Tinh giản cấp phó sau sáp nhập

H.Vũ 06/03/2019 07:30

Một vấn đề lo ngại đang được đặt ra của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là tình trạng thừa cấp phó sau khi sáp nhập. Nếu không giải quyết e rằng việc sắp xếp, sáp nhập bộ máy sẽ thiếu triệt để.

Đánh giá về kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Tổ chức Trung ương nhìn nhận, về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giảm 3 cơ quan Trung ương; bước đầu sắp lại để giảm 1 số tổng cục thuộc Bộ; cơ cấu lại để giảm cục, vụ và tương đương ở các cơ quan Trung ương; các ban, sở, ngành cấp tỉnh; cấp phòng và tương đương giảm nhiều nhất.

Về số lượng lãnh đạo quản lý, theo đó đã giảm 11 lãnh đạo cấp tổng cục, 171 lãnh đạo cấp vụ, trong đó 36 lãnh đạo vụ, cục thuộc tổng cục; 172 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương; 9.223 lãnh đạo phòng và tương đương. Về biên chế do sắp xếp lại tổ chức đã giảm 60.656 biên chế bao gồm: cán bộ, công chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, công tác sắp xếp, phân công kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của một số chức danh cán bộ, công chức, viên chức chưa nhiều. Số lượng tổ chức và lãnh đạo cấp phó ban, ngành, sở, đơn vị cấp tỉnh giảm chưa tương xứng. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy định và hướng dẫn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế tối thiểu thành lập một tổ chức, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa chưa được ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đồng bộ.

Từ thực tế này, làm sao có thể tinh giản được số lượng cấp phó sau khi sáp nhập, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, về mặt chủ trương đã có và rõ, từ nay đến năm 2020 tiếp tục tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước trong đó có hợp nhất, sáp nhập, giải thể những cơ quan đơn vị từ Trung ương đến địa phương, cho nên việc hợp nhất, sáp nhập giải thể 2-3 cơ quan thành 1 cơ quan sẽ có 1 trưởng, còn những người trưởng khác chưa đến tuổi nghỉ hưu, chưa bố trí được công việc khác đương nhiên sẽ xuống làm phó.

Theo ông Hòa, phần lớn việc bố trí cấp trưởng, cấp phó đều đạt chuẩn nên chắc chắn hiện tượng thừa cấp phó trong giai đoạn hiện nay là vẫn còn, vì không thể đưa họ xuống làm chuyên viên hay trưởng phòng.

“Theo quy định mỗi nơi chỉ 3-4 cấp phó nhưng một số cơ quan sau khi hợp nhất sáp nhập có đến 6-7 cấp phó. Vì vậy về chế độ chính sách, đương nhiên không được đề bạt bổ nhiệm thêm mà dần dần trong cơ quan mới cần sắp xếp để bố trí lại sao cho hợp lý, và đến giai đoạn theo quy định cấp phó sẽ giảm xuống còn 3-4 cấp phó, những trường hợp dôi dư cấp phó phải giải quyết bằng chế độ chính sách bởi hàng năm họ không mắc vi phạm, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không thể cho xuống chức”-ông Hòa bày tỏ.

Ông Hòa cũng cho rằng, giảm cấp phó nhưng làm sao không được ảnh hưởng tới tư tưởng cán bộ đảng viên mà phải có cơ chế chính sách phù hợp để giải quyết cho những nơi dôi dư cấp phó hiện nay để họ có thể yên tâm xin nghỉ việc, hoặc chuyển công tác khác.

Cùng chung quan điểm, nhìn nhận vấn đề dư thừa cấp phó đang là vấn đề khó khăn nhất trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay ông Nguyễn Tiến Dĩnh-nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đang có 3 phương án, thứ nhất trước mắt vẫn giữ nguyên sau đó giảm dần; thứ hai là luân chuyển sang bộ phận khác đang còn thiếu; thứ ba là giải quyết chế độ chính sách cho bảo lưu một thời gian. Song hiện nay nhiều nơi vẫn tạm thời giữ nguyên để ổn định, một thời gian sau không bổ nhiệm thêm nữa thì số lượng cấp phó sẽ giảm dần vì có người sẽ về hưu. Còn nếu họ vẫn còn tuổi công tác thì sẽ điều chuyển hoặc động viên để bảo lưu chế độ chứ không giữ cương vị đó nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh giản cấp phó sau sáp nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO