'Không dừng, không nghỉ, không chùng xuống'

Hoài Vũ 19/10/2019 16:51

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan báo chí và nhân dân, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”.

'Không dừng, không nghỉ, không chùng xuống'

Minh họa: I.T

Biến chủ trương nhất quán thành hành động

Đánh giá của nhiều chuyên gia cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Với cách làm bài bản quyết liệt, đồng bộ và đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, chúng ta được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh đồng tình ủng hộ và đánh giá cao; qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, giữ vững niềm tin của nhân dân. Điều đó thể hiện ở những quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, làm đến cùng, không chùn bước, không nghỉ ngơi, không có vùng cấm, đặc biệt là không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Đây cũng là điều nhân dân kỳ vọng và tin tưởng. Mới đây tại kỳ họp thứ 39, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2010-2015; 2015-2020, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2011-2016; 2016-2021. Hay như căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn do đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án hình sự Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Tổng Công ty nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Những việc làm thể hiện sự cương quyết trên đã nói lên hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh.

Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng: sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng kiềm chế tham nhũng, tăng cường ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, tạo không khí phấn khởi, lan tỏa trong toàn xã hội và qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - thực tế kết quả phòng chống tham nhũng trong thời gian qua đã tạo bước đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đồng thời có tác dụng phòng ngừa răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng chống tham nhũng. Nhân dân hoan nghênh và đánh giá rất cao chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chỉ đạo của Tổng Bí thư trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ông Hùng cũng cho rằng, tiến trình làm cho Đảng, Nhà nước trong sạch, xứng đáng với Nhà nước của dân, do dân, vì dân là quyết tâm nhất quán của nước ta từ vụ án Trần Dụ Châu, thể hiện tính chất trong sáng, lành mạnh của bộ máy Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau này từ những vụ Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, nhiều cán bộ có liên quan cũng bị xử lý kỷ luật của Đảng, Nhà nước, và xử lý hình sự. Đưa ra dẫn chứng trên để cho thấy Đảng, Nhà nước luôn luôn nhất quán phải xây dựng bộ máy hệ thống chính trị trong sạch, lành mạnh.

Nói như lời GS.TS Phan Xuân Sơn - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Quan điểm đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta là nhất quán ngay từ đầu. Thực tế đã chứng minh, ở đâu có quyền lực, ở đó có tham nhũng. Chống tham nhũng trong bất cứ thời đại nào cũng là để giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đối với Đảng và Nhà nước ta.

Không làm lành mạnh đội ngũ cán bộ, đất nước khó phát triển

Tuy nhiên, trên thực tế cũng phải nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như cơ chế chính sách về quản lý kinh tế, xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, nhất là các lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, công tác đấu thầu, đầu tư mua sắm tài sản công và quản lý tài sản công tại các đơn vị nhà nước, doanh nghiệp. Cùng với đó là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, mặc dù đã và đang được triển khai mạnh mẽ nhưng vẫn còn tồn tại, chưa có chuyển biến mạnh. Những hạn chế trên, bên cạnh việc thể chế thì một yếu tố cốt lõi chính là con người nằm ở đạo đức công vụ. Theo đánh giá của Chính phủ, công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Một số Bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực. Bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng; chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

“Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân chứ không phải là khẩu hiệu. Xây dựng kiến thiết đất nước mở ra rất nhiều trận địa, không gian kinh tế, nếu không làm lành mạnh đội ngũ cán bộ thì đất nước khó có thể phát triển” - ông Hùng nói. Đây là việc rất đau xót do quản lý cán bộ còn lỏng lẻo, giáo dục chưa tốt nhưng Đảng đã dũng cảm chỉ ra các sai phạm của cán bộ. Cho nên chủ trương chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta ngày càng quyết liệt, có bước tiến mới, chưa phải bước cuối cùng mà còn tiếp tục.

Theo ông Hùng, trước đây cán bộ lãnh đạo chỉ bị xử lý về việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng bây giờ từ vụ AVG cho thấy đã điều tra chỉ rõ hành vi hối lộ và nhận hối lộ. Điều đó nói lên các cơ quan chức năng đã trung thực khách quan, quyết tâm làm đến cùng. Đây là sự cố gắng để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là đấu tranh với tham nhũng không có vùng cấm, nể nang, né tránh và làm đến cùng.

Tuy nhiên, “điều dũng cảm nhất” được ông Hùng nhìn nhận chính là Đảng dám nêu những yếu kém của bản thân. Những người dũng cảm trung thực là những người dám nhận xét về bản thân để “chính mình tự cứu mình” và đó là những hành động đáng hoan nghênh. Trong bối cảnh đất nước đang phát triển, cơ chế thị trường ngày càng mở rộng và sâu nên nảy sinh nhiều vấn đề trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng để tiến lên theo đuổi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, những thiếu sót, vi phạm khuyết điểm nảy sinh đã được Đảng, Nhà nước cương quyết phải chống mạnh mẽ. Điều đó nằm ở việc từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót trong xây dựng chỉnh đốn Đảng như chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một Đảng dũng cảm là một Đảng dám tự phê bình, chỉ ra các khuyết điểm để sửa sai”.

Chính vì vậy, để công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, ông Hùng đề nghị: phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Muốn thế, phải hỏi ý dân bằng việc phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn liền chặt chẽ với việc đánh giá cán bộ đảng viên ở khu dân cư. Bên cạnh đó những tổ chức trong Đảng, bộ máy Nhà nước cũng phải trân trọng lắng nghe ý kiến góp ý của Mặt trận, vì Mặt trận là đại diện cho toàn dân, và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Không dừng, không nghỉ, không chùng xuống'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO