Xét xử vụ máy bay MH17 rơi: Sự thật chưa sáng tỏ

Đình Tú 25/03/2020 00:00

Trong khi cả châu Âu chìm trong các tin tức về đại dịch Covid-19 thì một tòa án ở Hà Lan đã mở phiên xét xử các nghi phạm liên quan vụ bắn rơi máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines rơi năm 2014. Sau 6 năm điều tra, vụ án đã đến hồi kết thúc nhưng sự thật liệu đã được sáng tỏ?

Xét xử vụ máy bay MH17 rơi: Sự thật chưa sáng tỏ

Xác máy bay MH17 sau khi rơi tại miền Đông Ukraine.

Phiên tòa vắng mặt bị cáo

Hơn 400 phóng viên quốc tế theo dõi phiên toà được mở tại Amsterdam, Hà Lan hôm 9/3. Cùng với đó, phiên tòa còn có sự tham dự của thân nhân của các hành khách, thành viên phi hành đoàn trên chiếc MH17. Hội đồng thẩm phán gồm 3 người do Chánh án Hendrik Steenhuis đứng đầu tiến hành xét xử các bị cáo.

Trước khi phiên tòa diễn ra, một cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra trước Đại sứ quán Nga ở The Hague với những cáo buộc nhằm vào các nghi phạm là người Nga. “Chúng tôi nghĩ rằng Nga vẫn còn nợ chúng tôi một vài câu trả lời”- Sander van Luik, người có anh trai thiệt mạng trong vụ tai nạn nói.

Theo tờ Moscow Times, tháng 6/2019, nhóm điều tra chung quốc tế do Hà Lan đứng đầu (JIT) sau nhiều năm thu thập các bằng chứng, đã yêu cầu bắt 4 nghi phạm: 3 người Nga gồm Sergei Dubinsky, Oleg Pulativ, Igor Girkin và một người Ukraina tên Leonid Kharchenko.

Tuy nhiên, điều đặc biệt của phiên tòa là cả 4 nghi phạm bị cáo buộc liên quan đều vắng mặt do Nga và Ukraine đều không đồng ý dẫn độ công dân của mình.

Cáo buộc của bên công tố cho thấy, hệ thống tên lửa BUK bắn rơi máy bay là của Lữ đoàn Phòng không số 53 của Nga, đặt trụ sở tại Thành phố Kursk phía Tây nước Nga. Tất cả 4 người bị cáo buộc đều bị nghi ngờ đóng vai trò tích cực trong việc vận chuyển và khởi động hệ thống tên lửa BUK này.

Igor “Strelkov” Girkin là người nổi tiếng nhất trong 4 nghi phạm. Từng là cựu Bộ trưởng Quốc phòng của nước Cộng hòa Donetsk tự xưng (DNR) ở miền Đông Ukraina và cố vấn thân cận của người đứng đầu chính quyền Crưm - ông Sergei Aksyonov. Girkin được xem là sĩ quan quân đội cao cấp nhất ở miền Đông đã có liên hệ trực tiếp với Nga. Theo báo Moscow Times, ông này đang sống ở Nga và liên tục phủ nhận sự liên quan đến vụ MH17. Dubinsky là cựu sĩ quan tình báo quân sự, người từng chiến đấu ở Afghanistan và Chechnya trước khi chuyển đến miền Đông Ukraina. Ông ta bị cáo buộc sắp xếp vận chuyển bệ phóng tên lửa BUK, và được cho là sống ở vùng Rostov của Nga. Trong khi đó, Pulatov cũng từng tham chiến ở Afghanistan và Chechnya, đóng vai trò là nhân vật phó của Dubinsky trong đơn vị tình báo quân sự của phe ly khai. Bị cáo cuối cùng là Kharchenko - người Ukraina vốn đứng đầu Tiểu đoàn do thám của phe ly khai trong vụ bắn rơi MH17.

Khép lại nhưng chưa sáng tỏ

Sau khi phiên tòa được mở, trang Avia-pro của Nga cho đăng tải thông tin về việc Tòa án The Hague yêu cầu bên công tố cung cấp bằng chứng cho thấy chiếc phi cơ trên thực sự đã bị tên lửa phòng không BUK bắn hạ.

“Nếu không chứng minh được thông qua bằng chứng liên quan, vụ án có thể được coi là khép lại, bởi vì các nhà điều tra không còn tranh luận về việc ai đã phá hủy máy bay trong những điều kiện nào”- Avia-pro viết.

Theo Chủ tọa phiên tòa Hendrick Steinhaus, các tài liệu thảo luận diễn ra vào ngày 22/1/2016 của cuộc điều tra nói rằng Hoa Kỳ đã truy cập vào các hình ảnh vệ tinh bí mật được cho là ghi lại vụ phóng tên lửa, cáo buộc tình báo Nga đứng sau các nghi phạm. Tuy nhiên, Moscow một mực phủ nhận mọi sự liên quan tới thảm họa.

“Thông tin này được cung cấp bởi dịch vụ an ninh Hà Lan. Các tài liệu cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ không phản đối tiết lộ thông tin này. Câu hỏi là điều này có đúng không? Và nếu vậy công tố viên có ý định thêm thông tin này vào vụ án hay không?”- Chủ tọa phiên tòa Hendrick Steinhaus tuyên bố.

Quan điểm của truyền thông Nga trong thời gian 6 năm điều tra vụ án cho thấy không có bằng chứng nào cho thấy việc máy bay MH17 thực sự bị bắn hạ bởi một tên lửa phòng không dẫn đường. Các chuyên gia tin rằng tòa án Hague có thể từ chối điều tra thêm về vụ án.

Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia có công dân thiệt mạng đều cho biết sẽ theo đuổi đến cùng sự việc. Các công tố viên trong vụ án cũng cho biết nếu bị kết án, 4 bị cáo có thể lãnh án tù chung thân dù chưa có bản án cuối cùng của phiên tòa.

Vào ngày 17/7/2014, máy bay Boeing 777 của Malaysia số hiệu MH17 bay qua không phận thuộc miền Đông Ukraine đã bất ngờ bị nổ ở trên không. Toàn bộ 298 người trên máy bay đã thiệt mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử vụ máy bay MH17 rơi: Sự thật chưa sáng tỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO