Huỳnh Dũng Nhân cho rằng, ông “dị ứng” với những cái do trí tuệ nhân tạo làm ra, vì không thích đọc một bài báo, nghe một giọng hát do công nghệ giúp sức…
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là cây bút phóng sự nổi tiếng. Ở tuổi 70, ông vừa ra mắt "Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - Cuộc đời và cây bút”.
PV: 70 năm tuổi đời và 50 năm tuổi viết, bắt đầu vào nghề từ tuổi 20, vì sao nghề viết lại trở thành ước mơ từ thuở nhỏ, và ông sớm có đam mê với nghề như thế?
Nhà báo HUỲNH DŨNG NHÂN: Tôi có bài thơ đầu đời in báo từ năm 13 tuổi, bức tranh đầu tiên in báo cũng năm 13 tuổi (1968), tính đến nay đã hơn 50 năm. Còn báo chí thì ban đầu tôi cộng tác các báo, hồi xưa ít báo lắm chứ không nhiều như bây giờ, cũng từ thời sinh viên, những năm 20 tuổi… Có mấy cuốn sách in chung nhiều tác giả những năm 15 tuổi, in riêng cuốn sách đầu tiên về nghệ sĩ Đặng Thái Sơn năm 25 tuổi, khi học báo chí làm văn bằng 2…
Số lượng sinh viên báo chí thực sự đam mê nghề báo ngày càng ít. Hiện nay hình như các ngành đào tạo báo chí đang cung cấp tốt nhân lực cho ngành truyền thông hơn là cho ngành báo chí.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Kể ra như vậy để thấy tôi vào nghề viết và vẽ từ rất sớm. Khi mà trẻ em Hà Nội lúc ấy viết văn thơ còn đếm được trên đầu ngón tay. Vì lúc đó thời chiến, Mỹ ném bom miền Bắc, trẻ em phải đi sơ tán, cuộc sống lại vô cùng khó khăn, phải xa cha mẹ mấy năm liền, ít ai viết văn thơ lắm. Mà lúc nhỏ, tôi chưa có suy nghĩ lớn lên làm nghề báo hay viết lách gì đâu, chỉ thích lái xe, đá bóng và vẽ thôi. Nhưng có lẽ vì gia đình tôi làm báo, tôi lại lớn lên ngay trong cơ quan báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống, Hà Nội, lúc nào cũng được sống trong môi trường báo chí, ra ngõ gặp nhà báo, được làm quen với các nhà báo nổi tiếng, đi sơ tán cùng con em báo Nhân Dân… nên cái chất báo chí có lẽ thấm dần vào máu thịt lúc nào không biết. Sau này tôi học văn, rồi học báo, thấy có lẽ mình hợp với cây bút hơn cả, nên bắt đầu bước vào nghề viết lách…
Kỷ niệm của ông với cha mẹ khi ông bà cũng là nhà báo và từng công tác tại báo Giải Phóng?
- Ba mẹ tôi là cán bộ miền Nam tập kết. Kỷ niệm đầu tiên của tôi về ba mẹ mình đó chính là hình ảnh những người cán bộ miền Nam lần đầu tiên ra Hà Nội. Rồi sau đó là những câu chuyện làm báo thời Mỹ ném bom miền Bắc. Ba tôi từng đạp xe từ Hà Nội đi các tỉnh để viết bài và ông từng là phóng viên thường trú ở Vĩ tuyến 17 nhiều tháng trời. Đó là những năm tháng thời chiến, rồi bao cấp, nghèo khổ nhưng đầy lạc quan và vô tư, giản dị, ít ai nghĩ đến mình…
Ba tôi sau một thời gian công tác ở báo Nhân Dân thì chuyển sang CP72 - cơ quan của Chính phủ Cách mạng Lâm thời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng niền Nam, ba tôi làm Tổng Biên tập tờ báo đối ngoại bằng tiếng Anh, tiếng Pháp của Mặt trận. Ba hay nhờ tôi vẽ bản đồ chiến sự lúc đó. Một thời gian sau, ba được cử vào tổ thư ký của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, đi hàng chục nước trên thế giới và vào chiến trường Quảng Trị, khu 5 ngay trong khi chưa kết thúc chiến tranh.
Ba tôi có thời gian công tác báo chí trong phái đoàn của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình sang Pháp ký Hiệp định Paris. Sau 1975, ba tôi về miền Nam, trở lại công tác báo chí, làm việc tại báo Giải Phóng - tiền thân của báo Đại Đoàn Kết sau này. Mẹ tôi cũng từ báo Nhân Dân về miền Nam làm việc tại báo Đại Đoàn Kết. Kỷ niệm thời ấy là tôi từng đi theo ba tôi như một trợ lý, một vệ sĩ cầm theo khẩu AK báng gập khi ông đi công tác các vùng vừa giải phóng còn đầy khó khăn nguy hiểm… Thời đó gia đình tôi là hàng xóm thân thiết với một số cán bộ báo mà sau này họ giữ những chức vụ chủ chốt của báo Đại Đoàn Kết.
Cha mẹ chính là tấm gương, là động lực để ông theo nghề viết?
- Ba tôi là nhà báo cứng cáp từ thời trong Nam cho tới khi ra Bắc. Ông viết nhanh, viết khỏe, viết có văn. Mặt khác ông chịu khó xông xáo, luôn có mặt tại những điểm nóng. Ba tôi còn hay được mời đi nói chuyện, báo cáo về tình hình miền Nam ở nhiều nơi vì ông nói chuyện khá lôi cuốn. Có lẽ tôi học được ở ông những điều đó.
Chỉ có một điều tôi không học tập ông được, đó là ông giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh. Còn tôi có mỗi tiếng Nga mà năm nào cũng thi lại. Riêng mẹ tôi những năm thời chiến thì đau ốm liên miên, khó khăn tràn ngập, nhưng bà vẫn lo lắng cho chúng tôi ăn học đến nơi đến chốn. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao thời buổi “gạo châu củi quế” như thế mà bà có thể nuôi cả bốn anh em chúng tôi trưởng thành, khôn lớn, tất cả đều tốt nghiệp đại học và thành đạt sau này…
Ông có thể chia sẻ về những trang viết đầu tiên, để từ đó đánh dấu ông theo con đường viết chuyên nghiệp?
- Như tôi đã nói, tôi viết sớm, vẽ sớm. Bởi tôi được ở trong môi trường gia đình thuận lợi. Sau này học đúng nghề, làm đúng sở thích. Chứ thật ra ba tôi chưa hề dạy tôi về nghề báo, có chăng là dạy tôi biết chụp ảnh từ nhỏ. Người ta hay bảo đó là nhờ cái gen. Tôi viết vẽ lúc nhỏ, hồn nhiên thôi, sau thấy được đăng bài lên báo, lên sách truyện của NXB Kim Đồng thì cũng hăng hái hơn. Hồi đó ít ai viết lách lắm. Sau tôi thấy mình chả làm được nghề gì khác ngoài viết vẽ. Ngay cả vào bộ đội cũng được giao cho làm báo tường. Đến đâu người ta cũng chú ý cái người biết viết, biết vẽ nên thấy cũng vui. Bây giờ nhờ có công nghệ tìm kiếm, tôi tìm lại được một số sáng tác đầu đời, thấy nó non nớt nhưng dễ thương làm sao.
Nhìn lại 50 năm làm nghề, với hơn 30 đầu sách đã xuất bản, có thể nói, ông không chỉ dành cuộc đời cho nghề viết, mà còn cả trái tim mình?
- Tất cả con tim, khối óc, tay chân, hồn vía, mồ hôi, sức khỏe… điều gì tôi cũng dành cho viết văn viết báo, làm thơ và vẽ. Thú thật là cũng vì... tôi không biết làm gì khác. Bỏ cây bút ra là tôi thất nghiệp. (Cười)
Điều gì đã giúp ông bền bỉ với nghề đến như thế?
- Có thể nói điều đầu tiên tôi có được đó là sự đam mê. Không mê nghề không làm tốt được, không kiên trì theo nghề được. Đam mê sẽ không có sự lựa chọn nghề khác. Không rẽ ngang rẽ tắt, không đặt cái yếu tố tiền bạc lên hàng đầu. Tôi nhớ có câu nói thế này: “Làm điều mình thích là tự do. Thích điều mình làm là hạnh phúc”. Tôi nghĩ mình chọn nghề báo, đam mê nghề báo vì nghề báo cho tôi cả hai điều này.
Nghề viết rất cực nhọc, và để trở thành một cây bút phóng sự nổi tiếng thời kỳ Đổi mới, hẳn phía sau là những gian truân phải trải qua, thưa ông?
- Người viết chuyên nghiệp không hay khen nhau, cũng ít khi xếp hạng, không có thói quen phong tặng danh hiệu này nọ… Mọi thương hiệu cao quý do bạn đọc trao cho và cũng chỉ có giá trị tương đối, có tính giai đoạn và phù hợp từng lĩnh vực, từng đối tượng riêng. Sau khi tôi có một số thành công nhất định, tôi cố gắng đừng để tụt hậu, vì bây giờ rất nhiều người viết hay làm báo giỏi. Và như ai đó từng nói: “Đứng yên là tụt lùi”, vì thế, tôi luôn cố gắng để làm một việc gì đó.
Ba năm nay tôi bị tai biến, tôi lại nhớ câu “Nến cong nhưng lửa thẳng”. Dù đau yếu chống gậy, nhưng tôi vẫn cố gắng đi được 48 tỉnh thành, in được 4 cuốn sách, triển lãm tranh vẽ chân dung ở 3 bảo tàng… Lúc nào tôi cũng thích làm việc, thích hành động, không nói suông…
Nghề viết nói chung và nghề báo nói riêng đã mang đến cho ông điều gì, và lấy đi điều gì?
- Nghề viết cho tôi một cuộc đời ý nghĩa và cho tôi một cái tên. Và nghề viết lấy đi của tôi khá nhiều thời gian, sức khỏe và sự chăm lo cho gia đình. (Cười)
Trước, báo chí là một nghề có thể sống và sống tốt, ngày nay, trước những vấn đề công nghệ, hội nhập, thị trường, báo chí đang đối mặt với nhiều thách thức lớn để tồn tại, phát triển, ông nghĩ sao về điều này?
- Thật ra tôi thấy bây giờ báo chí có thể có nhiều điều kiện để làm việc tốt hơn trước kia, sống tốt hơn trước kia. Nhưng chính trên các nền tảng tốt hơn ấy lại nảy sinh nhiều vấn đề đạo đức, cạnh tranh, nảy sinh các mâu thuẫn trong mối quan hệ riêng chung, giữa cá nhân và tập thể, muốn vươn lên phải đối đầu với nhiều thử thách mà thời trước không có. Có bạn đã phỏng vấn tôi: “Làm báo thời xưa khó khăn hơn bây giờ thế nào?”. Tôi trả lời khó khăn hơn vì hồi xưa không có Internet. Bạn ấy hỏi tiếp: “Thế làm báo bây giờ khó khăn hơn trước thế nào?”. Tôi trả lời: Bây giờ làm báo khó khăn hơn thời trước kia vì… đã có Internet.
Thời gian này nhiều cây viết báo chí giỏi đã phải dừng nghề lại để tìm việc khác, đây là điều đáng tiếc và là thực tế chúng ta phải chấp nhận?
- Ngày xưa trong xã hội ít ngành nghề nên người ta cũng ít có lựa chọn. Xin được việc làm cũng khó khăn hơn bây giờ. Lại hay theo suy nghĩ làm việc nhà nước tốt hơn làm ngoài. Nên đã vào làm việc ở đâu thì người ta chăm chút công việc ở đó, ít có điều kiện thay đổi, nhảy việc, đôi khi cũng vì trót yêu không muốn đổi nghề. Còn bây giờ thì khác hơn và nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp hơn. Quan niệm “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” cũng đã thay đổi. Tôi nghĩ đây là xu hướng chung phải chấp nhận.
Thế nhưng, khoa đào tạo báo chí của các trường đại học vẫn tuyển sinh với điểm rất cao, và việc theo học nghề báo vẫn là mơ ước của nhiều bạn trẻ?
- Việc tuyển sinh với điểm đầu vào rất cao nói lên nhiều điều khác nhau trong chất lượng học tập đào tạo nói chung, các vấn đề tuyển dụng, cung cầu. Đầu vào cao cho đầu ra những sinh viên giỏi, chưa chắc đã cho đầu ra những nhà báo giỏi. Nhiều bạn trẻ vẫn chọn nghề báo là một điều đáng mừng. Nghề báo nằm trong tốp 10 những nghề khó khăn nguy hiểm, nhưng cũng nằm trong tốp 10 được các bạn trẻ tốt nghiệp phổ thông lựa chọn khi thi vào đại học. Việc chọn nghề liên quan đến điểm thi tuyển một phần, phần khác còn do sự phát triển và uy tín của ngành nghề. Tuy nghề báo không còn giữ được sự tôn vinh cao như trước, nhưng sự tác động tích cực và những đóng góp của báo chí cho phát triển của đất nước là không thể chối cãi.
Ông có thể chia sẻ một số vấn đề trong việc đào tạo nghề báo hiện nay, với kinh nghiệm của một giảng viên lâu năm?
- Theo tôi, một người có quá trình giảng dạy báo chí ở các trường đại học và là giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam thì “vai trò của báo in không bao giờ chết”. Có người bảo báo giấy chỉ còn để… gói xôi. Còn tôi thì cho rằng: Chừng nào còn xôi thì còn báo in.
Tôi cũng tin rằng, khi nào người ta còn cần báo in như một kênh thông tin tin cậy nhất, khi không phải ai cũng có điều kiện xem báo mạng, khi vai trò khởi thủy của báo in trong nền báo chí truyền thống còn được nhìn nhận, thì báo in vẫn còn chỗ đứng.
Người làm báo ngày nay thật sự là một nhà báo đa năng: vừa tác nghiệp như một ký giả viết bài cho báo in, vừa có thể chụp ảnh, quay phim và nhiều nghiệp vụ khác nữa để có thể là một “nhà báo mạng”. Có hay không có từ “báo mạng”? Có một khái niệm thật dễ hiểu: báo mạng (báo điện tử) là thể loại báo sử dụng những công nghệ thông tin tiên tiến và phải được cấp giấy phép hoạt động. Nhưng trên thực tế, bên cạnh những tờ báo mạng chính thống cũng có vô số tờ báo mạng không chính thống, đó là… mạng xã hội. Người đọc báo ít khi quan tâm cái nào là chính thống và không chính thống. Và từ đó, mạng xã hội có những điều hữu ích lẫn tác hại. Chính vì vậy việc đào tạo báo chí cũng nên nghiêng thêm về loại hình đa phương tiện, thêm nhiều hoạt động gắn với truyền thông, tăng cường hướng tới hội nhập với quốc tế hơn chứ không chỉ nhằm phục vụ bạn đọc trong nước.
Hiện nay khoa báo chí các trường đại học phát triển khá mạnh, đòi hỏi đầu vào rất cao, nhưng cần tập trung vào các môn chuyên ngành hơn, cần cho sinh viên lao vào nghề ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. “Thước dạy thầy. Cây dạy thợ”. Phải đưa sinh viên vào kết hợp giảng dạy ngay ở các báo đài. Giảng viên báo chí cơ hữu dạy lý thuyết. Giảng viên là các nhà báo hàng đầu dạy nghề. Lớp học chính là các tòa soạn, hợp đồng với các báo lớn mà thực hiện điều đó như một số nước tiên tiến từng làm. Và điều mà tôi cũng thấy cần phải nghĩ đến, liệu ta có cần phải tuyển vào nghề báo với số lượng đông đảo đến thế không? Thử nghĩ thêm về tỷ lệ giữa cung và cầu, giữa thực tiễn và kế hoạch, giữa sự cân đối của các loại hình báo chí…
Hiện nay khi tốt nghiệp, bất kể học chuyên ngành gì, sinh viên đổ xô vào làm truyền thông, truyền hình... hơn là đi làm báo in. Số lượng sinh viên báo chí thực sự đam mê nghề báo ngày càng ít. Hiện nay hình như các ngành đào tạo báo chí đang cung cấp tốt nhân lực cho ngành truyền thông hơn là cho ngành báo chí.
Ra trường, trước thực tế khắc nghiệt, nhiều bạn cũng không theo được nghề và đam mê của mình, ông có thể chia sẻ và đưa ra lời khuyên?
- Tôi chả dám khuyên gì. (Cười)Mỗi thời đại, mỗi thế hệ có một sự lựa chọn khác nhau. Mỗi hoàn cảnh cá nhân cũng thế, ai cũng có sự mưu cầu cho cuộc sống của mình và gia đình thật tốt đẹp và thuận lợi. Nếu có lời tâm sự tôi chỉ xin chia sẻ rằng, nghề báo cần có chút năng khiếu và nhiều chút đam mê, trước khi chọn nghề báo, bạn thử đo đếm xem mình có hai yếu tố này không mà thôi.
Nghề báo, theo ông, trong thời gian tới sẽ có những thay đổi gì?
- Báo chí truyền thống, báo in ngày càng gặp nhiều khó khăn, thậm chí sẽ dần biến mất. Báo điện tử và các nền tảng thông tin trên mạng lên ngôi và xu hướng chuyển đổi số rất rõ rệt. Và người làm báo ngày càng phải đa năng hơn.
Vậy trước sự phát triển mạnh mẽ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, sẽ tác động tới báo chí ra sao, thưa ông?
- Tôi nghĩ trí tuệ nhân tạo đang tác động và can thiệp quá sâu vào ngành báo chí, truyền thông, kể cả các loại hình nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, điện ảnh, ca nhạc. Trí tuệ nhân tạo do con người tạo ra thay cho trí tuệ tự thân mà có của con người, cái mà con người khó có thể đạt được thì họ dùng công nghệ, dùng kỹ thuật kỹ xảo và trí tuệ nhân tạo nâng cấp chất lượng đến mức tuyệt hảo. Nhưng tôi hơi “dị ứng” với những cái do trí tuệ nhân tạo làm ra. Tôi không thích đọc một bài báo, nghe một giọng hát do công nghệ giúp sức. Tôi không thích nhìn một bức tranh, một tấm hình do trí tuệ nhân tạo làm ra. Nó cứng đơ và giả tạo. Nói chung, tôi vẫn thích nghe tiếng chim hót tự nhiên hơn tiếng chim từ máy phát ra, và tôi vẫn thích nhận được một lá thư tình viết tay bằng bút mực hơn là một bức thư tình được đánh máy trên máy vi tính.
Với cuốn sách "Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - Cuộc đời và cây bút” vừa ra mắt, ông mong đưa đến bạn đọc những điều gì từ kinh nghiệm sống và làm nghề của mình?
- Cuốn sách này dành cho tôi kiểm nghiệm lại chặng đường cầm bút của mình. Tôi muốn đem món quà chữ nghĩa này tặng cho bạn đọc, để sau khi đọc nó, các bạn hình dung ra công việc và sự đam mê viết lách của tôi thế nào. Vì nhiều bạn bè chắc cũng chưa có điều kiện tìm hiểu tất cả những tác phẩm xưa nay của tôi.
Và như tôi đã nói: Đó là chút gì chắt lọc đọng lại của một phu chữ trong quá trình cày bừa trên cánh đồng chữ nghĩa suốt 50 năm của tôi.
Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn mạnh khoẻ, tràn đầy hạnh phúc!
Tôi nghĩ trí tuệ nhân tạo đang tác động và can thiệp quá sâu vào ngành báo chí, truyền thông, kể cả các loại hình nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, điện ảnh, ca nhạc. Trí tuệ nhân tạo do con người tạo ra thay cho trí tuệ tự thân mà có của con người, cái mà con người khó có thể đạt được thì họ dùng công nghệ, dùng kỹ thuật kỹ xảo và trí tuệ nhân tạo nâng cấp chất lượng đến mức tuyệt hảo. Nhưng tôi hơi “dị ứng” với những cái do trí tuệ nhân tạo làm ra…
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân