Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Nếu có kiếp sau, vẫn chọn nghề báo

Việt Quỳnh 14/04/2020 14:47

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nổi tiếng về mảng phóng sự, được bạn đọc công nhận và thường nhắc tới. Mới đây, ông ra mắt cuốn sách dày 300 trang “Chúng tôi - một thời mũ rơm, mũ cối” (NXB Tổng hợp TP HCM).

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Nếu có kiếp sau, vẫn chọn nghề báo

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

“Những ngày đầu của thập niên 60, Bờ Hồ là nơi người dân tập trung đông nhất, từ những người dân còn để răng đen từ các vùng nông thôn ra, đến các thiếu niên còn mặc áo bông xanh, nữ thì tết tóc đuôi sam, nam thì cắt tóc cao, và cũng khá nhiều cán bộ chiến sĩ người miền Nam da ngăm đen, quấn khăn rằn, đeo cái radio bên sườn đi lòng vòng Bờ Hồ”- nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã hồi tưởng lại ký ức Hà Nội xưa trong “Chúng tôi - một thời mũ rơm, mũ cối” như vậy. Cũng trong cuốn sách, những trang đầu tiên, ông kể về ngày tháng còn nằm trong bụng mẹ, khi ba mẹ là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc…

“Tôi lớn lên 5 năm ở trường miền Nam ở Hà Đông. Có một thời gian mấy năm nhà tôi ở ngay trong Trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống) mà tôi coi đây là trường học nghề báo đầu tiên của tôi. Rồi nhà tôi chuyển về khu tập thể của Báo Nhân Dân ở ngõ Lý Thường Kiệt, nơi có hàng chục nhà báo nổi tiếng sinh sống. Rồi Mỹ ném bom miền Bắc. Tôi cùng con em cán bộ báo Nhân Dân đi sơ tán về các vùng nông thôn...”- nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhớ lại.

Sự di chuyển liên tục ấy là cho ông ngày một lớn khôn hơn. Ông được ba mẹ cho học bóng bàn, học vẽ, thậm chí cả học múa: “Có khi buổi sáng tôi vừa cầm cờ cùng đội nghi thức CLB Thiếu nhi Hà Nội vào Hội trường Ba Đình trong một lễ hội nào đó thì buổi chiều tôi đã đá bóng vỉa hè. Có khi tôi vừa được in mấy truyện ngắn trong một tập sách ở NXB Kim Đồng thì ngay sau đó đã bị liệt vào học sinh cá biệt ở lớp vì nghịch ngợm. Tôi có hàng tập thư từ lưu bút của các bạn gái từ nhỏ nhưng lại là người vào Đoàn muộn nhất lớp. Nói chung nhiều chuyện không được tự hào lắm khi mà năm học nào tôi cũng thi lại toán và Nga văn, nhưng tôi lại luôn là thằng đầu têu trong mọi chiêu trò của bọn trẻ đồng lứa, dù ở Hà Nội hay ở nơi sơ tán. Có những ký ức đẹp, đáng nhớ, nhưng cũng có những câu chuyện làm cha mẹ buồn lòng”.

Nghề báo đến với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân rất tự nhiên. Ba là nhà báo Huỳnh Hùng Lý - trước đó là Thư ký Tòa soạn Báo Nhân Dân miền Nam, được phân công về Ban Thống Nhất. Còn mẹ ông, sau thời gian ở Thanh Hóa một năm, bà chọn học nghề y tá rồi được phân công về Trường miền Nam đóng tại Gia Lâm, Hà Nội. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân lớn lên ngay trong trụ sở tòa soạn, nơi ba ông làm việc, cũng như có thời gian dài sống trong khu tập thể của báo Nhân Dân ở ngõ Lý Thường Kiệt - nơi cứ hễ ra ngõ thì gặp nhà báo:

“Điều ấy cứ như những chất men thấm dần vào tiềm thức của tôi, chứ thật ra tôi cũng chả được học nghề của ai cho đúng nghĩa. Có chăng là những bài học chụp ảnh mà ba tôi dạy cho. Nhưng khi mà tôi lớn lên trong môi trường như thế, sẵn có chút năng khiếu viết vẽ, văn thơ, tôi có được những tư duy cần thiết cho nghề báo sau này. Về sau, cả gia đình tôi, từ cha mẹ, anh em, dâu rể, cháu chắt, có tới 9 người từng làm báo. Chắc cũng do truyền thống gia đình đã tạo ra cái gen ấy. Tôi luôn thầm cảm ơn cuộc sống trong những năm tháng ấy và truyền thống gia đình ấy đã ấn vào tôi cây bút. Nếu không có cây bút chắc tôi không làm được trò trống gì trong cuộc đời này”.

Qua các sinh hoạt thường ngày tại miền Bắc, chất Nam Bộ vẫn thấm đẫm trong ông và gia đình. Ngày được ba dắt tay vào nhập học lớp một, nghe giọng Nam mà ba trò chuyện với cô giáo, các bạn trong lớp đã xì xào gọi ông là “người miền ‘đù’’ - cách gọi về người miền Nam thời kì ấy. Điều đó, cho ông ý thức về xuất thân của mình là Nam Bộ, dù cho đến nay, giọng của ông vẫn “rặt Bắc”. 20 năm sống ở Hà Nội và 45 năm ở trong Nam, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho rằng, sự đa văn hoá pha trộn ba miền này có ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách viết phóng sự của mình:

“Tôi cảm thấy 20 năm sống ở Hà Nội, trong đó có gần 8 năm đi sơ tán về nông thôn để tránh bom Mỹ... 10 năm học sinh phổ thông (trong đó có 3 năm học hội họa) là quãng đời đẹp nhất của tôi. Những ký ức ấy của tôi và thế hệ tôi với hình ảnh chiếc mũ rơm thời nhỏ đi sơ tán và chiếc mũ cối khi lớn lên đi bộ đội, nếu không viết lại chắc rồi sẽ bị lãng quên. Tôi muốn viết lại những ký ức đó như một sự đền đáp công lao cha mẹ cô chú đồng nghiệp đi trước, để cảm ơn những người dân các vùng chúng tôi về sơ tán đã đùm bọc chở che bọn trẻ chúng tôi hồi chiến tranh. Và cuối cùng là để các bạn đọc sau này biết về thập niên 1960 -1970 của thế kỷ trước trẻ em ở Hà Nội đã sống trong cảnh bom đạn thế nào”. Và đó cũng là lý do ông viết “Chúng tôi - một thời mũ rơm, mũ cối”.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Nếu có kiếp sau, vẫn chọn nghề báo - 1

Bìa cuốn sách “Chúng tôi – một thời mũ rơm, mũ cối”.

Chia sẻ về ước mơ ấu thơ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhớ lại, ông từng mong lớn lên làm một trong ba nghề: họa sĩ, lái xe, và đá bóng: “Đến khi vào đại học tôi lại học văn. Tờ báo tôi muốn về đầu quân là tờ báo về văn học. Tôi viết truyện trước khi viết báo, trở thành hội viên Hội Nhà văn TP.HCM trước khi trở thành hội viên Hội Nhà báo. Nhưng rồi khi tôi được gọi ra Hà Nội học văn bằng hai về báo chí thì cuộc đời làm báo của tôi rẽ ngang một cách quyết liệt hơn. Tôi bắt đầu thích báo, cảm thấy hợp với báo hơn. Và bỗng nhiên có một hôm đẹp trời, sếp nói với tôi: “Nhân thích đi nhiều, giao tiếp bạn bè nhiều, viết lại có chất văn, thì nên đi viết phóng sự”. Thế là tôi lao vào mảng phóng sự cho tới giờ”.

Năm 1990 khi bắt đầu chuyển công tác từ Báo Tuổi Trẻ về Báo Lao Động, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đi viết phóng sự mà thực ra lúc ấy, khái niệm “phóng sự” trong ông còn rất mơ hồ:

“Chỉ nhớ hồi học Hán Văn, thầy giải thích: “Phóng là mở rộng, sự là sự việc có vấn đề”. Nhưng tôi thích vì viết phóng sự được đi nhiều, được khẳng định mình, viết có văn, có bạn đọc. Tôi viết bài đầu tiên ở mỏ than Mông Dương, Quảng Ninh. Tôi chui luôn xuống đáy hầm lò sâu cả trăm mét cùng công nhân. Tôi nhậu cùng, đi cùng, tắm truồng cùng công nhân. Quan sát, lắng nghe, cảm nhận, chia sẻ... Tôi về khách sạn viết luôn phóng sự “Hai giờ dưới lòng đất”. Bạn đọc viết thư khen. Công nhân mỏ nói tới nay anh là người thứ hai dám chui xuống tận đáy lò với bọn em. Tôi hiểu rằng phong cách viết nhập cuộc và dấn thân là yếu tố thành công cho phóng sự. Nếu tôi vào phòng giám đốc phỏng vấn hay chỉ lê la trên bãi than chắc chắn không viết được một phóng sự như bạn đọc mong muốn”.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khi tiếp xúc với các sinh viên báo chí, ông vẫn dặn dò: “Nếu các bạn chạy theo sự kiện thì sự kiện sẽ qua đi và bài phóng sự sẽ bị quên lãng. Nhưng nếu các bạn viết phóng sự về thân phận con người, về những câu chuyện nhân văn, về những vấn đề mà nhân loại và thời cuộc đang quan tâm với tư cách một chứng nhân, một thư ký của lịch sử, thì bài phóng sự của bạn sẽ có chất nhân văn và sẽ tồn tại lâu dài hơn một bài báo chỉ chạy theo phản ánh một sự kiện nào đó. Cầu thủ đá bóng không thích mình vô danh. Người viết phóng sự cũng cần viết để khẳng định ngòi bút của mình”.

Nhìn chặng đường nghề báo đã qua, với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nghề đã cho ông tất cả và lấy đi cũng nhiều điều. Nhưng ông vẫn tâm niệm, nếu có kiếp sau, thì ông vẫn xin được chọn lại nghề báo.

Sau 5 năm kể từ ngày chính thức nghỉ hưu, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn đi dạy học nhiều nơi và cộng tác với một số báo: “Tôi còn có một công việc thú vị bán thời gian là làm cố vấn cho Trung tâm Báo chí của TP.HCM. Tôi vui vì chưa bị lãng quên. Gần đây, tâm tưởng tôi có vẻ thiên về văn học hơn là báo chí chắc để hâm nóng những dự định thời trai trẻ bận bịu nghề nghiệp mà chưa làm được. Tôi lên Facebook thường xuyên để kết nối với bạn bè và đăng thử nghiệm những sáng tác của mình để sau này tập hợp chúng lại in thành sách, nếu được.

Tôi đang âm mưu viết lại những câu chuyện đi tác nghiệp viết phóng sự trong đời làm báo của mình, và hơn thế nữa, tôi muốn viết về giai đoạn 45 năm tôi trở thành công dân Sài Gòn với những năm tháng không còn đội mũ rơm mũ cối mà là đội mũ... bảo hiểm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Nếu có kiếp sau, vẫn chọn nghề báo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO