Hành hương về Yên Tử

Vương Anh 03/12/2019 09:05

Không gian trong lành yên tĩnh, phong cảnh thiên nhiên kỳ thú là sức hút của Yên Tử với du khách yêu thiên nhiên. Nhưng hơn hết và trước hết, Yên Tử hấp dẫn người hành hương bởi những giá trị văn hoá, lịch sử và tâm linh ẩn chứa nơi đây.

Hành hương về Yên Tử

Dãy Yên Tử nằm trong cánh cung Đông Triều. Hình thể địa lý miền bắc Việt Nam như bàn tay trái xoè ngửa, cánh cung Đông Triều như ngón tay út vươn ra vùng đông bắc, đỉnh Yên Tử với 1.068 m độ cao, bao quát cả một vùng biên ải rộng lớn. Không giống bất cứ một điểm hành hương nào khác, Yên Tử mang trong mình một sức hút riêng, thâm trầm nhưng mạnh mẽ...

Từ nhiều thế kỷ trước, Yên Tử đã là nơi tìm đến của nhiều ẩn sĩ. Đạo sĩ An Kỳ Sinh đã tu hành đắc đạo tại đây từ thế kỷ X. Và người ta bảo rằng cũng từ đó núi Yên Tử (trước đấy vẫn được gọi là núi Voi) được nhân dân gọi là núi ông An (hay ông Yên vì âm An và âm Yên cùng một mặt chữ Hán), có chùa ông An (An tự hay Yên tự) và lâu ngày Yên tự biến âm thành Yên Tử (?).

Từ đời Lý, đời Trần, nhiều nhà sư đã tới đây dựng chùa, lập am, nhưng Yên Tử thực sự nổi tiếng và trở thành một trung tâm Phật giáo Việt Nam từ cuối thế kỷ XIII với tên tuổi một vị vua phật - Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Trần Nhân Tông sinh năm Mậu Ngọ (1258), lên ngôi khi mới 21 tuổi. Ông là vị vua thứ ba của triều Trần đã đứng đầu quân dân Đại Việt đoàn kết một lòng, hai lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông những năm 1285 và 1288. Khi đất nước đã trở lại thanh bình, năm 1293, Trần Nhân Tông lui về làm Thái thượng hoàng, vừa tiếp tục công việc quốc gia, vừa nghiên cứu, chăm lo phát triển Phật giáo. Năm 1299, Trần Nhân Tông giũ sạch bụi trần, xuất gia tu hành. Thiền phái Trúc Lâm do ông sáng lập mang đậm màu sắc Việt Nam, nhấn mạnh sự hợp nhất giữa con người và thiên nhiên, nhấn mạnh tới sự giác ngộ, tới “cái biết tối cao” - là cái có thể làm cho con người hoà đồng với vạn vật, con người được vũ trụ hoá. Trần Nhân Tông được tôn là Trúc lâm sơ tổ, Trúc lâm đại đầu đà. Và Yên Tử là điểm được ông chọn để dừng chân.

Theo đường 18, trước khi tới thành phố Uông Bí, cách vài km, phía bên trái là lối rẽ lên Yên Tử. Theo con đường quanh co, tới sát chân núi, có dòng suối uốn lượn quanh co mang tên suối Giải Oan. Dưới “góc nhìn thiền”: trước khi lên được Yên Tử - như một hành trình tới nơi thành công quả, mỗi người nên (phải) qua suối Giải Oan - như dòng nước thiêng rửa trôi đi lớp bụi trần cuối cùng, qua chùa Giải Oan như điểm mốc giới cuối cùng giữa “đất trần” và “đất Phật” để một lần nữa tự “ngắm” và tu chỉnh lại mình trước khi chuyển qua một cảnh giới khác, mang một tâm thế khác.

Dù nay Yên Tử đã có đường cáp treo nhưng rất nhiều người vẫn muốn lên đỉnh Yên Tử bằng chính đôi chân của mình. Dọc theo đường lên núi là những cây tùng cổ thụ, có nhiều cây được xác định tuổi khoảng 700 năm là những di vật sống quý giá. Những gốc tùng già xù xì, gân guốc đứng im lìm. Tiếng chim trong trẻo thánh thót đâu đây cùng vài sợi nắng trong vắt lọt qua kẽ lá. Tạo hoá huyền diệu đã khéo đem chúng lại đứng gần nhau, chênh vênh mà hợp lý, dễ gợi cho người ta những cảm nhận khó diễn tả, những suy ngẫm về cái vĩnh cửu và sự mong manh...

Hành hương về Yên Tử - 1

Khách hành hương về Yên Tử.

Tới lưng chừng núi là chùa Hoa Yên. Chùa được lập từ đời Lý, có tên là Vân Yên. Trần Nhân Tông là vị tổ thứ sáu trụ trì ở đây. Điều Ngự Giác Hoàng đã cho tu tạo, mở mang chùa cũ, dựng thêm lầu chuông, nhà tăng, dựng viện Phù Đồ... Gần chùa còn có tháp Thiền định, có Dược am là nơi chế thuốc. Sau khi Trần Nhân Tông nhập diệt, một phần xá lỵ của ông được lưu trong lòng tháp Huệ Quang trước chùa. Ngôi tháp vẫn còn đó uy nghi, lặng lẽ, minh chứng cho nhiều sự đổi thay qua hơn bảy thế kỷ. Đến đời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông qua thăm chùa thấy nơi đây cảnh sắc tươi đẹp, hoa nở đầy sân mới đổi tên chùa Vân Yên thành Hoa Yên. Từ Hoa Yên đi tiếp, đường dốc cheo leo. Du khách có thể ghé thăm chùa Một mái, chùa Bảo Thái trước khi tới chùa Vân Tiêu, tới tượng An Kỳ Sinh, đi qua Cổng trời, tới bia Phật rồi lên đến chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất. Mây núi thoắt tụ về từng cụm nhưng cũng thoắt tan nhanh như mộng. Gió trên đỉnh cao lùa qua những khe đá tạo nên những âm thanh kỳ ảo. Càng gần tới đích, đường càng khó đi nhưng những cheo leo, vất vả khó khăn cũng là những nét hấp dẫn của Yên Tử bên cạnh những nét đẹp, những nét thơ. Niềm hạnh phúc tự mình phấn đấu đạt được sau bao gian nan khó nhọc bao giờ cũng trọn vẹn hơn... Đứng từ đỉnh Yên Tử vào ngày trời quang mây tạnh có thể thấy ngút tầm mắt với núi nhấp nhô, sông uốn khúc, với xanh ngắt rừng trúc, rừng thông. Những khi mây trời khí núi tụ về lại cho người ta cảm giác hư ảo, bồng bềnh thoát tục.

Dòng thiền Trúc Lâm -Yên Tử được Trần Nhân Tông khai lập mong muốn bao dung, hòa nhập các hệ phái để hình thành một tư tưởng mới, một lối sống mới, một dòng thiền mới - đặc hữu Việt Nam. Tôn chỉ và hành thiền của Trúc Lâm - Yên Tử đều rất dễ hiểu, dễ làm. Nhiều người, dù không tu thiền, vẫn nhớ Cư trần lạc đạo phú của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên / Nếu đói thì ăn mệt nghỉ liền
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch / Châu báu trong nhà thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền / Đối cảnh vô tâm chẳng hỏi thiền

Trúc Lâm -Yên Tử là dòng thiền vì đạo pháp và dân tộc. Chữ Tâm của thiền phái Trúc Lâm là Tâm tùy duyên, Tâm tùy tục, Tâm thiên hạ, Tâm vắng lặng mà biết... Đó cũng là Tâm cứu độ chúng sinh, Tâm hòa nhập cộng đồng, Tâm bảo vệ độc lập dân tộc. Người đứng đầu đất nước, mang chữ Tâm này để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ sẽ có Tâm của một bậc đế vương hiền minh. Cùng và sau Trần Nhân Tông, đã có nhiều vị vua, nhiều trí giả hành thiền với tinh thần của chữ Tâm đó: Tuệ Trung thượng sĩ, Trần Anh Tông, Pháp Loa, Huyền Quang... “Tinh thần thiền” nhập thế của Trần Nhân Tông trước thử thách gian nan và cám dỗ cuộc đời giúp ông thêm sức mạnh. Tinh thần đó không chỉ là Thiền. Đó còn là phương pháp luận: “Chọn” an nhiên, bình tĩnh giữa rối ren để tìm ra con đường đắc đạo hoàn hảo - Cư trần lạc đạo. Đó còn là tinh thần mang nhân ái và trí tuệ của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng hòa cùng nhân thế, giác ngộ cho nhân thế - như tôn chỉ của thiền Trúc Lâm - Hoà quang đồng trần. Thiền của Trần Nhân Tông đã đồng hành cùng dân tộc - như cách nói ngày nay.

Ngày 3/12/2013, trong dịp kỷ niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, đại bảo tượng tạo hình ông đang ngồi thiền định, đặt tại khu vực An Kỳ Sinh trên sườn núi Yên Tử đã chính thức khánh thành. Tượng nặng trên 150 tấn được đặt trên đài sen cao 3 m, cả tượng và đài sen cao 9,9 m. Tượng Phật hoàng và đài sen đều được đúc thủ công, nguyên khối bằng đồng ngay tại mặt bằng xây dựng. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận của các nghệ nhân đúc đồng theo phương pháp cổ truyền từ làng nghề Đại Bái (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và các làng nghề đúc đồng ở Ý Yên (Nam Định). Pho đại bảo tượng Phật hoàng là một điểm nhấn, tạo sức hút mới cho khu di tích - danh thắng - du lịch non thiêng Yên Tử, đáp ứng cả nhu cầu chiêm bái tâm linh và cả mong muốn chiêm ngưỡng kỳ tích của vốn cổ nghề xưa.

Dù vẫn còn nhiều băn khoăn làm sao cân bằng được giữa quy mô dung chứa của di tích với nhu cầu và số lượng ngày càng tăng của tín đồ và du khách, giữa việc quảng bá và thu hút thêm thật nhiều khách đến với việc giữ gìn không gian văn hóa, bảo tồn tinh thần và tính “thiêng” của di tích... nhưng hành hương về Yên Tử đã là một nhu cầu văn hóa - tâm linh cần được thỏa nguyện. Đường mới cần được mở thêm, hạ tầng vật chất cần được hoàn thiện dần, những bất cập, lộn xộn cần được khắc phục... để mọi người Việt yêu quê hương, yêu văn hóa dân tộc và bạn bè quốc tế yêu Việt Nam đều có thể tiếp cận, chiêm ngưỡng và cảm nhận những giá trị cao quý, độc đáo và thiêng liêng của khu danh sơn Yên Tử và danh nhân lịch sử - văn hóa - tôn giáo Trần Nhân Tông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành hương về Yên Tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO