Nhà văn Nam Hà (1933 – 2018 ) tên khai sinh là Nguyễn Anh Công quê ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ông xuất hiện trên văn đàn những năm sau hòa bình ở miền Bắc với bút danh Trúc Hà; sau đi chiến trường B. dùng bút danh Nam Hà. Ông mất ngày 19 tháng 5 năm 2018 tại Hà Nội.
Nhà văn Nam Hà cùng nhà văn Võ Trần Nhã – những Nhà văn - Chiến sĩ một thời cùng chung một chiến hào.
Nhà văn Nam Hà đã đi xa, là người “láng giềng”, là nhà văn đàn em sống chung một con phố; lại cũng cùng ông cùng ở một cơ quan (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhiều năm. Không hiểu sao, khi được tin ông mất nhớ ông, tôi lại nhớ về một bức thư. Thư của bạn tôi, một thanh niên trẻ, học giỏi từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước có may mắn được cử đi du học ở nước ngoài. Từ xứ tuyết trắng xa xôi và thanh bình, anh đã viết thư về cho chúng tôi. Thư kể: anh và bạn bè lưu học sinh Việt Nam đã khóc, đã tỏ ra “ghen tị” với chúng tôi – những người có “may mắn” được sống trong những ngày gian khổ của dân tộc trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, khi được nghe nghệ sĩ Linh Nhâm ngâm nhiều lần bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!” của tác giả Nam Hà truyền đi trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam…. Bây giờ nói ra, lớp trẻ chẳng thể tin, những cái sự “phát ghen” và những giọt nước mắt của những người xa xứ thời ấy, nhưng chúng tôi tin đó là những chuyện rất thật, rất chân thành của bạn mình.
Một chi tiết mà ít ai tường thuở ấy là tác giả của bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!” là ai, đang làm gì? Là Nam Hà, hẳn rồi. Nam Hà là Trúc Hà - tác giả của những truyện ngắn được Văn Nghệ, và Văn nghệ Quân đội trao giải sáng tác “trẻ” những năm cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60. Từ Hà Nội, Trúc Hà đi B, với bút danh mới: Nam Hà (có lẽ là mang ý nghĩa Trúc Hà ở phương Nam, ở chiến trường), làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Anh sáng tác bài thơ trên mặt trận khu VI gian khổ, ác liệt, trên mảnh đất Bình Thuận yêu thương vào “mùa rẫy” năm 1966. Bài thơ được viết sau một trận chống càn, giữa cơn sốt rét rừng…
Nam Hà nhớ lại như thế và kể rằng, anh vốn là người của “văn xuôi” - văn xuôi chiến trận. Nhưng lúc đó không hiểu sao “hồn thơ” của anh cứ trỗi dậy, không chịu, không đánh được… Và anh làm bài thơ “Chúng con chiến đấu!”… để giãi bày tình cảm và lý tưởng của mình. Bài thơ được in trên báo mặt trận và theo đường giao liên ra bắc với cái “mũ” quen thuộc và luôn làm xao xuyến bạn viết, bạn đọc thời bấy giờ. “Từ miền Nam gửi ra “. Nam Hà nói thêm rằng, bài thơ là kỷ niệm một thời tuổi trẻ đánh giặc của anh. Anh nghĩ sao, viết vậy, đơn giản có thể. Khi viết bài “Chúng con chiến đấu…” anh không có ý định trở thành nhà thơ và càng không có ý định giã từ văn xuôi. Sau bài này, Nam Hà còn viết nhiều bài thơ khác nữa và in thành tập mang tên bài thơ ấy vào năm 1990, nhưng sự nghiệp chính của nhà văn – chiến sĩ này vẫn là văn xuôi với những tập tiểu thuyết “Đất miền Đông”, “Đường về Sài Gòn”, “Trong vùng tam giác sắt” những bộ sách đồ sộ viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc hoặc “Dặm dài đất nước” viết về công cuộc phục hưng, hiện đại hoá đất nước hôm nay. Nhưng văn nghiệp của ông phải kể đến tác phẩm “Đất miền Đông”.
“Đất miền Đông” là bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ gồm 3 tập, tồng cộng 2.218 trang của nhà văn Nam Hà. Bộ sách được tác giả viết trong 10 năm, từ 1978 đến 1987 và được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in trọn bộ năm 2014. “Đất miền Đông” là tác phẩm đã được Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 5 năm (2004 -2009) và Giải thưởng Nhà nước năm 2007.
Bộ tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh 1972-1975; là sự tái hiện một cách trung thực nhất, rõ nét nhất những diễn biến trong tháng 4/1975 ở trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Đất miền Đông” bộ tiều thuyểt khắc họa lại chiến tranh theo kiểu sử thi. Những trang viết của tác giả đã làm sống lại những năm tháng chưa xa của lịch sử với những bước ngoặt trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước thời gian và không gian được mở rộng dần. Từ những chuyện xảy ra trong chiến tranh ở một đơn vị, rồi rộng ra đến cả một vùng chiến sự, cả một vùng đất, một mặt trận... dần lên tầm bao quát cả một thời chiến trận bi hùng của dân tộc của đất nước.
Là người trong cuộc, từng hoạt động nhiều năm ở chiến trường miền Đông Nam bộ “gian lao và anh dũng” suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ nên trong “Đất miền Đông” cách nhìn của tác giả rất đa chiều. Ông không dừng lại ở sự mô tả; cũng không chỉ quan tâm đến việc “tả trận” mà quan tâm nhiều hơn đến quá trình vận động của chiến tranh; đến tính cách, số phận nhân vật, kể cả những nhân vật phản diện, nhân vật phía bên kia; đặc biệt là những người lính ở đại đội 111 của Lê Cam ở Trung đoàn 29 – đơn vị tham gia chiến dịch F, giải phóng Sài Gòn và kết thúc chiến tranh. “Đất miền Đông” xét về mặt văn học, về “chất” tiểu thuyết tuy chưa thật xuất sắc, nhưng nó có sự bề bộn của tư liệu; ở tính chân thật cùng những câu hỏi, những vấn đề mà tác giả đặt ra như vấn đề thời cơ, vấn đề nhân dân, vấn đề thắng thua trong chiến tranh... Nam Hà đặc biệt quan tâm đến vấn đề con người, vấn đề đạo đức, chất nhân văn và tinh thần khoan dung trong chiến tranh. Tôi nói, đấy là vấn đề căn bản làm nên giá trị của bộ sách.
Trong những ngày này, đọc lại “ Đất miền Đông” của Đại tá – nhà văn chiến sĩ Nam Hà, tôi đặc biệt tâm đắc với những trang viết trong tập 3 – tập có tựa đề “Đường về Sài Gòn”. Trong tập 3 này, người đọc cũng đặc biệt quan tâm đến những trang dòng tác giả viết về phía đối phương – phía bên kia, trong đó nổi bật là những nhân vật “cộm cán” ở bộ tham mưu tối cao Mỹ - Ngụy trong “cơn ác mộng” của những ngày cuối cùng trước khi kết thúc chiến tranh (tháng 4- 1975). Giá trị của những trang viết này nằm ở sự bộn bề, sinh động của những dòng tư liệu, nhất là tư liệu của “bên thua cuộc”; ở không khí, ở cách nhìn chân thực sinh động, công bằng và nhân văn của tác giả.
Nhưng cảm động nhất rưng rưng nhất là những trang cuối cùng của bộ sách – những trang viết về “sáng tháng Tư” năm ấy... Trong ngày vui đại thắng, Nam Hà không chỉ cho bạn đọc hôm nay thấy những rừng cờ, rừng hoa cùng những nụ cười, những giọt nước mắt vui mà còn thấy cả những nỗi day dứt của những người lính trận... Là người lính được đi phép ra Bắc trong đợt đầu tiên khi tiếng súng vừa im, tiểu đoàn trưởng Lê Cam cảm thấy như đôi mắt mình nhòe đi. Anh đã khóc. Khóc không phải vì niềm vui sắp được trở về sau những ngày dài chờ đợi, mà khóc vì những dòng thư viết trên trang giấy đã ố vàng bởi đất đỏ nơi rừng miền Đông, của cả mồ hôi và máu của Bình – người bạn từng chiến đấu cùng trung đội đã không có mặt trong ngày vui lớn!
Thư có đoạn viết: “Hoàn ơi!.. Ngày mai, có thể là ngày cuối cùng cuộc đời 26 tuổi của tao, có thể là trận đánh cuối cùng trong đời lính của tao... Tao chỉ có một nguyện vọng thổ lộ riêng với mày là, tình cảnh gia đình tao mày biết rồi đấy, mẹ tao già rồi, mấy năm tao không viết thư về. Cái thư tao vừa viết cho mẹ, mày nhớ gửi giùm tao, còn cái thư cho Loan thì tùy mày. Trong ngày mai, nếu tao chết, nếu mày may mắn sống được đến ngày Sài Gòn giải phóng thì trong đợt đi phép đầu tiên, mày nhớ lên Tàu Ô mang tao về nhé...”. Và lá thư viết tiếp: “Với tao, thì có nằm lại trên vùng đất nào ở miền Nam này cũng được thôi... nhưng với một bà mẹ già chỉ có đứa con trai độc nhất, thì nắm xương tàn của đứa con được đem về lại là niềm an ủi không gì thay thế được... Thôi vĩnh biệt mày, vĩnh biệt các đồng chí! Hãy tiếp tục chiến đấu và chiến thắng!”... Người lính trong “Đất miền Đông” của Nam Hà là vậy. Chiến đấu thật ngoan cường, hy sinh thật vô bờ bến, nhưng cũng thật rất người!
Năm 1984, nhân Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tạp chí Văn nghệ Quân đội có gửi tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng một bộ sách tiêu biểu viết về chiến tranh cách mạng và người lính, trong đó có tiểu thuyết “Đất miền Đông” vừa được in lần đầu. Ngày 20 tháng 5 năm ấy, Thủ tướng có thư gửi cho nhà văn Nam Hà. Thư viết:
“Đồng chí Nam Hà thân mến!
Tôi đã đọc cuốn sách của đồng chí về cuộc kháng chiến ở miền Đông.
Tôi chắc đồng chí đã mất nhiều công sức để sưu tầm tài liệu và và viết tác phẩm này. Tôi nghĩ rằng người đọc sẽ vui lòng hoan nghênh tác giả đã cố gắng nhiều trong việc này.
Tôi chúc đồng chí tiếp tục những cố gắng đáng quý này, tiếp tục phấn đấu để có những tác phẩm xứng đáng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta.
Thân ái.
Phạm Văn Đồng”
Nhắc về những năm tháng thai nghén ra bộ “ Đất miền Đông”, nhà văn Nam Hà cho biết: Mười năm ấy là mười năm đói nghèo chồng chất của đất nước, nhưng cũng là những năm những người lính trở về, những người “từ trong rừng ra” như ông đầy vơi trăn trở, trăn trở về những năm tháng trận mạc chưa xa, về những người ngã xuống và về tương lai của dân tộc.
Có giai thoại kể rằng: Quãng những năm 1978-1979, nhà văn Nam Hà tất bật lo khẩn trương hoàn thành bộ tiểu thuyết Đất miền Đông. Tập một vừa ra lò, nhà xuất bản đã giục đưa bản thảo tập hai. Gấp rút quá, ông bèn “trốn” vào trại an dưỡng của Quân đoàn 4 nằm ở bờ nam sông Sài Gòn để viết. Ngôi nhà mà đơn vị bố trí cho ông làm việc vốn là nhà nghỉ cuối ngày của Nguyễn Văn Thiệu. Không khí ở đây thật tuyệt vời cho người viết văn. Là thế nên Nam Hà thường ngồi lỳ bên bàn, ngồi suốt từ sáng đến đêm, quên giờ quên giấc. Chỉ khi nào cảm thấy thật đói, ông mới xuống nhà ăn. Nhiều hôm, cả nhà ăn tập thể không còn một ai. Dù xuất ăn đã nguội ngắt, nhà văn vẫn đánh sạch. Hơn thế, sau khi ăn hết tiêu chuẩn, ông còn đi đến các bàn khác xem còn thức gì ăn được để... ăn thêm.
Chuyện đến tai các sĩ quan an dưỡng khiến ai cũng ái ngại cho ông. Rồi không ai bảo ai, cả tuần, cả tháng sau đó, trước khi ăn người phần Nam Hà miếng thịt, người khác xẻ cho nhà văn lưng cơm, muỗng canh. Cảm động trước tấm lòng đồng đội trong thời buổi bao cấp “gạo sổ”, “thịt đậu tem” nhà văn chỉ còn biết cách trả nghĩa bằng việc viết, viết say đắm, viết hết mình. Và khi bản thảo đã xong, dấu chấm hết đã được tác giả hạ xuống một cách nhẹ nhàng, anh em mới kéo đến phòng Nam Hà chúc mừng. Trong câu chuyện đượm tình đồng đội, nhà văn có ý trách rằng mình đã vào đây làm khó dễ cho anh em, rằng vì mình mà anh em nhiều phen phải đói... Một đồng chí trung tá không chịu nổi những lời phân bua của nhà văn bèn cắt ngang. “Rồi, rồi, có chi đâu anh Hai. Tụi tui làm vầy cũng là cách để sớm được coi tác phẩm của anh Hai thôi mà”. Nghe lại câu chuyện, tác giả của bộ trường thiên tiểu thuyết chỉ cười hiền và bảo: “Với tôi, mãi về sau mỗi lần nhớ lại, trong lòng đều trào lên nỗi xúc động, bởi chính tôi mới là người cần phải cảm ơn những người lính, những bạn đọc đặc biệt ấy. Họ - những chiến sĩ, đã cho tôi hiểu được một cách sâu sắc ý nghĩa của văn chương đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân và quân đội ta trong những năm tháng máu lửa chưa xa.”