Tinh hoa Việt

Nhà văn Thuận: Việc sống còn của nhà văn là viết

NGUYỄN QUỲNH TRANG (thực hiện) 03/12/2023 18:56

Tác phẩm “Chinatown” của nhà văn Thuận được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh bởi dịch giả Nguyễn An Lý vừa đạt Giải thưởng Dịch thuật Quốc gia Mỹ 2023 (NTA).

Dịp này, Tinh hoa Việt trò chuyện với nhà văn Thuận về quá trình xuất bản cuốn sách, về giải thưởng, cũng như việc chuyển ngữ các tác phẩm văn chương Việt Nam giới thiệu tại nước ngoài.

PV: Khi nghe tin về giải thưởng dịch thuật này, chị có suy nghĩ gì?

nha-van-thuan.jpg
Nhà văn Thuận.

Nhà văn THUẬN: Đây là giải thưởng cho tác phẩm và dịch giả tiếng Anh. Là tác giả, tôi chia vui với dịch giả Nguyễn An Lý và mừng cho “Chinatown”. Tuy nhiên, như mọi giải thưởng, nó cũng là sự vui mừng thoáng qua. Chỉ công việc sáng tác mới đem lại cho tôi hạnh phúc bền vững.

Là giải về dịch thuật, nhưng Ban tổ chức đã dành nhiều lời ca ngợi cho tác phẩm của chị, chị có thể chia sẻ cảm nhận khi đọc những đánh giá đó?

- Tôi thấy họ hiểu tương đối chính xác những gì tôi viết.

Quá trình làm việc với nhà xuất bản để có bản dịch này diễn ra như thế nào?

- Cách đây 4 năm, công ty đại diện của tôi ở Pháp đã ký hợp đồng với Tilted Axis (Anh) và tiếp theo là New Directions (Mỹ) để xuất bản “Chinatown” bằng tiếng Anh. Sau đó, tôi được biết Nguyễn An Lý sẽ là dịch giả. Chúng tôi chưa có dịp gặp nhau mà chỉ trao đổi qua email.

Khi “Chinatown” nhận được giải thưởng về dịch thuật này, sách sẽ được công chúng chú ý nhiều hơn, tại Mỹ?

- Tôi không rõ lắm. Thị trường sách ở Mỹ cạnh tranh dữ dội. Tôi biết tác phẩm của mình thường được xếp vào loại khó đọc, khó bán.

Nhưng “Chinatown” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản nhiều nước trên thế giới, thưa chị?

- Tôi đã viết “Chinatown” cách đây gần 20 năm. Đầu năm 2005, nó đã đến tay độc giả Việt Nam thông qua sự liên kết giữa Nhà xuất bản Đà Nẵng và Công ty sách Tri Thức.

Năm 2008, bản dịch “Chinatown” của Đoàn Cầm Thi đã xuất bản ở Seuil, một trong những nhà xuất bản hàng đầu của Pháp. Sau đó một năm, nó được dịch sang tiếng Hebrew và xuất bản ở Israel. Trước khi bản dịch tiếng Anh đến tay độc giả Anh và Mỹ, "Chinatown" đã được dịch sang tiếng Nga, tiếng Ý và đang đợi ngày xuất bản. Nó cũng có thể được xuất bản ở Đức và Ba Lan nếu họ tìm được dịch giả.

festival-ecumes-des-mots.jpeg
Nhà văn Thuận trong buổi ký tặng cho độc giả tại Pháp.

Mỗi khi cuốn sách được chuyển sang một ngôn ngữ khác, chị có nghĩ về việc sẽ khó giữ được phong thái, nhịp điệu, những ẩn ý làm nên đặc trưng phong cách văn chương riêng biệt của chị không?

- Là một dịch giả tôi biết cái giá phải trả khi tác phẩm được chuyển sang một ngôn ngữ mới. Cái giá đó còn đắt hơn nữa bởi sự khác nhau quá lớn giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ châu Âu. Người Pháp nói “Dịch là phản bội” có lẽ cũng không phóng đại lắm.

Khi viết, tôi đặc biệt chú ý đến nhạc điệu của câu. Có thể nói, tôi cân đo, đong đếm từng âm một, sẵn sàng bỏ đi hay thêm vào một hay nhiều từ, thậm chí chấp nhận thay đổi ý nghĩa của cả câu, để có được nhạc điệu như mình muốn.

Nhạc điệu, với tôi, chính là hơi thở của người viết. Nó tiết lộ sức viết của tôi thế nào, ý tưởng của tôi có mạnh mẽ và cảm hứng của tôi có dồi dào. Một nhạc điệu nhanh, dồn dập, với những câu ngắn và hạn chế giới từ, đó là lựa chọn của tôi.

Các tiểu thuyết của tôi nhìn chung là ngắn, ít chi tiết, ít kể lể, ít ẩn dụ, và không ngại lặp từ. Thủ pháp lặp lại được áp dụng không chỉ với một từ, một câu mà có thể một đoạn, nên câu chuyện mà nó chuyên chở thường gồm nhiều day dứt và ám ảnh, thông qua những tầng lớp khác nhau của dĩ vãng.

Chính tiếng Pháp đã giúp tôi thể hiện lại trong tiếng Việt sự phong phú và tinh tế của thời quá khứ: quá khứ gần, quá khứ xa, quá khứ hoàn thành, quá khứ tiếp diễn, quá khứ trong quá khứ. Ở đây, tôi thấy mình gần gũi với Marcel Proust.

Có lẽ chúng tôi đều “đi tìm thời gian đã mất”. Chỉ khác là ông ấy trải lòng trong những câu văn bất tận và trầm lắng như một dòng sông. Còn tôi, tôi muốn gửi tâm tư vào những con suối nhỏ, cuồn cuộn chảy, có khả năng cuốn phăng người đọc từ đầu đến cuối.

Là một nhà văn, đồng thời là một dịch giả chuyển ngữ nhiều tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt, chị có để ý trong quá trình dịch thuật này, và tác động ra sao để có được bản dịch tác phẩm của chị tốt nhất?

- Nếu có dịp, tôi luôn tìm cách giải thích cho họ ý đồ nghệ thuật của tôi. Về nội dung, nếu có khúc mắc, họ có thể tra từ điển hoặc tự tìm hiểu.

Theo chị, những điều khó thường thấy khi chuyển ngữ tác phẩm văn học Việt Nam sang ngôn ngữ khác là gì? Như giáo sư Đoàn Cầm Thi, chị gái của chị đặc biệt quan tâm việc giới thiệu văn học Việt Nam sang tiếng Pháp?

- Đoàn Cầm Thi giảng dạy tại Trường Đại học INALCO, ngoài ra còn phụ trách tủ sách Văn học Việt Nam đương đại của Nhà xuất bản Riveneuve nơi đã dịch sang tiếng Pháp và xuất bản khoảng 30 đầu sách của các tác giả Việt Nam.

Là người gần gũi với Thi, tôi hiểu những khó khăn của việc dịch. Tuy nhiên, đó chỉ là một công đoạn trong quá trình “nhập khẩu” văn chương Việt vào Pháp. Đau đầu nhất có lẽ là tìm ra nhà xuất bản chuyên nghiệp chịu chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào một nền văn học còn ít người biết đến. Chỉ người làm nghề mới thấu hiểu tính khắc nghiệt của môi trường sách tại Pháp. Bởi nếu mỗi năm có vài nghìn đầu sách được xuất bản thì cũng có vài nghìn tấn sách bị nghiền thành bột cho đỡ tốn chỗ.

Theo tôi, mức độ cạnh tranh không phải gấp mười mà có lẽ gấp cả trăm lần so với môi trường trong nước. Người Pháp viết nhiều và dịch cũng lắm, những tác phẩm lớn trên thế giới còn được dịch đi dịch lại qua nhiều thời kỳ.

Ví dụ, “Chiến tranh và hòa bình” có ít nhất chục bản dịch khác nhau, mỗi bản đều được chú giải và giới thiệu bởi một nhóm chuyên gia về Lev Tolstoi, mỗi nhóm lại có trường phái nghiên cứu và phê bình riêng.

Cách đây vài tháng, khi Milan Kundera qua đời, đài France Culture phát lại những chuyên đề về ông ấy, với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia từ khắp các trường đại học của nước Pháp và giới Pháp ngữ. Tôi ngồi nghe không cũng chóng cả mặt.

2(2).jpg
Bìa cuốn sách "Chinatown" của nhà văn Thuận.

Các dịch giả đã làm thế nào để chuyển ngữ tốt nhất tác phẩm Việt Nam ra tiếng Pháp mà vẫn giữ được văn phong của tác giả?

- Đầu tiên phải xem tác phẩm có văn phong không đã. Nếu văn phong đủ mạnh thì dịch giả sẽ cảm nhận được và tìm ra cách chuyển nó sang ngôn ngữ khác.

Các tiêu chí khi giáo sư Đoàn Cầm Thi chọn một tác phẩm Việt Nam để giới thiệu?

- Hiện đại, độc đáo. Nhưng có lẽ không phải bao giờ cũng có những lựa chọn chính xác.

Còn với tác phẩm của chị, khi chị xuất bản tại Pháp và nhiều nước khác?

- Mỗi khi sách ra, tôi đều có trách nhiệm tham gia vào việc phát hành và giới thiệu. Điều này đã được ghi vào hợp đồng giữa tác giả và nhà xuất bản. Gần đây nhất, sau khi “Le parc aux roseaux” (tạm dịch: Công viên những cây sậy) ra đời ở Pháp, trong vòng 3 tháng, người ta tổ chức cho tôi gần 30 buổi giao lưu với độc giả, hầu như tuần nào tôi cũng phải ngồi tàu cao tốc mấy lần, thường xuyên trong tình trạng thiếu ngủ.

Tuy thế, tôi cảm thấy hào hứng. Nước Pháp cho đến bây giờ vẫn giữ được một lượng độc giả khá lớn. Ngay cả ở những nơi xa xôi, ta vẫn bất ngờ gặp những người Pháp say mê văn chương và có thẩm mỹ đọc. Với họ, tôi luôn cảm thấy một mối thâm tình giữa người viết và người đọc. Có lẽ họ tò mò muốn biết một nhà văn gốc Việt ăn nói, suy nghĩ, trình độ, quan điểm như thế nào.

Ngoài ra, tôi cũng có vài chuyến sang Anh để gặp gỡ độc giả của “Chinatown” bản tiếng Anh, kỷ niệm chưa nhiều, nhưng tôi cảm nhận đó là những người đọc rất trang nhã.

Là một nhà văn Việt Nam sống tại Pháp nhiều năm, nhưng chị vẫn luôn duy trì viết văn chương bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, và khi xuất bản, chị thường chọn nhà xuất bản trong nước cho bản in đầu tiên, và khi ra mắt sách, chị luôn thu xếp về Việt Nam?

- Tôi may mắn có những dịch giả xuất sắc. Đoàn Cầm Thi đã dịch “Chinatown” và “T mất tích”. Janine Gillon đã cùng tôi dịch “Thang máy Sài Gòn”. Sau đó, cho đến “Sậy”, tiểu thuyết thứ 9, tôi vẫn viết bằng tiếng Việt và góp phần biên tập bản dịch tiếng Pháp của dịch giả Yves Bouillé.

Nhưng tiểu thuyết thứ 10, “B-52” (hoặc “Hanoi Christmast”), sẽ đánh dấu chặng đường mới nơi tôi. Từ nay mỗi tác phẩm của tôi sẽ có hai bản, tiếng Pháp và tiếng Việt, cả hai đều do chính tay tôi viết. Sau ngần ấy năm, sáng tác bằng tiếng Pháp đến với tôi như một nhu cầu tự nhiên, không thể khác được. Tôi hăm hở viết như một tác giả trẻ mới vào nghề. Trước mắt tôi mở ra những chân trời mới.

Tiểu thuyết của chị, cũng vẫn luôn dành đề tài về Việt Nam?

- Trong những gì tôi viết, thường xuyên hiện diện người Việt Nam và đất nước Việt Nam. Nhưng mối quan tâm của tôi không dừng ở đó. Di dân có lẽ là đề tài nổi trội trong sáng tác của tôi. Các câu chuyện tha hương, dịch chuyển địa lý và thay đổi môi trường văn hóa… luôn làm tôi xúc động và tò mò.

Bản thân đã rời Việt Nam từ năm 18 tuổi, tôi vẫn không ngừng ngạc nhiên và tự hỏi lý do gì dã khiến ai đó phải bỏ lại sau lưng gia đình, bạn bè và nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cá nhân tôi không gặp trở ngại trong hội nhập, nhưng tôi biết nhiều người nước ngoài cảm thấy bất ổn, thậm chí bất hạnh, khi phải sống bên ngoài quê hương, họ tự coi mình như những cái cây bị bứng khỏi rễ.

Các nhân vật của tôi đến từ tứ xứ, có nguồn gốc khác nhau, với những ưu tư, nhu cầu, tri thức, niềm tin và số phận khác nhau. Chính sự khác biệt đó đã giúp thế giới này trở nên vô cùng phức tạp. Văn chương, với tôi, nếu có nhiệm vụ nào thì đó là khiến độc giả hiểu rằng bản chất cuộc sống là khó hiểu, nó yêu cầu sự nhanh nhậy từ mọi giác quan của chúng ta. “Tôi tư duy nên tôi tồn tại” - câu nói của Decartes có lẽ không bao giờ lỗi thời.

Theo chị, lấy cốt cách là văn hóa Việt, tính cách người Việt, với văn phong hiện đại tự do khoáng đạt đầy biểu cảm, là cách để tác phẩm của chị được công chúng trong nước và nước ngoài đón nhận?

- Nói cho cùng, mỗi người là sản phẩm của chính mình. Việc sống còn của nhà văn vẫn là viết.

Với những gì chị đã và đang làm, có thể thấy, chị đóng góp nhiều cho văn học Việt Nam, không chỉ với vị trí là một nhà văn?

- Tôi tự thấy chưa làm gì được cho quê hương. Cùng lắm là giúp độc giả nước ngoài biết đến Việt Nam qua một cái nhìn khác, không đơn thuần là chiến tranh, nghèo đói, vịnh Hạ Long hay nem, phở, bún bò, cùng những định kiến mà cho đến giờ vẫn in sâu trong tâm thức họ.

Chị mong muốn gì cho tác phẩm của mình nói riêng, cũng như tác phẩm văn chương Việt Nam khác khi đến với độc giả khắp thế giới?

- Tôi muốn mọi thứ được nhìn nhận một cách đúng đắn.

Chị có thể chia sẻ dự định về văn chương?

- Những ngày này tôi đang hào hứng viết lại bằng tiếng Pháp tiểu thuyết “B-52” mà tôi viết xong bằng tiếng Việt cách đây hơn một năm.

Dự định viết riêng một bản Pháp văn bên cạnh một bản Việt văn, tôi đã từng bắt đầu với “Le parc aux roseaux” nhưng không đi đến kết quả cuối cùng. Viết chứ không phải dịch, vì tôi chỉ mượn các ý tưởng ban đầu rồi để mặc ngôn ngữ mới dẫn dắt theo con đường riêng của nó.

Thật kỳ lạ, lần viết này không gây cho tôi áp lực như đã tưởng, ít hơn hẳn những lần tôi viết bằng tiếng mẹ đẻ. Có lẽ vì trong tiếng Việt tôi luôn phải đau đầu tìm cách tự làm mới và độc đáo nhất có thể, chứ trong tiếng Pháp tôi đương nhiên một mình một kiểu. Sự khác người đó là món quà trời cho và tôi chẳng dại gì mà không tận hưởng. Từ trước đến nay tôi vẫn mơ viết như một trò chơi, thì cơ hội là đây. Nói đùa vậy thôi chứ tôi ý thức được rằng đây là một thử thách lớn.

Cách làm việc của tôi thế này, đọc từng đoạn từ bản thảo tiếng Việt, rồi thoải mái hình dung nó sang tiếng Pháp, cấu trúc của nó thế nào, nhịp điệu của nó ra sao. Trong quá trình đó, nhiều chi tiết sẽ bị gạt sang một bên và được thay thế bởi những chi tiết khác hay bị bỏ đi hoàn toàn. Bố cục câu cũng thay đổi. Ba, bốn câu ngắn có thể hợp thành một câu dài, và ngược lại. Hoặc đôi khi bất ngờ xuất hiện một câu ở thể nghi vấn.

Tôi thường bị hấp dẫn bởi những thứ không tồn tại trong ngữ pháp tiếng Việt như thời và thể của động từ, hay cách đảo chủ ngữ - vị ngữ. Nhưng có lẽ điều tôi thích nhất là khả năng tổng hợp và logic của tiếng Pháp, nó chính là phương tiện giúp tôi nhận ra và lược bỏ những gì không cần thiết, những lặp lại vô tình.

Nó cũng khiến các câu văn của tôi trở nên ngắn gọn, gợi mở và đa nghĩa hơn. Mỗi khi viết xong một câu, tôi thường đọc lên thành tiếng, điều mà trước đây tôi chẳng bao giờ làm. Tôi phát hiện hành động này hóa ra rất thú vị vì như thế, tôi được vào vai các nhân vật người Pháp một cách trọn vẹn.

Vì là viết lại chứ không phải dịch, tôi tự cho mình quyền thay đổi nguyên bản, không câu nệ bất cứ điều gì. Đó là một việc làm mạo hiểm và tôi hồi hộp đợi kết quả cuối cùng mà tôi ngờ rằng đó sẽ lại là một nguyên bản nữa, bởi ngay từ đầu nó đã tự ý đánh mất chữ “tín” của một bản dịch. Tôi phải làm việc miệt mài ít ra là 3 tháng để thực hiện dự án này. Sau hơn 20 năm sáng tác, bất kỳ tác giả nào cũng cần cảm hứng và thử thách mới.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện !

Văn chương, với tôi, nếu có nhiệm vụ nào thì đó là khiến độc giả hiểu rằng bản chất cuộc sống là khó hiểu, nó yêu cầu sự nhanh nhạy từ mọi giác quan của chúng ta.

Thuận

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Thuận: Việc sống còn của nhà văn là viết