Không gì quý bằng sức dân

Trần Duy Hưng 18/04/2017 09:05

Cách nay 6 năm (2011), theo đoàn công tác của tỉnh Nam Định do Bí thư Tỉnh ủy Phạm Hồng Hà dẫn đầu về tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở làng Thành An (xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng), lần đầu tôi được biết đến ông. Là Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư số 5, Trưởng Ban Hương ước làng Thành An, khi đó ông Ngô Xuân Trường làm nhiệm vụ báo cáo và dẫn đoàn đi tham quan quanh làng. Ấn tượng của cả đoàn khi đó là Thành An rất sạch đẹp, quy củ, riêng ông Bí thư chi bộ

Cổng làng văn hóa Thành An.

Với những ấn tượng ấy, mới đây tôi lại tìm về thăm làng Thành An, thăm ông Ngô Xuân Trường. Thành An vẫn vậy, sạch đẹp và quy củ. Cổng làng nằm sát tỉnh lộ 490 (đường 55 cũ, chạy song với sông Ninh và cách cửa Ninh Cơ không xa) khá to và đẹp. Cạnh đó, Nhà văn hoá của làng cũng to, đẹp không kém. Đoạn sông chạy qua trước làng hai bên bờ cũng mới được kè đá rất chắc chắn, sạch sẽ không một cọng rác. Các điểm thờ tự như chùa chiền, nhà thờ công giáo đều được xây sửa khang trang, bề thế. Trong làng có năm con đường, gồm bốn đường dọc, một đường ngang đều đã được trải bê tông láng bóng.

Sau 6 năm, ông Trường như có già hơn nhưng sự chất phác thì vẫn còn nguyên đó. Đặc biệt, năm nay đã 72 tuổi nhưng ông vẫn đang còn công tác. Hỏi ra mới biết, ông Trường từng theo học tại trường Đại học Giao thông-Vận tải Hà Nội. Năm 1969, hưởng ứng tổng động viên, ông cùng nhiều sinh viên khác khi đó đã nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Phục vụ trong quân đội đến năm 1989 ông mới xuất ngũ. Trở về quê, như bao cựu binh khác, ông Trường cũng phải đối diện với chuyện “cơm áo, gạo tiền”, phải lo làm kinh tế. Nhưng là đảng viên, cựu sỹ quan, nhiệt tình, năng nổ, được tổ chức, cộng đồng ở địa phương tín nhiệm, ngay từ khi đó ông đã đảm đương cương vị Bí thư chi bộ, Trưởng Ban CTMT khu dân cư số 5, kéo dài liên tục cho đến nay, tính ra đã gần 30 năm. Quá trình công tác, ông đã nhiều lần được các cấp khen thưởng, cao nhất là được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...

Thấy tôi không ngớt trầm trồ về sự khang trang, sạch đẹp, quy củ của làng, ông Trường kể: Đầu năm 2010, triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), xã chọn làng Thành An chỉ đạo thực hiện thí điểm. Ông thật thà: “Ban đầu, anh em trong chi bộ cứ nghĩ xây dựng NTM là một dự án đầu tư của nhà nước. Làng mình thực hiện thí điểm chắc sẽ nhận được số tiền đầu tư không nhỏ. Nhưng tìm hiểu chúng tôi mới “vỡ” ra phương châm, cách thức xây dựng NTM không phải vậy mà người dân phải chủ động, trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ thực hiện. Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ thôi!”

Việc đầu tiên các ông làm là tiến hành họp chi bộ, mở rộng đến cả cán bộ các chi hội, đoàn thể để thảo luận, ban hành nghị quyết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Trước mắt tập trung thực hiện việc nâng cấp, kiện toàn hệ thống hạ tầng, với phương châm phát huy nội lực, vận động nhân dân trong làng đóng góp trí tuệ, công của thực hiện…

Các bác là cán bộ, đảng viên, được họp hành, quán triệt nên dễ thông suốt. Nhưng còn người dân, làm thế nào để bà con cùng hiểu được mục đích, ý nghĩa, phương châm, quyền lợi, trách nhiệm để chung sức thực hiện một chủ trương lớn như xây dựng NTM? Tôi hỏi.

Ông Trường thẳng thắn: “Phải họp dân để bàn chú ạ! Bàn, tuyên truyền, giải thích đến khi nào mọi người, mọi nhà đều thông suốt, đồng thuận mới tổ chức thực hiện. Không gì quý, quan trọng bằng sức dân. Bà con không hiểu, không thông, không đồng thuận, cán bộ, đảng viên chúng tôi có nhiệt tình, tâm huyết đến mấy cũng chịu!”

Ông Ngô Xuân Trường.

Có một chuyện ông Trường cứ nhớ mãi, đó là việc nâng cấp, mở rộng hệ thống đường làng. Ông Kể, làng Thành An được lập nên mới chỉ khoảng 130 năm nay. Ngay từ thuở đầu, cụ tổ của làng là Trần Phú Gia và những người cùng thế hệ đã tỏ rõ “tầm nhìn xa” khi quy hoạch đường làng rộng đến 8m, vuông vức, thông suốt như bàn cờ. Nhưng theo thời gian, cuộc sống có nhiều thay đổi, số dân trong làng ngày một đông thêm, nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường cứ cơi nới dần ra, nhà này xây thêm cái bờ tường, nhà khác xây thêm cái bếp, rồi công trình phụ khiến đường làng ngày một nhỏ lại, méo mó, thò thụt, mương tiêu nước dần dần cũng không còn...

Ông nhớ lại, trong những buổi họp dân, hầu hết các chủ trương, kế hoạch chi bộ, ban hương ước làng nêu ra mọi người đều nhanh chóng tán đồng. Duy có việc đề nghị những hộ ven đường trả lại phần đất trước đây đã cơi nới để mở rộng đường làng, khôi phục lại mương tiêu nước thì có một số ý kiến không thông. Chẳng là, trước đó, khi chính quyền thực hiện cấp sổ đỏ, phần diện tích bà con cơi nới đều được hợp thức hóa. Thời buổi “tấc đất tấc vàng” bà con có ý do dự cũng là điều dễ hiểu. Vậy nhưng, theo ông Trường, khi chi bộ, thôn xóm, Ban CTMT, Ban Hương ước làng tuyên truyền, giải thích ai cũng nhận ra vì lợi ích chung, lâu dài, mỗi gia đình hy sinh một chút quyền lợi riêng cũng chẳng thấm tháp gì. Cuối cùng bà con trong làng, cả lương lẫn giáo cùng thông suốt, giơ tay biểu quyết. Thực hiện “nghị quyết của làng”, 70 hộ dân ven đường sau đó đã tự nguyện trả lại làng, hiến cho xã hội gần 3000 m2 đất, có hộ hiến, góp cả trăm m2. Nhờ vậy, Thành An mới có được hệ thống đường làng khang trang, rộng rãi, vuông vức như hiện tại...

- Làm đường, làm nhà văn hoá, làm cổng làng, toàn là những việc “ngốn” tiền cả! Bà con trong làng cũng chưa lấy gì làm dư dả. Làm sao các bác có đủ kinh phí?

- Nếu chỉ dựa vào nguồn đóng góp của các hộ ở làng thì không đủ. Chúng tôi phải dùng đến “của để dành”! Các cụ dạy “con cái là của để dành”. Thành An quê tôi chưa giàu nhưng hiếu học. Khó mấy cũng lo cho con cái được học hành. Nhờ vậy, nhiều con em giờ thành đạt, phương trưởng, công tác, sinh sống ở ngoài tỉnh. Khi làng có việc lớn, có lời kêu gọi, hầu hết đều gửi trí tuệ, công của về đóng góp xây dựng quê hương. Mọi sự đóng góp, dù nhỏ đều được làng ghi công trong sổ vàng để các thế hệ sau của làng Thành An biết đến, noi theo.

- Làm sạch đẹp xóm làng rất quan trọng nhưng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con còn quan trọng hơn nhiều. Chi bộ, Ban CTMT đã làm gì để giúp bà con việc này? Tôi lại hỏi ông.

- Phương châm xây dựng NTM của chúng tôi là “làm từ đồng về nhà, từ nhà lên xóm, từ xóm lên xã”. Trước đó, chi bộ, Ban CTMT đã lãnh đạo bà con thực hiện dồn điền đổi thửa. Làng có hai trăm mẫu ruộng, trước đây manh mún lắm. Nay dồn lại, mỗi hộ chỉ còn lại 1-2 mảnh, việc đồng áng nhờ vậy nhàn và hiệu quả hơn hẳn. Quanh đây nhà máy, xí nghiệp mọc lên cũng nhiều, giúp nhiều người làng có việc, không còn làm ruộng nữa. Nhiều hộ đã thuê gom, tích tụ lại để sản xuất tập trung. Có những hộ giờ trồng tới 5 mẫu lúa nếp đặc sản, quy mô 2-3 mẫu thì nhiều lắm!

Một chuyện khác cũng được ông Trường rất tâm đắc, xem như một trong những kết quả quan trọng của Thành An trong xây dựng NTM. Đó là lần đầu kể từ khi lập làng, Thành An có hương ước, có Ban hương ước làng, thành viên đều là những người có uy tín. Để mọi người cùng thực hiện nếp sống văn hóa, có ý thức bảovệ môi trường, hương ước làng có những quy định rất cụ thể như: phần đường gần gia đình nào gia đình đó có trách nhiệm tự quản, tự dọn vệ sinh. Mỗi nhà phải làm một hố tập trung rác thải. Người nào vứt rác ra đường bị phạt 200 ngàn đồng, người nào phát hiện ra người vứt rác được thưởng 200 ngàn đồng. Gia đình nào để xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ bị phạt 200 ngàn đồng. Riêng những người có hành vi dùng xung điện đánh bắt cá huỷ hoại môi sinh bị phạt 5 triệu đồng; bắt trộm chó, mèo bị phạt 2 triệu đồng. Những người vi phạm, ngoài bị phạt tiền còn bị phê bình trên loa truyền thanh, trong các buổi họp dân và không được xét công nhận gia đình văn hoá. “Việc làng có những quy định chặt chẽ như vậy mục đích chính để giáo dục ý thức sống có kỷ cương, văn hoá cho người làng, nhất là thế hệ trẻ thôi. Thực tế từ ngày có những quy định này chưa có ai vi phạm để đến nỗi bị làng bắt phạt”, ông Trường chia sẻ.

Hỏi ông gần 30 năm làm công tác Đảng, công tác Mặt trận ở cơ sở, điều gì khiến ông vui nhất? Ông chia sẻ: “Thành An có gần 300 hộ, tổng cộng gần 1000 dân, trong đó đồng bào theo đạo công giáo chiếm già nửa, mỗi người, mỗi nhà có công việc, cuộc sống, đời sống tâm linh riêng nhưng hết thảy đều chan hòa, gắn bó. Ngày lễ Noel cả làng cùng liên hoan chung vui chứ chẳng riêng người có đạo. Khi chùa, đền làng có lễ lớn Linh mục xứ chẳng bao giờ vắng mặt. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân cả làng cùng liên hoan chung vui. Làm công tác Mặt trận như tôi, không có điều gì vui bằng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không gì quý bằng sức dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO