Chống tham nhũng: Cần ngăn chặn từ gốc

Hoàng Mai 04/12/2019 09:16

Đảng rất kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng, nhưng, tham nhũng vẫn là “ung nhọt” trong xã hội, dù đã được điều trị tích cực nhưng vẫn cần nhiều thuốc đặc trị.

Chống tham nhũng: Cần ngăn chặn từ gốc

1. Thảo luận trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV về công tác phòng chống tham nhũng, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) nhắc lại việc Đảng ta xác định đấu tranh chống tham nhũng là một nhiệm vụ lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng, không nóng vội, không chủ quan. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh không có vùng cấm, đây là một quan điểm thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta. “Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã ban hành 45 nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận về công tác phòng, chống tham nhũng. Quốc hội thông qua 45 luật, pháp lệnh, 46 nghị quyết, Chính phủ ban hành 511 nghị định, 413 nghị quyết và 160 quyết định nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng” - ĐB này đưa ra dẫn chứng để thấy, chống tham nhũng được quan tâm ở tất cả các tầng nấc trong hệ thống Đảng, Nhà nước, Quốc hội.

Thực tế, tính riêng trong năm 2019, theo báo cáo của cơ quan điều tra, công an đã thụ lý điều tra 423 vụ án, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng, tài sản thu hồi trong các vụ án và thụ lý điều tra trên 9.455,2 tỷ đồng, 11.867 m2 đất và nhiều tài sản khác. Có thể nói sự quyết tâm, nỗ lực đó đã góp phần khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh". “Cử tri cho rằng lò lửa chống tham nhũng đang cháy, sức nóng của dư luận đang dâng cao và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, nhưng thực tế nạn tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành” - ĐB Linh đánh giá.

Điều ĐB nói cho thấy, cũng có một thực tế rằng việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng không ít đi. Điều đó liệu có phải do hoặc là hình phạt vẫn còn chưa đủ sức răn đe hay công tác kiểm tra giám sát phòng chống tham nhũng chưa thật sự hiệu quả? Và, việc tập trung phát hiện, ngăn chặn từ gốc, lấy phòng ngừa để đẩy lùi nạn tham nhũng ngay từ lúc manh nha trong tư tưởng của mỗi cá nhân, tổ chức chưa thực sự như mong muốn?

2. Hôm 18/11, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Thường trực Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo - để nghe báo cáo kết quả xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 15 đến nay. Nhìn lại những việc đã làm từ sau Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo đến nay, có thể thấy: nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng của các bị can, bị cáo để xử lý theo quy định của pháp luật; đã xử lý dứt điểm 13 vụ án, 24 vụ việc; khởi tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 7 vụ án; kết thúc điều tra 21 vụ án/ 127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án/ 98 bị can; xét xử sơ thẩm 12 vụ án/ 41 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/ 156 bị cáo; đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng.

Nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử. Từ nay đến hết năm 2019, Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết: sẽ chỉ đạo kết thúc điều tra 6 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án; xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 02 vụ án; kết thúc xác minh 17 vụ việc; nhất là khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 5 vụ án nghiêm trọng, phức tạp: vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến Dự án 15 Thi Sách, TPHCM; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP. Đà Nẵng; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan; vụ án “Giả mạo trong công tác; sản xuất, buôn bán hàng giả”, xảy ra tại Công ty Lũng Lô và một số công ty, tổ chức liên quan; vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn một danh sách nhiều vụ án khác cũng đã được nhắc đến. Đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: vụ án “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan; vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đưa ra hàng loạt dẫn chứng để thấy Đảng rất kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng, nhưng, tham nhũng vẫn là “ung nhọt” trong xã hội, dù đã được điều trị tích cực nhưng vẫn cần nhiều thuốc đặc trị.

3. “Đối với hệ thống Mặt trận và các thành viên của Mặt trận trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội ngày càng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt. Vai trò của MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị, xã hội các cấp và nhân dân đã thể hiện quyết tâm chính trị cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nổi bật là việc thực hiện giám sát, phản biện theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, Quy định số 124 ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên để thực hiện nhiệm vụ; quan tâm giám sát công tác xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng; chủ động giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức Đảng và đảng viên ở những lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao” - ĐB Bố Thị Xuân Linh nói.

Còn ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì đề nghị: cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo, tài sản liên quan đến người thân, tài sản không giải trình được nguồn gốc nhưng chưa chứng minh được do phạm tội mà có; xây dựng quy trình quy định về thu hồi, hủy bỏ, cách chức, giáng chức đối với cán bộ có vi phạm quy trình về công tác cán bộ; các cán bộ vi phạm quy định về chạy chức, chạy quyền; thực hiện dân chủ, công khai quy định quy trình về công tác cán bộ; công khai danh sách, quy trình bổ nhiệm bầu cử cán bộ, công chức không chỉ trong các tổ chức đảng, cơ quan mà cần rộng rãi để nhân dân tham gia đánh giá và giám sát.

Như vậy, có thể thấy, trước mắt “thuốc đặc trị” sẽ nên gồm những gì mà các ĐBQH và nhiều chuyên gia đã từng nói. Và, trên hết, cần nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường công khai, minh bạch tài sản của tất cả cán bộ công chức để giảm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm giảm việc lợi dụng thủ tục hành chính để sách nhiễu, vòi vĩnh; không để hình thành lợi ích nhóm, tham nhũng có hệ thống; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tham nhũng: Cần ngăn chặn từ gốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO