Mỗi lần viết là một lần tôi có cảm giác như đang tấn công vào một thành trì thẩm mỹ nào đó. Tôi thường tranh đấu hết mình, với nhịp điệu dồn dập, nhưng hầu như không theo chiến thuật có sẵn nào cả, cho đến khi cảm thấy đối phương thấm mệt thì tôi dừng, không cần biết bản thảo dài bao nhiêu trang.
Chân dung nhà văn Thuận.
PV: Tiểu thuyết mới “Thư gửi Mina” (PhanBook & NXB Phụ nữ) của nữ nhà văn Thuận đã đi sang một hướng văn phong khác, chảy tràn cảm xúc với những miêu tả vẻ lý tính nhưng vẫn nằm trong trạng thái mơ màng của sự nhớ còn sót lại nơi tiềm thức…• “Thư gửi Mina”, như chị từng chia sẻ, được viết từ giữa năm 2015, và giờ đã xuất bản với hơn 350 trang sách, có thể nói, đó là cuốn tiểu thuyết dày dặn nhất của chị từ trước đến nay?
Nhà văn Thuận: Mỗi lần viết là một lần tôi có cảm giác như đang tấn công vào một thành trì thẩm mỹ nào đó. Tôi thường tranh đấu hết mình, với nhịp điệu dồn dập, nhưng hầu như không theo chiến thuật có sẵn nào cả, cho đến khi cảm thấy đối phương thấm mệt thì tôi dừng, không cần biết bản thảo dài bao nhiêu trang. Tuy thế, không phải là không có lúc tôi chợt nhận ra tôi đang tấn công bản thân mình, nhằm vào chính thẩm mỹ đã bắt đầu trở nên cũ của tôi, và trong trường hợp này, khi tôi đặt dấu chấm hết cho bản thảo thì chính là lúc tôi đã vắt kiệt sức.
Ý tưởng của “Thư gửi Mina” bắt đầu được hình thành trong chị ra sao?
- Tôi thường đi tìm cấu trúc trước. Câu chuyện là chất liệu để dựng lại cấu trúc đã được tưởng tượng trong đầu, nhưng vừa dựng vừa phải chỉnh sửa vì câu chuyện theo một cách tự nhiên cũng phát triển không ngừng và luôn đe dọa phá vỡ cấu trúc. Vài bức thư còn có thể coi là một truyện ngắn, nhưng ba mươi bức thư thì rất có nguy cơ chỉ là một tập hợp thư, mà mục đích của tôi không phải là viết thư hay truyện ngắn. Thế nên, ngay khi hình dung bản thảo mới sẽ được trình bày dưới hình thức những bức thư viết cho một người, tôi lại phải tính đến việc tìm một trật tự nào đó để liên kết chúng với nhau. Có thể so sánh việc này với việc ghép những mảnh rời rạc của một bức tranh bị vỡ. Đương nhiên tôi chỉ gợi ý, độc giả sẽ làm phần còn lại, mỗi người sẽ có cách sắp xếp khác nhau. Nhưng nhiệm vụ của tôi là phải cho họ cảm hứng. Làm sao để họ thích đấu trí, liên tưởng, nghi ngờ… Tóm lại là khiến họ động não. Với tôi, một tác phẩm thất bại khi người đọc trở nên thụ động, bởi vì không bao giờ tồn tại một thứ hiện thực chỉ có một chiều để ta có thể nhắm mắt mà tin vào. Điều này, nếu bạn để ý, sẽ thấy nhân vật chính, một người cũng làm nghề cầm bút, đã chia sẻ với Mina: “Các câu chuyện thỉnh thoảng sống dậy trong đầu tao, mỗi lần dưới một dị bản ít nhiều khác nhau, khiến sự thật dường như ngày càng trở nên khó nắm bắt, bị lấp sau tầng tầng lớp lớp sương mù. Ký ức của tao vẫn cần mẫn tìm cách sắp xếp mọi thứ vào những ô nhỏ, theo một trật tự bí hiểm, mà tao nhiều khi muốn tìm lại cũng bó tay, hoặc không ít lần lẫn ô này vào ô kia và thỉnh thoảng cũng bất ngờ tạo ra một kết quả tạm gọi là thú vị theo kiểu râu ông này cắm cằm bà kia”.
Nhân vật nữ chính tên Th, đối thoại với người bạn đã không còn có thể gặp tên Mina qua những trang thư, viết mà không gửi, cũng là bởi muốn nhìn lại một quãng đời của chính mình?
- Đúng hơn là để nhìn lại những gì tôi đã viết. Có những chủ đề từng được đưa ra ở các tác phẩm trước của tôi, nhưng lần này, trong “Thư gửi Mina” chúng nhất thiết phải được thể hiện khác đi. Ví dụ, “nhập cư” là chuyện mà tôi đã băm nát ra rồi, thế nên càng viết là càng gặp khó khăn, càng lắm lối mòn cần thoát ra. Hay “chiến tranh” và “tình dục” cũng là những đề tài được đào xới không ngừng trong lịch sử văn chương, vì thế mà nếu không tìm được cách viết khác thì tôi nghĩ tốt nhất là nên gác lại.
Cuốn tiểu thuyết dần hình thành ra sao thưa chị? Vẫn là thói quen của những đêm tối và hoàn toàn rỗng rang trong trí não, tâm trạng của chị khi viết?
- Tôi cố đẩy mọi thứ đến tận cùng. Thư viết cho Mina ngần ấy có vẻ còn chưa đủ, bản thảo lại chứa thêm hàng chục bức thư của một nhân vật có tên Pema viết cho người tình đang làm phóng viên tại chiến trường Afghanistan. Tất cả đều là thư không được gửi, xếp xen kẽ nhau: thư cho Mina chủ yếu về cuộc sống Pháp còn thư của Pema thì phản ánh hiện thực trong nước. Giữa những bức thư ấy là những bài báo có thật mà tôi dịch ra từ tiếng Pháp (một kỹ thuật từng được sử dụng trong tiểu thuyết Paris 11 tháng 8) xoay quanh nội chiến và hậu chiến Afghanistan. Ý đồ của tôi là đặt Việt Nam vào bản đồ thế giới: một đất nước gần một trăm triệu dân không thể là một “thiểu số” và giống như bất cứ ai có mặt trên hành tinh này, mỗi người Việt là một cá nhân với tất cả phức tạp của kiếp nhân sinh. Tôi tin rằng dù có ở thời điểm nào thì cũng không thể đóng khung phụ nữ Việt trong mấy từ “dễ bảo”, “vị tha”, “duyên dáng”, và đàn ông Việt trong mấy từ “gia trưởng”, “kiên cường”, “chuyên cần”… Đó là những cliché bắt nguồn từ các đầu óc phương Tây hẹp hòi, nhưng đáng tiếc, cho tới bây giờ ta vẫn thấy , không ít văn nghệ sĩ người Việt áp dụng như một cách câu khách.
Làm thế nào để chị duy trì được nhịp viết trong ba năm?
- Tôi lên lịch làm việc và cố không sai hẹn với chính tôi. Cũng có thể vì thế mà một số người cho rằng tôi “lạnh lùng” và “lý trí”. Nhưng theo tôi, nghề viết là vậy, không lạnh lùng, lý trí không xong, độc giả có chê hay khen thì cũng phải bình tĩnh mà nghĩ đến tác phẩm tiếp theo.
Viết tiểu thuyết, với chị có như sự thử thách kiên nhẫn với chính mình?
- Vâng, tiểu thuyết là một cuộc đấu trí của tác giả với bản thân. Bù lại, nó cũng mang lại một khoái cảm vô song. Người ngoài có thể gọi đó là tự sướng. Tôi nghĩ từ này cũng có phần chính xác, bởi vì nhà văn trước tiên là viết cho mình, tìm hiểu vì mình, đối thoại với mình, hay nói như Trần Dần là “nhảy qua bóng mình”.
Với “Thư gửi Mina”, tôi thấy, văn phong của chị có sự thay đổi, một sự đằm thắm với những câu văn dài cảm xúc, sự lý tính khô khan trước đây nhường lại những chảy tràn mơ hồ của ký ức đang được ghép dần lại?
- Có một chênh nhau rất lớn giữa các thời gian: thời gian ảo mà nhân vật chính ghi ở đầu những bức thư tổng cộng là hai tuần và thời gian thật mà tôi đã bỏ ra để viết xong bản thảo là hai năm. Suốt hai năm đó, lúc nào tôi cũng phải vào vai một phụ nữ nhiều nỗi niềm đến độ không thể không viết thư chia sẻ. Cần lưu ý rằng vì cô ấy chia sẻ, ngay cả những chuyện thầm kín, với một người duy nhất là Mina, nên dần dần mối quan hệ của họ sẽ trở nên đặc biệt thân thiết. Có lẽ do đó mà xuất hiện những câu văn dài, chảy theo dòng cảm xúc tự nhiên, như nhân vật chính thổ lộ với Mina ở bức thư cuối cùng: “…mày hiện diện trong từng suy nghĩ của tao suốt hai tuần của mùa thu năm ngoái, và một trăm nghìn từ ấy là tao viết cho mày, để mày đọc. Tao đã ghi chép không ngừng, ngày lẫn đêm, hầu như tất cả những gì tao chứng kiến ngoài đời và nảy ra trong đầu: mày hẳn dễ dàng nhận thấy các nhân vật vẫn còn ở trạng thái nguyên sơ, chưa được chỉnh sửa, bơi như nòng nọc giữa hiện thực và tưởng tượng, giữa phân tích và dự đoán thường xuyên trái chiều của tao, giữa những câu chuyện dang dở, những lời kể không đầu không đuôi của những người mà tao chỉ vừa quen, giữa những “sự thật” nằm ngoài khả năng kiểm chứng của bất kỳ ai”.
Trong quá trình viết, chị làm thế nào để cân bằng giữa quá khứ hiển hiện trên trang giấy và đời sống thực tại?
- Hình như tôi không cần tìm cách cân bằng cho lắm. Cho tới bây giờ thì cơ thể tôi đã khá quen với việc cùng một lúc phải sống giữa nhiều chiều thời gian khác nhau. Nhưng như bạn biết đấy, chính trạng thái không cân bằng đôi khi lại kích thích người ta cầm bút. Quá khứ bỗng dưng quay về ngộp thở, ví dụ vậy, và bạn không còn giải pháp nào ngoài ngồi vào bàn đối thoại với nó, một cách khách quan và sòng phẳng nhất có thể, với hy vọng nó ngưng hành hạ bạn, tha thứ cho bạn, và trong một vài trường hợp, có thể góp phần vào việc làm rõ hiện tại của bạn.
Cảm ơn chị rất nhiều...