Giọng hát nồng ấm ngọt ngào của Hương Lan đã làm mê hoặc lòng người bấy lâu nay. Chị đã được người nghe phong danh “Nữ hoàng Bolero” với những tiết điệu khắc khoải tâm tư sầu lắng. Hương Lan luôn có cách thể hiện riêng với nghệ thuật lấy hơi nhả chữ tinh tế. Đó là sự âm vang của cõi lòng hơn là biểu diễn trên sân khấu. Người nghe nhỏ lệ vì những nốt trầm thắt lòng thể hiện nỗi nhớ của kẻ tha hương. Sau này cho dù nghiêng về dòng hát dân ca nhưng Hương Lan vẫn cuốn hút bởi sự đằm thắm dịu dàng.
Cánh buồm dong khơi và thuyền đời lỡ bến
Cô bé Trần Thị Ngọc Ánh (tên khai sinh của ca sĩ Hương Lan) ngay từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu ca hát và độ thẩm âm dị biệt. Bé bắt chước hát theo tiếng đờn của bố rất chuẩn. Là con nhà nòi sớm thấm đẫm trong nôi những khúc dân ca phương nam. Bố và mẹ đều là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng và mọi người trong nhà đều hát hay. Nghệ sĩ Hữu Phước nhận thấy con gái mình có thể tiến xa trên con đường nghệ thuật. Từ đó ông dồn tâm huyết dậy cho bé Ánh làm quen với đàn ca tài tử và nghệ thuật cải lương. Hát cùng thời với nghệ sĩ Hữu Phước còn có các người nổi tiếng khác như Thanh Minh, Thanh Nga, Sáu Tưng… Bé Ánh học đâu thấu đó. Năm tuổi cô đã được đưa lên sân khấu diễn trong vở “Thiếu phụ Nam Xương”. Giọng cải lương của bé Ánh nghe khi đó ngọt ngào vang xa và truyền cảm lắm. Mọi người trong đoàn ai cũng khen hay. Chỉ trong một thời gian ngắn Ngọc Ánh đã nổi tiếng như một ngôi sao nhí trên sân khấu cải lương.
Nhưng chỉ mấy năm sau cuộc sống gia đình rạn nứt. Bố mẹ chia tay. Ngọc Ánh sống trong nỗi buồn khôn nguôi. Ngày ngày vẫn đi hát cùng bố nhưng lòng nặng trĩu tâm tư. Giọng hát Ngọc Ánh luôn nghẹn đắng với những nỗi đau cô đơn. Thật tình cờ một lần đi hát vào năm 1966, Ngọc Ánh gặp nhạc sĩ Trúc Phương, một ông vua nhạc tình ca và cuộc đời ca hát đã thay đổi bất ngờ. Được phép của cha, Ngọc Ánh dấn thân sang dòng tân nhạc và đổi nghệ danh Hương Lan từ đó. Hương Lan lúc này vừa tròn 10 tuổi. Với sự huấn luyện của Trúc Phương, ca sĩ Hương Lan nổi lên nhanh chóng với ca khúc đầu tiên “Ai ra xứ Huế”. Hàng loạt ca khúc sau đó của Hương Lan được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn. Hàng trăm bức thư gửi về đài khen ngợi và đề nghị hát theo yêu cầu. Hương Lan càng nổi danh với những ca khúc dòng Bolero khi đó của các nhạc sĩ Trúc Phương, Duy Khánh, Nhật Trường, Ngôi Thụy Miên… Báo chí ngày đó luôn nhắc đến cái tên Hương Lan cùng những ca khúc nổi như cồn. Họ tôn vinh giọng hát trẻ Hương Lan là “Thần đồng” ca nhạc. Một đoạn đời hào quang kéo dài tới gần mười năm cho đến khi Sài Gòn được giải phóng (1975).
Cuộc sống đổi mới nhưng đầy biến động trong giới âm nhạc. Hương Lan hoang mang trước sự im lặng của thị trường ca nhạc. Theo lời cha cô quay lại với sân khấu cải lương và ngay lập tức trở thành đào chính. Hai cha con hát cho đoàn cải lương Kim Chung. Hương Lan thường đóng chung với kép chính Chí Tâm. Cặp nghệ sĩ này làm sống động sân khấu cải lương một thời và tỏa sáng qua các vở: “Hán đế biệt Chiêu Quân”, “Cây sầu riêng trổ bông”, “Tình yêu và bạo chúa’, hay như “Thu về ngõ Trúc”, “Lương Sơn Bá - Trúc Anh Đài”… Cũng từ đây tình yêu và hạnh phúc đã đến với Hương Lan ở tuổi 19. Cô làm lễ thành hôn với Chí Tâm. Đúng là một “Cặp đôi hoàn hảo” trên sân khấu cải lương ngày đó. Một năm sau Hương Lan có con trai đầu lòng (năm 1976).
Đi kèm với hạnh phúc những bất trắc cũng bắt đầu từ khi vợ chồng Hương Lan sang Pháp định cư theo gia đình (1978). Hai người sống ở Paris với hai bàn tay trắng. Không sân khấu. Không âm nhạc. Không tiền bạc. Hương Lan phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm miếng ăn và nuôi con. Họ cùng nhau vượt qua những khó khăn nơi đất khách quê người. Cuộc mưu sinh càng thêm khốn khó khi hai người sinh thêm con thứ hai. Cho dù sau đó Chí Tâm đã xin được việc làm ở một công ty điện tử nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Những mâu thuẫn đã này sinh. Cuộc sống tha hương với hai đứa con không hề đơn giản. Rạn nứt và đổ vỡ ập đến như không ai mong muốn. Họ chia tay. Đó là câu chuyện buồn và bế tắc nhất trong cuộc đời của Hương Lan (1981). Mỗi người một ngả. Ba mẹ con Hương Lan sống bơ vơ trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng.
Vợ chồng ca sĩ Hương Lan.
Chân trời bên kia bờ đại dương
Quả là người đời không thể quên giọng hát truyền cảm của Hương Lan. Theo lời khuyên của anh em nghệ sĩ Hương Lan đưa hai con sang Mỹ định cư và tìm cơ hội ca hát. Một cuộc chuyển hướng bất ngờ vào năm 1982 đã đem lại những điều tươi đẹp cho ca sĩ Hương Lan. Ngay năm sau, Trung tâm ca nhạc Thúy Nga đã mời Hương Lan biểu diễn trong “Paris by night”, với hai nhạc phẩm “Muộn màng” và “Trên đỉnh mùa đông”. Đúng là Hương Lan đã bừng sáng với ngọn lửa âm nhạc trữ tình mơ mộng của mình. Cô hát như chưa bao giờ được hát vậy. Sực truyền cảm của giọng hát làm lay động lòng người và dựng lại tên tuổi cho Hương Lan sau bảy năm im tiếng. Hương Lan trở thành ngôi sao mới trên sân khấu ca nhạc hải ngoại và là hiện tượng nổi bật trên sân khấu Thúy Nga.
Cũng bắt đầu từ đây hàng loạt album của Hương Lan ra đời. Giọng hát Hương Lan là một sự lựa chọn hàng đầu cho khán giả hải ngoại và trong nước. Nhất là những người Việt tha hương sống nơi đất khách quê người. Họ lắng nghe Hương Lan vì đã được chia sẻ nỗi niềm cô đơn xa xứ cùng với giọng hát mang âm hưởng dân ca ba miền ấm áp ngọt ngào. Số lượng album của Hương Lan được phát hành ngày một nhiều với số lượng lớn. Người nghe luôn chọn mua những Album hay của Hương Lan như: “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Chiếc áo bà ba”, “Điệu buồn phương Nam”; hay như “Mùa xuân của mẹ”, “Mắt Huế xưa”, “Quê nghèo”; Hoặc “Dạ cổ hoài lang”, “Quê nghèo”… Có thể nói mười năm sau đó là “thập niên Hương Lan”, với hàng trăm ca khúc hay về quê hương và sự ám ảnh về nỗi buồn của những người con xa quê. Đáng chú ý trong giai đoạn này, ca sĩ Hương Lan còn nổi bật qua những bản bolero song ca với Tuấn Vũ. Giới âm nhạc đánh giá đây là cặp song ca “Vàng” trên sân khấu “Paris by night”.
Tuyệt vời thay cái gì đến sẽ đến với người ca sĩ quê hương. Giọng hát Hương Lan được hàng triệu khán giả hâm mộ. Vậy mà trong đó có một người không hâm mộ lại bất ngờ xuất hiện và chính phục được trái tim đa cảm của Hương Lan. Chuyện thật tình cờ khi Hương Lan gặp một người bạn của ca sĩ Elvis Phương trong cuộc giao lưu (1986). Anh ta chỉ thầm lặng nhìn Hương Lan rồi làm quen. Đó là kỹ sư Đặng Quốc Toàn, người cũng đã một lần đổ vỡ hôn nhân và có tới ba người con riêng. Như duyên trời định anh ít nghe ca hát nhưng lại bắt gặp ở Hương Lan nét dịu dàng đằm thắm. Anh làm quen và hy vọng có sự hòa nhịp của hai trái tim. Hai năm sau cuộc tình mới nảy sinh. Anh nói với tình yêu của mình rằng: “Tôi yêu em vì tấm lòng của một người con hiếu thảo với cha mẹ và tình thương yêu nuôi dưỡng những đứa con”. Vậy đó họ nên duyên (1989) và sống với nhau cùng năm đứa con của cả hai nhà.
Ơn đời một khúc dân ca
Mọi việc xảy ra như vừa mới đây vậy mà thấm thoát đã hơn 30 năm hạnh phúc. Suốt một thời gian dài vừa đi hát ca sĩ Hương Lan vừa chăm nom nhà cửa đúng với nghĩa “Đàn ông xây nhà. Đàn bà xây tổ ấm”. Cả năm con đều ngoan ngoãn lớn khôn và thương yêu nhau như anh em ruột. Sóng gió dần đi qua. Sự nghiệp âm nhạc của Hương Lan phát triển như diều gặp gió. Bên cạnh đó kỹ sư Đặng Quốc Toàn lại ngày thêm yêu ca hát và rất mê vợ ca cải lương. Không ít đêm anh hộ tống vợ đi hát và bao giờ cũng nhẩm hát theo. Sau chuyến trở về quê biểu diễn đầu tiên của Hương Lan năm 1996, hai người đã chuẩn bị cho chuyến trở về thật ý nghĩa vào 13 năm sau (2009). Đó là chương trình Liveshow riêng cho Hương Lan.
Sau đó hai vợ chồng Hương Lan đã chọn cho mình một hành trình trở về thật sự khi mua một trang trại tại Bình Phước. Giờ đây kỹ sư Đặng Quốc Toàn vẫn như ngày nào. Anh chỉ ước luôn luôn đứng bên cánh gà nghe vợ ca làn điệu “Dạ cổ hoài lang”. Khi đó Hương Lan chắc chắn anh sẽ nhẩm theo lời ca: “Đường dù xa ong bướm. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. Mòn đêm luống trông tìn bạn. Mỏi mòn như đá vọng phu. Vọng phu luống trong tin chàng. Lòng xin chớ phũ phàng…”. Chính tình yêu sắt son ấy suốt một đời là hạnh phúc mà những bài ca quê hương đã đem lại cho hai người.