Ăn đong

Nguyễn Minh Hoa 24/03/2020 14:23

Với người canh nông chả gì bằng thóc gạo có trong trong nhà, thiếu ăn là bạc mặt, làm gì thì làm cứ phải no cái bụng mới dám tính việc tiếp theo. Nếu giáp hạt có thiếu thì chẳng mấy là mùa, gặt lúa non cũng có bát cơm mới, có bát cháo cầm hơi, bán lúa non cũng trả được nợ. Nhưng “ăn đong” nghe đã thấy bấp bênh, chẳng biết lấy gì đảm bảo chắc chắn, những buồn lo có khi truyền đời, nghe đến “ăn đong” nước mắt đã trực lăn dòng.

Ăn đong

Thóc phơi đượm nắng là xay giã ngay, vì nhà ai cũng mong cơm gạo mới. Bữa đầu thổi cơm gạo mới còn phải nghe ngóng lượng nước, gạo mới còn sát nồi thế nhưng vào tay mẹ, tay chị thì khi ghế đã biết là căn nước chuẩn, đến mê cháy cũng ngon chứ đừng nói là bát cơm thổi xuê, thơm phưng phức. Cơm gạo mới ăn với nước mắm nguyên chất cũng ngon chứ đừng nói đến bát canh cua đồng hay nồi tép dầu kho. Chợ phiên ngày mùa, gạo mới thơm cả cầu hàng xáo. Vẫn là câu chuyện của “gạo hơn, gạo kém”. Người bán bao giờ cũng muốn gạo “kém”, người mua lại chỉ muốn đong “hơn”. Được mùa, hàng quà cũng rôm rả. Chị hàng bánh cuốn tay tráng, tay cuộn bánh vẫn luôn miệng khoe nay xay gạo mới, hòa bột bánh đã thấy thơm nức. Chị hàng bún thì khoe, bún làm gạo mới vừa trắng vừa dẻo… Người ta bán đôi yến gạo mới để lo việc nhà. Từ ma chay, hiếu hỉ cho đến con cái ăn học đều trông vào thóc gạo, nay được mùa bán gạo mới được giá nên mua bán xong còn lo bữa tươi cho cả nhà…

Đấy là được mùa, là năm ấy mưa thuận gió hòa, những như mất mùa thì buồn thiu từ ngoài đồng về làng, rồi ra đến chợ. Người làng bảo gặt lúa lấy rơm nuôi trâu, bò. Nhiều người gạt nước mắt, tuốt phơi thóc lép cho khô để nghiền thành cám nuôi lợn. Nhà nào có người thì gột đàn vịt thả ra đồng cho nhặt lúa lép, vài tháng bán được đàn vịt đỡ được đồng nào hay đồng ý. Thóc phơi choen hoẻn trong sân, chả thấy cót chồng thóc đâu mà thóc đóng bao, cất trong buồng cũng hết. Nhà 5 - 7 miệng ăn mà ăn đong thì không gì lo bằng.

Mẹ với chị lấy xe cải tiến đi xay xát gạo mà tần ngần như muốn bớt lại một bao. Bố phải vác ra và bảo xát cả thể đi cho bõ công. Bố chẳng hỏi nhưng mẹ tự nói:

- Có lẽ lần này không dám xát gạo trắng mình ạ.

Bố không nói gì, lặng lẽ bước vào nhà hút điếu thuốc lào. Gạo xát về, mẹ và chị kê nong, nia ngồi sàng sẩy, rõ là mẹ gằn ít hơn, dần đi ít tấm hơn và gạo cũng không trắng bằng vụ trước. Nồi cơm cũng chỉ nấu đủ, bát cơm của mẹ bao giờ cũng vơi hơn hẳn.

Chị em ngồi học khuya, nghe rõ mẹ nói với bố:

- Thóc xấu, gạo chẳng được mấy, có lẽ thóc này để nghiền thành cám nuôi lợn thôi bố nó ạ. Nhà mình ăn đong đến mùa mất.

Không thấy bố nói gì. Chị em lắng tai nghe, chị thì thào:

- Chị sẽ cho gà ấp lứa này.

- Thế sáng không có trứng chưng ăn cơm đi học à chị?- Em nói ngây ngô.

Mãi sau mới thấy bố nói:

- Gạo xát lần này ăn được 2 tháng, 2 tháng nữa đôi lợn nhà mình cũng xuất chuồng được, cũng không đến mức đói. Các con đang tuổi lớn, để rảnh tôi đi kiếm cá, kiếm ếch…

Chị em tôi xếp sách vở đi ngủ, mang theo nỗi lo “ăn đong” ấy không chỉ vụ đó mà cho đến cả bây giờ. Tôi vẫn nhớ thằng hàng xóm bạn học của tôi còn bị mẹ nó mắng cho một trận vì xúc cả nửa bơ gạo cho gà. Mẹ nó mắng:

- Nhà đang “ăn đong” mà hoang phí.

Tuy còn bé nhưng chúng tôi đã hiểu vì cả hai nhà đang cùng “ăn đong”.

Hũ gạo vợi dần, mẹ tôi tính thì phải, nên trước khi đi làm đồng thường đong gạo vào rá trước để chị em tôi đi học về thổi cơm. Cơm chín cũng là khi mẹ về mang theo khi thì mớ cá riếc, lúc lại khoảng đôi chục con ốc bắt ngoài đồng. Cơm vẫn đủ ăn, lại có thức ăn tươi, nên tôi cũng quên khuấy chuyện “ăn đong” của nhà mình.

Nhưng tôi cũng nhận ra dạo này mẹ ít đi chợ, tôi chẳng có quà, là ca bỏng ngô hay đôi cái bánh rán mật. Có hôm, mẹ đi chợ sớm về tất tả đổ dăm ca gạo vào hũ rồi lo bèo rau cho 2 con lợn đang phá chuồng. Nước ăn tay hay bèo ngứa làm tay mẹ mẩn đỏ. Mẹ hòa cám sống và trộn bèo vào rồi đổ vào máng lợn. Hai con lợn xốc lấy xốc để đến no căng thì nằm ệch luôn cạnh máng. Tôi ăn cơm với tép kho tương mà điếc hết cả tai. Đường đi học của tôi phải qua chợ, đúng cầu hàng xáo. Mấy bà hàng xáo đong gạo bằng ca, tay vun gạo thoăn thoắt. Mấy người khoác thúng lên 1 vai, đắn đo hỏi giá mãi không đong, có bà hàng xáo ghê, mặt qoai lên:

- Mất mùa, gạo kém không đong thì nhịn khỏi phải ăn…

Tôi lại nhớ ra, nhà mình cũng đang ăn đong, lo lo là.

Mẹ tôi đi xe đạp vào xóm trong gọi người bán đôi lợn, người ta đến xem, trả giá mẹ tôi không ưng giá ấy, nhưng bố tôi quyết bán. Bố bảo:

- Đắt rẻ bán cho xong, lấy vốn mua đôi lợn con bỏ vào chuồng đến Tết. Còn đong gạo ăn cho yên tâm.

Có tiền bán lợn, mẹ đi chợ đong cả bao tải gạo trắng ngần. Bữa ấy cái nồi gang nhà tôi thổi đầy kênh vung. Mẹ lại còn nấu cá cho cả nhà ăn tươi, bữa ăn ngon thật. Ăn xong, chưa kịp dọn bát đi, mẹ nói:

- Nhà mình ăn đong chưa đầy 2 tháng mà lo quá! Nhiều làng không có ruộng cấy đủ ăn, ăn đong quanh năm thì khổ lắm ý.

- Không có ruộng mà có nghề còn đỡ hơn, ít ruộng mà còn không có nghề, đi làm thuê cho làng nghề khác, lệ thuộc đầu ra của sản phẩm còn chết nữa. Không bán được hàng là thất nghiệp, Tết có khi còn đói - Bố tôi nói.

Chẳng phải mỗi mùa đó nhà tôi và người làng tôi mới phải “ăn đong” mà nắng mưa vần vũ, nhà tôi lại đông anh chị em ăn học nên chuyện ăn đong một đôi tháng trong gia đình canh nông như nhà tôi là không tránh khỏi. “Ăn đong” lo rồi nhớ, nhớ đôi mắt mẹ buồn thiu, nhớ nồi cơm vơi tận đâu, nhớ người hàng xóm đi chợ đong mỗi ca gạo rồi về, nhớ người làng băng qua cánh đồng buổi sớm đi làm thuê cho người làng khác có nghề phụ những khi nông nhàn, giáp hạt ăn đong… Nhớ vào mùa có cơm mới, niềm vui vỡ òa… Nhớ để rồi cái vò đựng gạo nhà tôi được giữ lại như 1 báu vật, nó đã vơi đầy, buồn vui theo gia đình chúng tôi suốt cả chặng dài. Tôi cứ thấy gạo là thích, thích mùi thơm, thích vục tay vào để cám bột dính vào tay. Tôi vẫn nói với các con: “Hạt gạo là quý, không được đổ vãi, không nên bỏ thừa”.

Giờ làng tôi đã khác, chẳng ai còn phải đói, ruộng đất không còn nhiều vì có các khu công nghiệp xây dựng tại khu đồng làng, người trong làng đi làm công nhân và chạy chợ nên thường “ăn đong” cả. Cửa hàng gạo ngay trong ngõ làng không thiếu loại gạo thơm nào, phục vụ tận tình cho mọi nhà. Nhiều người giống như tôi vẫn nhắc nhớ tới những ngày “ăn đong” đã xa, mỗi khi nhìn thấy gạo hay nói chuyện xưa, rồi bốc dăm hạt gạo lên lòng bàn tay ngắm nhìn, những toan lo xưa như vẫn phảng phất đâu đây.

Tôi không sợ nhắc đến quá khứ nghèo hay những tháng ngày ăn đong, tôi đã cất vào hành trang của mình mang theo bấy nay. Một trang kí ức đượm buồn nhưng hẳn là ai đã trải qua cũng đều cất giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ăn đong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO