Đó là ông Văn Trang, người dân tộc Bạch, sinh 1922 tại Vân Nam, Trung Quốc.
Bác Hồ cùng bà Diệp Tinh (phải) tiếp Đoàn văn công Trung Quốc, ở Việt Bắc 1951.
Trong công cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, tỉnh Vân Nam là hậu phương của cuộc kháng chiến. Nhiều cơ quan quan trọng, nhiều trường đại học của Trung Hoa Dân quốc sơ tán về thành phố Côn Minh.
Sau khi học xong cao trung (tương đương hết cấp 3 của ta), ông thi vào khoa tiếng Anh của Đại học Tổng hợp Vân Nam. Tại đây, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Cũng tại đây, ông gặp, quen, thân rồi yêu cô nữ sinh viên khoa Văn - Diệp Tinh.
Do tích cực tham gia phong trào sinh viên mà cả 2 được kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc năm 1945. Cũng năm này, 2 người kết hôn.
Tham gia cách mạng Việt Nam
Cuối 1946, cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sảnvà Quốc dân đảng nổ ra tai Trung Quốc. Chính quyền Quốc dân đảng tiến hành đàn áp, khủng bố. Từ Vân Nam, nhiều đảng viên cộng sảnđã vượt biên giới, sang Việt Nam lánh nạn. Thời gian này, nhân dân Việt Nam bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, bảo vệ nền độc lập non trẻ.
Hai đảng viên cộng sản Trung Quốc Văn Trang, Diệp Tinh, sau khi vượt biên sang Việt Nam, xuôi xuống huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, tìm đến cơ quan Việt Minh, xin tham gia kháng chiến.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Việt Minh lúc đó là đồng chí Nguyễn Chanh (sau này là thứ trưởng Bộ Ngoại thương) đã tiếp 2 người. Qua tiếp xúc ông nhận thấy cả 2 đều đã tốt nghiệp đại học,là những người có tri thức rất cần chocông cuộc kháng chiến nên nhận vào làm việc tại cơ quan Việt Minh huyện, đồng thời báo cáo lên cấp trên.
Tại Hạ Hoà, 2 đồng chí cố gắng học tiếng Việt, tích cực tham gia công tác vận động người Hoa tham gia kháng chiến. Khi Trung ương thành lập cơ quan Hoa vận nằm trong Mặt trận Liên Việt, do đồng chí Lý Ban phụ trách; 2 đồng chí Văn Trang, Diệp Tinh được điều động về cơ quan, đóng tại An toàn khu Việt Bắc.
Với kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền văn hoá từ khi hoạt động sinh viên, thanh niên ở Côn Minh, bà Diệp Tinh tham gia thành lập Đội văn nghê, tuyên truyền người Hoa. Đội văn nghệ còn tham gia phục vụ các đơn vị bộ đội, nhân dân, góp phần làm cho cuộc sống tinh thần trong kháng chiến thêm phong phú.
Ông Văn Trang được phân công theo dõi tin tức quốc tế qua đài phát thanh tiếng Hoa, tiếng Anh, phục vụ Trung ương, ngoài ra tham gia công tác Hoa vận, giảng dạy tiếng Hoa cho cán bộ chuẩn bị đón thời cơ khi cách mạng Trung Quốc thành công. Nhiều cán bộ như Hoàng Minh Phương, Nguyễn Minh Long, Nguyễn Tiến… sau này là cán bộ cao cấp trong quân đội và ngoại giao, là học sinh của thầy Văn Trang năm 1949-50 ở Việt Bắc.Trong thời gian này, 2 vợ chống Văn Trang, Diệp Tinh được vinh dự gặp Bác Hồ.
Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Nước CHND Trung Hoa. Ngày 18/1/1950, Chính phủ Việt Nam DCCH và Chính phủ CHND Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo yêu cầu của Trung ương Đảng ta, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương La Quý Ba sang Việt Nam, làm Trưởng Đoàn cố vấn Trung Quốc bên cạnh Trung ương Đảng, Chính phủ ta. Nhiều cán bộ người Hoa công tác trong các cơ quan Dân - Chính - Đảng trung ương được điều động về công tác tại Đoàn cố vấn; trong đó có ông bà Văn Trang, Diệp Tinh.
Mùa hè 1950, Trung Quốc đồng ý cho Trường Lục quân Việt Nam sang đóng quân tại Côn Minh, Vân Nam. Là những cư dân Vân Nam, từng hoạt động tại Côn Minh, 2 ông bà được giao nhiệm vụ theo trường về Vân Nam, giúp đỡ nhà trường trong việc tiếp xúc với địa phương trên đường hành quân từ Hà Giang đến Côn Minh. Bà Diệp Tinh mang theo con trai sinh tại Việt Bắc vào cuối 1947, tên là Việt Cường. Sau này gặp lại, ông Văn Trang còn nhớ: “Chính ủy Trần Tử Bình trên đường hành quân qua các vùng núi cao, suối sâu đã nhường ngựa cho 2 mẹ con Diệp Tinh. Cán bộ cấp tướng như anh Bình sao mà bình dị, thân tình đến vậy!”.
Tháng 10/1953, Đoàn cố vấn Trung Quốc cùng các cán bộ (trong đó có ông Văn Trang) được Chính phủ ta tặng thưởng Huân chương Kháng chiến vì những đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
Sau 7/5/1954, tại Genève có Hội nghị bàn về kết thúc chiến tranh Đông Dương. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Ông Văn Trang lúc đó mang hộ chiếu Việt Nam, với tên mới là Trần Văn Hòa - cán bộ phiên dịch Hoa - Anh.
Ông Kháng Chiến nhớ lại: “Sau chuyến công tác đặc biệt này, mỗi thành viên trong đoàn được Chính phủ tặng một đồng hồ Thụy Sĩ hiệu Vicklé. Chú Văn Trang đã lấy đồng hồ cho tôi xem, trên mặt đồng hồ có in hình ảnh Hồ Chủ tịch. Chú luôn tự hào về kỉ vật này”.
Ông bà Diệp Tinh, Văn Trang chụp năm 1960 khi trở về Trung Quốc.
Con trai được Bác Hồ đặt tên
Sau 1954, vợ chồng ông bà Văn Trang, Diệp Tinh công tác ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Ông Văn Trang được phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với lãnh đạo cao cấp Trung Quốc những lần sang thăm. Còn bà Diệp Tinh là Trưởng phân xã Tân Hoa tại Hà Nội.
Ông Kháng Chiến xúc động kể: “Có một chuyện vui mãi gần đây tôi mới được biết: Được tin cô Diệp Tinh sinh con thứ hai, Bác Hồ mời
Đại sứ La Quý Ba cùng vợ chồng cô chú Văn Trang, Diệp Tinh và 2 con vào Phủ Chủ tịch ăn bữa cơm tối. Khi khách đến đông đủ, Bác xem mặt cháu bé và hỏi:
- Cô chú đã đặt tên cho cháu chưa?
- Thưa Bác, chưa ạ – cô Diệp Tinh cảm động trả lời.
- Thế thì Bác xin phép cô chú đặt tên cho cháu bé nhé!
Hai cô chú cùng xúc động: «Thế thì hạnh phúc cho gia đình quá!». Người nói tiếp: «Bác còn nhớ, cháu đầu sinh ở Việt Bắc, cô chú đặt tên là Việt Cường. Nay, cháu thứ hai Bác đặt tên là Việt Dũng. Cô, chú có đồng ý không?».
Và thế là con trai thứ hai được mang tên Bác Hồ đặt -Việt Dũng... Những năm sau này, khi đi bộ đội, tôi và Việt Cường vẫn còn liên lạc với nhau”. Đến năm 1960, gia đình ông bà chuyển về Bắc Kinh. Năm 1961, Bác Hồ sang thăm Quế Lâm – nơi Bác với cái tên Hồ Quang và hàm thiếu tá, làm việc tại Văn phòng Bát Lộ Quân những năm 1938-41, ông Văn Trang được cử đi phiên dịch. Ông nhớ lại: “Trên chuyến tầu chạy dọc sông Ly từ thành phố Quế Lâm về thị trấn du lịch Dương Sóc, tôi tận mắt chứng kiến Hồ Chủ tịch dùng bút lông chấm vào đĩa mực Tàu, viết trên tờ giấy khổ lớn trải lên bàn mấy chữ Hán để tặng cho ông Trần - Bí thư Quế Lâm: “Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ/ Dương Sóc phong cảnh giáp Quế Lâm” (dịch nghĩa: Phong cảnh Quế Lâm đẹp nhất thiên hạ/ Phong cảnh Dương Sóc đẹp nhất Quế Lâm)”…
Thời kì Đại Cách mạng Văn hóa
“Thời gian (1965–66), nhiều cán bộ Ngoại giao Trung Quốc phải về nông thôn lao động. Chú Văn Trang cũng nằm trong số đó. Khi hết hạn, trở về Bắc Kinh, cha tôi hay tin đã xin phép Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho đồng chí Văn Trang, một bạn cũ có nhiều năm công tác ở Việt Nam, đến sứ quán Việt Nam để cha tôi gặp, – ông Trần Kháng Chiến kể. - Có lẽ phía Trung Quốc nể trọng cha tôi nên mới chấp thuận cho chú đến thăm.
Hơn 40 năm sau (tháng 10/2001), khi tôi sang Bắc Kinh gặp lại chú, chú cảm động kể lại rằng, cha tôi hiểu được những ngày xuống nông thôn lao động rất gian khổ, thiếu ăn nên ông đã bảo đồng chí cần vụ Phạm Hữu Phú làm một bữa cơm Việt Nam thật ngon mời chú Văn Trang. Trên bàn ngoài món rau luộc, cá kho, còn có một đĩa lớn trứng rán. Chú nhớ mãi bữa cơm đó và nhớ mãi đĩa trứng rán của chú Phú.
Sau lần gặp đó, chú chuyển về trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, dạy tiếng Việt. Chú có nhiều học sinh, họ rất tự hào vì được là trò của người thầy như chú; trong đó có Trác Lôi Minh, nguyên Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP HCM”.
Trước khi về hưu, ông là giáo sư, Trưởng khoa Ngôn ngữ Đông Nam Á của trường.
Tháng 5/2008, ông Văn Trang còn tham gia đoàn các cán bộ Trung Quốc từng phục vụ Hồ Chủ tịch sang Việt Nam, dự giao lưu với nhân dân Nghệ An nhân 118 năm sinh nhật Bác. Đoàn được Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tiếp tại Phủ Chủ tịch.
“Cô Diệp Tinh mất năm 2007; còn chú Văn Trang mất đầu năm 2016. Với chúng tôi, cô chú là những người bạn thân thiết của cha mẹ. Họ là những người bạn tốt của nhân dân Việt Nam” - ông Trần Kháng Chiến xúc động chia sẻ trước lúc chia tay.