mới (Covid-19). Theo Reuters, tương tự Tebeka, ngày càng nhiều người Mỹ trở về từ Trung Quốc bị xa lánh hoặc kỳ thị sau thời gian cách ly.

“Tôi phải nói với mọi người bao nhiêu lần nữa là tôi không bị bệnh. Chúng tôi không phải là xác sống”, Tebeka, người đang điều hành một phòng khám y khoa Trung Quốc ở Palo Alto, bang California, nói sau khi nhận thấy các bệnh nhân đột ngột hủy các cuộc hẹn tại phòng khám.

Tebeka và con gái Chaya 15 tuổi là hai trong số công dân Mỹ được sơ tán khỏi thành phố Vũ Hán, tâm dịch corona ở Trung Quốc, và thủ đô Tokyo, Nhật Bản, sau đó bị cách ly tại các căn cứ quân sự ở California, Texas và Nebraska (Mỹ).

Theo cơ quan y tế liên bang Mỹ, hàng trăm người cũng tự cách ly tại nhà sau khi trở về từ các vùng nhiễm dịch trên các chuyến bay thương mại.

Giới chức y tế khẳng định các công dân Mỹ, những người đã trải qua quá trình xét nghiệm, theo dõi hàng ngày và phòng ngừa cách ly, là những người có ít khả năng lây nhiễm virus nhất. Tuy nhiên, họ vẫn bị hàng xóm xa lánh, cộng đồng mạng tẩy chay và bạn bè hắt hủi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết 14 ngày là khoảng thời gian ủ bệnh tối đa của virus Covid-19. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thực hiện trong tháng này cho thấy thời gian ủ bệnh thậm chí có thể kéo dài tới 24 ngày.

Theo CDC, đối với các hành khách trên các chuyến bay thương mại từ các vùng nhiễm dịch trở về Mỹ, nếu xuất hiện những triệu chứng nhất định trong vòng 14 ngày, họ sẽ được yêu cầu tham gia vào quá trình theo dõi do giới chức y tế thực hiện. Một số người có thể bị hạn chế đi lại hoặc được yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người khác.

Tâm lý kỳ thị

Amy Deng và con gái Daisy, 8 tuổi, là những hành khách từ Trung Quốc về Mỹ. Deng, người đã tự cách ly ở nhà, cho biết hai mẹ con cô không nhận được hướng dẫn chính thức về việc hạn chế đi lại, nhưng cô vẫn hạn chế đi lại để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Deng và con gái tránh tiếp xúc gần với mọi người trong khoảng thời gian 2 tuần sau khi trở về từ chuyến thăm gia đình ở Quảng Châu - nơi cách “tâm dịch” Vũ Hán hơn 800 km về phía nam.

Tuy nhiên, Deng nói rằng ngay cả việc cô tự cách ly và tránh tiếp xúc với mọi người cũng không thể ngăn những người hàng xóm gọi điện cho cảnh sát vì họ lo ngại mẹ con cô có thể lây nhiễm virus corona.

“Mọi người đều hoảng sợ, sau đó họ bịa ra tin đồn và phát tán chúng, thậm chí họ nói rằng chúng tôi không nên sống trong cộng đồng đó”, Deng, chuyên gia châm cứu 45 tuổi, cho biết.

Sau khi Deng trở về Mỹ hôm 4/2, cô thậm chí bị một phụ nữ, người dùng chung hành lang với văn phòng của Deng, đề nghị cô không tới văn phòng để lấy một cuốn sổ.

“Mọi người đang cho thấy sự phân biệt đối xử quá mức”, Deng nói.

Ngoài những hành khách được sơ tán khỏi du thuyền Diamond Princess ở cảng Nhật Bản, hiện chỉ còn 15 người Mỹ được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới và chưa có ca tử vong nào.

Hầu hết các ca nhiễm virus tại Mỹ đều từng tới Vũ Hán, nơi chiếm phần lớn trong tổng số hơn 2.100 trường hợp tử vong và 74.000 trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc. CDC cho biết con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 14.000 ca tử vong vì cúm tại Mỹ trong mùa năm nay.

Theo Cindy Kam, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Vanderbilt, nguyên nhân sâu xa của sự kỳ thị dịch corona dường như xuất phát từ tâm lý ghê sợ bản năng về các loại dịch bệnh lây nhiễm, chứ không dựa trên bằng chứng khoa học hay định kiến sắc tộc.

Giáo sư Kam đã nghiên cứu cả dịch Ebola và Zika, và phát hiện ra rằng nỗi sợ hãi về dịch bệnh của con người còn lớn hơn sự lo ngại về những người mang virus.

Matt Galat, một người Mỹ sống ở Trung Quốc và trở về Mỹ trong tháng này, cho biết anh đã tự cách ly 2 tuần ở nhà với gia đình. Tuy vậy, Matt vẫn nhận được những phản ứng không lường trước từ chính những người theo dõi anh trên kênh Youtube JaYoe Nation.

“Họ nói rằng “bạn đang lây nhiễm cho cả đất nước của tôi, bạn nên biến đi””, Matt chia sẻ.

Nhiều người đang bị cách ly cũng lo sợ về những gì đang chờ đón họ ở phía trước. Một số người vẫn chưa dám công khai thể hiện những lo ngại của họ, vì sợ rằng chính họ sẽ thu hút sự chú ý của dư luận.

“Khi tôi đi ra ngoài, mọi người sẽ nhận ra tôi vì tôi hoạt động nhiều trên mạng xã hội. Tôi hy vọng mọi người sẽ không nghĩ rằng tôi đang mang virus”, Sarah Arana, người đang được cách ly tại căn cứ không quân ở California sau khi được sơ tán khỏi du thuyền Diamond Princess, cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người Mỹ bị xa lánh khi trở về từ 'điểm nóng' dịch corona

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO