Tổng thống Mỹ phê duyệt kế hoạch 'giữ giếng dầu' ở Syria

Khánh Duy 07/11/2019 06:00

Reuters hôm 6/11 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn một nhiệm vụ quân sự mở rộng nhằm đảm bảo lợi ích tại các giếng dầu trải dọc miền Đông Syria, làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc liệu binh sĩ Mỹ có tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Syria, Nga hay lực lượng khác nếu họ đụng chạm tới các giếng dầu này hay không.

Tổng thống Mỹ phê duyệt kế hoạch 'giữ giếng dầu' ở Syria

Đoàn xe của quân đội Mỹ tới mỏ dầu ở Qamishli, Syria hôm 26/10. Ảnh: AFP.

Nhiều vấn đề pháp lý

Theo Reuters, quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp ngày 1/11 giữa Tổng thống Trump với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo kế hoạch mới, quân đội Mỹ sẽ bảo vệ một vùng đất kéo dài 150 km từ Deir el-Zour đến al-Hassakeh vốn do các chiến binh người Kurd kiểm soát.

Một số quan chức chính quyền Mỹ cho hay nhiều chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa được quyết định. Tuy nhiên, quyết định của ông Trump cũng đã được coi là thắng lợi đối với một số tướng lĩnh ủng hộ duy trì hiện diện quân sự Mỹ ở Syria nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đối phó với Iran và tiếp tục hợp tác với người Kurd.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng buộc các luật sư ở Lầu Năm Góc phải soạn thảo các chỉ thị cụ thể để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc là binh sĩ Mỹ nã súng vào lực lượng chính phủ Syria hay của Nga để chiếm lại các cơ sở dầu khí nằm trên lãnh thổ của Syria. Quyết định của ông Trump cũng đóng sập cánh cửa về việc rút hơn 1.200 binh sĩ Mỹ khỏi Syria, điều ông từng liên tiếp hứa hẹn.

Thượng nghị sĩ Tim Kaine của đảng Dân chủ đã gọi nhiệm vụ quân sự này là lầm lạc. “Đẩy sinh mạng của binh sĩ vào chỗ nguy hiểm để canh gác các giếng dầu ở miền Đông Syria không chỉ là hành động liều lĩnh, mà nó còn không hợp pháp”- ông Kaine nói với Hãng AP - “Tổng thống Trump đã phản bội đồng minh Kurd, những người từng chiến đấu sát cánh với binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến chống IS, và thay vào đó dịch chuyển binh sĩ tới bảo vệ các giếng dầu”.

Hiện Lầu Năm Góc không nêu rõ có bao nhiêu lực lượng sẽ ở lại Syria trong nhiệm vụ mới này. Các quan chức khác giấu tên nói rằng có thể có ít nhất 800 quân, trong đó bao gồm khoảng 200 quân hiện đang đồn trú tại al-Tanf, miền Nam Syria.

Việc quân đội Mỹ tiến vào Syria để chống lại tổ chức IS dựa trên các đạo luật Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự năm 2001 và năm 2002 (AUMF). Theo đó, quân đội Mỹ cho thể sử dụng tất cả lực lượng chống lại các hành vi của khủng bố quốc tế. Vì vậy, các chuyên gia pháp lý nói rằng Mỹ có đủ cơ sở để áp dụng Đạo luật AUMF nhằm ngăn các mỏ dầu rơi vào tay IS.

Tuy nhiên, việc bảo vệ giếng dầu khỏi tay của Chính phủ Syria hay các thể chế khác là điều rất khó để biện minh.

“Mỹ không có chiến tranh với Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ, điều này khiến họ không thể vận dụng AUMF”- Stephen Vladeck, Giáo sư luật an ninh quốc gia thuộc ĐH Texas, nhận định.

Phản ứng từ Quốc hội Mỹ

Quyết định của Tổng thống Trump đã vấp phải phản ứng từ nhiều thành viên Quốc hội, trong đó có thượng nghị sĩ Tim Kaine. Các nhà lập pháp này phản đối việc chính quyền Trump sử dụng AUMF như cơ sở để thực hiện một cuộc chiến chống lại một nhà nước có chủ quyền là Syria. Hành động này, theo họ, cần phải có sự phê chuẩn từ Quốc hội.

Nhiều quan chức khác cũng cho rằng, chỉ thị mà ông Trump đưa ra không bao gồm sự ủy thác cho nước Mỹ phải chiếm dầu khí của Syria. Ông Trump từng nhiều lần nói rằng Mỹ chỉ đang “giữ dầu”, nhưng phía Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đến nay không thể lý giải nổi ý nghĩa của câu nói này.

Hiện đã có khoảng vài trăm binh sĩ Mỹ được triển khai tới các vùng xung quanh Deir el-Zour, trong khi một lượng binh sĩ khác cùng xe thiết giáp cũng đã bắt đầu di chuyển tới đây. Giới chức Mỹ nói rằng tổng lượng binh sĩ tới khu vực này có thể tăng đến con số 500.

Ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper từng nói rằng điều quan trọng là phải bảo vệ giếng dầu khỏi rơi vào tay của IS.

Hiện tại, lực lượng người Kurd mà Mỹ hậu thuẫn đang kiểm soát các giếng dầu, và được hỗ trợ một nhóm nhỏ binh sĩ Mỹ. Tuy nhiên, có một thỏa thuận ngầm giữa người Kurd và Chính phủ Syria, trong đó Damascus mua lại lượng dầu thặng dư thông qua bên trung gian. Chính quyền người Kurd bán dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tư nhân và sau đó các nhà máy này bán ngược trở lại cho chính quyền người Kurd.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Mỹ phê duyệt kế hoạch 'giữ giếng dầu' ở Syria

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO