Tinh gọn để đạt hiệu quả

Hoàng Mai 28/10/2017 08:05

Ngày 25/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây cũng chính là một trong số các vấn đề lớn được Hội nghị Trung ương 6 khóa XII bàn bạc hồi đầu tháng 10. Với tinh thần chung là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư đã cho biết: BCH TƯ đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thực ra, đổi mới hệ thống chính trị tinh gọn hiệu quả theo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân chính là một cách hiệu quả trong góp phần xây dựng Đảng. Vì, bộ máy các cơ quan Đảng, cơ quan chính quyền trong nhiều trường hợp có sự giao thoa và cũng có sự chồng chéo về nhiệm vụ.

Điều này đã làm cho bộ máy lâu dần trở nên công kềnh hơn; ngân sách vì thế cũng phải chi cho bộ máy ấy nhiều hơn. Đảng đã nhìn thấy bất cập này nên đã quyết tâm phải đổi mới bộ máy từ trung ương đến địa phương. Với mục tiêu, làm sao để gọn bộ máy nhưng không khiến công việc bị đình trệ. Trên diễn đàn QH chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã từng bày tỏ, chi thường xuyên lớn thì lấy đâu tiền chi cho phát triển.

Trong Nghị quyết mới được ký ban hành hôm 25/10, Trung ương đã đưa ra 4 mục tiêu căn bản cho đến năm 2021, đó là: Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý; Thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm rõ về lý luận và thực tiễn; Sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố; Giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.

Sau khi thực hiện xong 4 mục tiêu này, Trung ương đặt 5 mục tiêu cho giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030: Hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; giảm biên chế; Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; Tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.

Đó đều là những mục tiêu cụ thể và có tính định hướng cho việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn nữa. Bởi vì, không tinh gọn thì khoảng 11 triệu người hưởng lương có yếu tố ngân sách sẽ khó có ngân sách nào kham nổi. Rồi trong số đó có gần 1,3 triệu cán bộ thôn, bản, tổ dân phố với hơn 32 ngàn tỷ đồng chi lương, phụ cấp cho riêng số cán bộ này chẳng phải là con số nhỏ. Dẫu biết rằng cán bộ cơ sở là cần thiết nhưng nếu không tinh gọn; không kiêm nhiệm thì gánh nặng đã nặng sẽ còn nặng hơn.

Tuy nhiên, nói là đổi mới một cách tổng thể thì cũng không thể quên sự kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; đổi mới tích cực, mạnh mẽ, nhưng không nôn nóng từ cực này nhảy sang cực kia; gắn đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội- Tổng Bí thư đã nhấn mạnh yêu cầu trong quá trình đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trong Nghị quyết 18 của Trung ương khi nói về nguyên tắc sắp xếp lại tổ chức bộ máy cũng đã chỉ rõ: Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị. Mạnh dạn thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; kịp thời sơ kết, tổng kết và mở rộng dần những mô hình phù hợp, hiệu quả…

Thời gian qua một số địa phương đã thí điểm mô hình tinh gọn như Trung ương đề ra. Chẳng hạn, Nghệ An, Đồng Tháp với mô hình bí thư kiêm trưởng thôn; hay như Thanh Hóa, Hòa Bình ban hành khung cấp phó các phòng ban thuộc sở; Quảng Ninh với việc hợp nhất các văn phòng giúp việc vào một văn phòng... Vấn đề là các mô hình trên đã đem lại những hiệu quả nhất định. Rồi đây, những địa phương này sẽ tiếp tục việc thí điểm và các mô hình này rất có thể sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Mà cũng rất cần được nhân rộng để có bước tổng kết quan trọng cho quá trình sắp xếp lại bộ máy một cách tổng thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh gọn để đạt hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO