Đánh vần 'sách đá' cổ Sa Pa

Ngữ Thiên 16/12/2019 09:28

Những bí ẩn vẫn bao phủ những nét khắc trên những tảng đá rải rác ở bãi đá cổ Sa Pa. Mọi lý giải vẫn chỉ là giả thiết. Bí ẩn vẫn là bí ẩn. Những phiến đá cổ Sa Pa như những trang sách đang lưu và mang quá khứ đến với hiện tại và tương lai. Công việc “đọc sách đá cổ” cho đời sau vẫn còn đang tiếp tục và cuốn hút sự quan tâm của nhiều người.

Đánh vần 'sách đá' cổ  Sa Pa

Đá cổ có hình khắc ở Sa Pa.

Một phát hiện thu hút nhiều sự quan tâm

Năm 1925, Victor Goloubew, nhà khảo cổ học (người Pháp gốc Nga) của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), viết bài thông báo đầu tiên về hơn 30 tảng đá mang những nét khắc khó hiểu, nằm rải rác ven suối Hoa trong thung lũng Mường Hoa (Sa Pa) trên tạp chí của Viện. Đến nay số tảng đá có khắc hoa văn được phát hiện tại khu vực này đã tới trên 200 tảng. Những nét khắc tưởng như nguệch ngoạc trên sườn đá đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và đông đảo khách du lịch trong suốt nhiều năm qua. Chúng đã được coi như một tài sản quý cần được bảo vệ của Sa Pa, Lào Cai và cả với văn hóa nói chung.

Trong khoảng thời gian khá dài đó cũng đã có nhiều cuộc nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, dân tộc học, sử học, văn hóa học, mỹ thuật, địa chất học, trắc địa bản đồ viễn thám, v.v… Các mẫu vật, thác bản, ảnh chụp… cũng đã được đưa về Hà Nội để nghiên cứu bằng những phương tiện khoa học hiện đại. Nhưng bãi đá cổ vẫn trầm mặc trong sương mù Sa Pa và “sương mù khoa học” vẫn bao phủ những câu trả lời, làm nóng lòng (và nóng cả đầu) các nhà khoa học...

Mọi lý giải vẫn chỉ là giả thiết

Mường Hoa xưa gồm 6 thôn bản, nay bao trùm địa phận hành chính của các xã: Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Sử Pán, Thanh Kim (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Cư dân ở đây có người Giáy, người Xá Phó, người Tày Khao (vốn là người Thái trắng), người HMông đến muộn hơn. Người Lô Lô, người Hà Nhì, người La Hủ đã ở đây rồi lại chuyển đi nơi khác.

Hoa được đặt tên cho mường (mường Hoa), cho suối (suối Hoa). Hoa được đặt tên cho ngòi (ngòi Hoa), cho bàn đá có hoa (hoa Sứ Phán, hoa Thạch bàn). Hoa là biểu hiện chính của nơi có những hòn đá khắc hoa văn. Khu vực tập trung nhất những tảng đá mang hình khắc khá tiêu biểu từ xóm Lý Lao Chải qua bản Pho, xã Hầu Thào đến bản Phùng, xã Sử Pán. Các hòn lớn khắc nhiều hình, hòn nhỏ khắc những họa tiết đơn lẻ. Bề mặt đá đã mềm qua phong hóa, chạm khắc dễ dàng là chất liệu sẵn có trong thiên nhiên của những “nghệ sĩ” xưa.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã tìm được truyền thuyết dân gian xưa của đồng bào ở đây nhắc đến một nạn hồng thủy làm ngập chìm muôn vật. Có hai anh em trai gái tìm đường qua đây nhưng không đi được mà hóa thành đá lớn bên bờ suối Hoa. Đời sau gọi là đá Bố và đá Mẹ - như một hình tượng về nguồn gốc sinh sôi của cư dân vùng ngòi Hoa. Nay còn thấy trên hai tảng đá Bố và đá Mẹ có hình khắc mô phỏng có thể làm người xem mường tượng - liên tưởng - chắp nối tới những nét vẽ bản đồ khu vực suối mường Hoa. Thậm chí gần đây còn có nhà nghiên cứu trẻ áp vào và so sánh với bản đồ của Google và cũng thấy những nét tương đồng (?)…

Nhiều lần, nhiều nhóm nghiên cứu đã tới đo, vẽ bãi đá cổ và những hình vẽ trên những tảng đá. Nhìn và phân loại tổng quát, những đường nét, hình khắc trên đá Sa Pa có thể chia thành các loại:

- Loại hình thắng đồ như những bản đồ sơ khai, mang tính ký hiệu và ước lệ. Các tảng đá có hình khắc lọai này chiếm số lượng nhiều nhất.

- Loại khắc hình người với những nét sơ giản, có nhiều biểu tượng phồn thực thường thấy trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp.

- Loại khắc hình công cụ sinh họat hàng ngày như cối xay, bánh xe, guồng nước… cùng với hình nhà, có khi khắc riêng, có khi điểm xuyết vào các hình thắng đồ.

- Loại hình chữ khắc thường ở trên những hòn đá riêng biệt hoặc ở một góc riêng biệt trên hòn đá có khắc hình. Độ nông sâu của nét khắc hình và nét khắc chữ khác nhau chứng tỏ những lớp thời gian văn hóa khác nhau đã phủ lên đá gốc.

Có người căn cứ vào những dấu tích văn hóa Sơn Vi tìm thấy ở Lào Cai, Cam Đường (cách Sa Pa khoảng 20 km); nhiều đồ đồng Đông Sơn tìm thấy ở các vùng lân cận như Cam Đường, Bát Xát, Than Uyên mà cho rằng vùng núi Hoàng Liên Sơn là địa bàn cư trú của nhiều thế hệ người khôn ngoan (homosapiens). Họ đã cư trú ở đây lâu đời và liên tục, kéo dài cho đến những thế hệ người Việt cổ và “có thể họ là chủ nhân của những hình khắc phức tạp trên những hòn đá” và “niên đại của các hình khắc trùng với niên đại của văn hóa Đông Sơn”. Tuy nhiên ý kiến này chỉ được để dưới dạng tồn nghi, vì việc giám định niên đại của những nét khắc là công việc gần như không thể, không giống như việc xác định tuổi của những hòn đá và những hiện vật khác.

Có thể đọc được chữ đá cổ Sa Pa?

Một tảng đá ở triền núi thuộc thôn Lý Lao Chải, gần Hầu Thào mang những hình chữ khắc đã làm tốn nhiều giấy mực của các nhà khoa học. Nhìn những nét móc cong xen giữa những chấm rỗ của đá, người ta dễ liên tưởng đến kiểu chữ Thái. Nét khắc cũng đã mờ lẫn cùng rêu phong. Phải áp giấy dó lên và rập cho nổi nét khắc mới dễ nhìn hơn.

Năm 2007, họa sĩ Nguyễn Văn Chiến, nhà nghiên cứu mỹ thuật (Trường Đại học Mỹ thuật), nhìn những nét khắc trên tảng đá bằng con mắt của một nhà hình họa lại thấy nó giống với mẫu tự Latin. Kết quả này đã được ông báo cáo trong Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2007. Hoàn toàn không bị định kiến về niên đại những nét khắc, nhìn theo chiều mọc lên của lá cây quanh tảng đá, thuận chiều nghiêng chếch lên của tảng đá theo hướng mặt trời, ông Chiến đã tìm ra chiều để “đánh vần” được những dòng chữ trên phiến đá cổ.

Chữ khắc trên tảng đá không theo chiều dọc mà thuận theo chiều ngang. Chữ khắc theo hàng lối nhưng nét còn khá nguệch ngoạc. Đọc từ trên xuống dưới: dòng 1: Lên chỗ đá; dòng 2: bó; dòng 3: mẹ mà; dòng 4: ăn nằm; dòng 5: không rõ 2 chữ đầu nhưng rõ 4 nét sổ thẳng như dấu !. Đọc toàn bộ nội dung “chữ” trên tảng đá là: “Lên chỗ đá bó mẹ mà ăn nằm…!!!!”. Những nội dung này cũng không xa lắm với tín ngưỡng phồn thực và cũng có thể hiểu được từ góc nhìn văn hóa dân gian.

Những gì suy - đọc được trên tảng đá làm ông Chiến sửng sốt. Có vẻ như niên đại của những nét khắc này không còn bị đẩy xa lên đến vài ngàn năm trước nếu những chữ ông Chiến đọc được đúng là những gì chủ nhân nó muốn viết lại cho đời sau.

Đánh vần 'sách đá' cổ  Sa Pa - 1

“Lên chỗ đá bó mẹ mà ăn nằm !!!”. (Ảnh HS Nguyễn Văn Chiến cung cấp).

Bí ẩn vẫn là bí ẩn…

Sau thông báo của họa sĩ Nguyễn Văn Chiến, còn nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục đi điền dã Mường Hoa để quan sát và phát hiện thêm về những khối đá, tiếp tục cố gắng giải mã những hình khắc mang nhiều bí ẩn. Về tảng đá đã được ông Chiến “đọc” chữ, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng: Có thể có nhiều lớp văn hóa phủ lên bãi đá cổ Sa Pa và lớp “chữ quốc ngữ” có thể là lớp phủ cuối cùng (?). Ông Chiến cũng chỉ mới đọc được “chữ” trên một hòn đá và đến nay vẫn chưa có “chữ” nào được “đọc” thêm.

Nhưng vẫn còn một khả năng khác (có vẻ cao hơn): Chủ nhân của những nét khắc đó không hề biết chữ quốc ngữ. Họ khắc những nét hoa văn theo tâm tưởng của họ nhưng chúng ta lại “dịch” chúng theo / bằng chữ quốc ngữ? Nếu như vậy, câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác với rất nhiều câu hỏi mới và những câu trả lời vẫn còn để ngỏ. Điều này càng làm tăng thêm giá trị của những tảng đá mang hoa văn trên mình ở Sa Pa nhưng cũng đòi hỏi sự dày công nghiên cứu liên ngành và đa ngành hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh vần 'sách đá' cổ Sa Pa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO