Những bông hồng quyền lực quốc gia

Thu Thủy 30/10/2019 16:44

Trong thời hiện đại, mối quan tâm của phái đẹp không chỉ giới hạn trong bốn bức tường nhà. Phụ nữ ở những quốc gia khác nhau đang quả cảm chấp nhận những trọng trách cả trong việc trị quốc và thậm chí còn trở thành những nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước. Những bông hồng quyền lực ở cấp độ nguyên thủ quốc gia biết cách kết hợp rất hài hòa nữ tính với những nỗ lực vô bờ bến trong hành trình vượt khó, tính hài hước tinh tế với thái độ nghiêm túc đối với cuộc sống, sự khả ái thơ mộng với cái nhìn thực tế đầy tỉnh táo… Thực sự, những phụ nữ là nguyên thủ quốc gia luôn rất xứng đáng để mọi người kính trọng một cách đặc biệt.

Những bông hồng quyền lực quốc gia

Bà Kersti Kaljulaid.

Kersti Kaljulaid (Estonia)

Kersti Kaljulaid nhậm chức Tổng thống Estonia, nước cộng hòa xinh đẹp bên bờ vịnh Baltik, từ ngày 10/10/2016. Bà sinh năm 1969 tại thành phố Tartu và là công dân của quốc gia này ngay từ khi mới sinh ra. Bà từng tốt nghiệp khoa Sinh học thuộc Đại học Tổng hợp Tartu năm 1992 và cũng đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về Quản trị hành chính tại đây năm 2001.

Bà từng là thành viên Quỹ Gien Estonia và thành viên Hội đồng Bảo trợ Đại học Tartun. Từ năm 2011, bà là người lãnh đạo Hội đồng Đại học Tartun. Trong những năm 1998—1999, Kaljulaid là người lãnh đạo dự án tại phòng đầu tư ngân hàng Hansapank Markets. Năm 1999, bà trở thành cố vấn về kinh tế cho Thủ tướng Estronia, Marta Laara.

Từ năm 2001 tới năm 2004, Kaljulaid là thành viên của đảng Liên minh Tổ quốc. Tháng 2/2002, bà được cử làm lãnh đạo phòng Thống kê điều hành tại Nhà máy Thủy điện Iru. Tới tháng 10 cùng năm, bà đã trở thành giám đốc nhà máy điện này.

Từ tháng 5/2004 tới tháng 9/2016, Kaljulaid làm đại diện cho Estronia tại Ủy ban Kiểm toán EU. Từ năm 2010 tới năm 2014, bà chịu trách nhiệm về phương pháp kiểm toán và báo cáo thường niên. Từ năm 2014, Kaljulaid lãnh đạo công tác kiểm toán trong nông nghiệp và tiến hành cải cách thể chế của cơ quan này.

Từ tháng 9/2016, Kaljulaid đã lãnh đạo hội đồng thúc đẩy phát triển được thành lập trong Riigikogu (cơ quan lập pháp và đại diện tối cao của Estonia, có quyền bầu ra Tổng thống và kiểm soát hoạt động của cơ quan hành pháp là chính phủ). Sau ba vòng bầu cử Tổng thống mà vẫn không tìm ra được người chiến thắng tại Riigikogu và hai vòng bỏ phiếu của các đại cử tri, quốc hội Estronia ngày 27/9/2016 đã đề cử Kaljulaid làm ứng cử viên duy nhất cho chức vụ Tổng thống nước cộng hòa. Ngày 3/10/2016, tại cuộc bầu cử Tổng thống trong Riigikogu, bà đã nhận được 81 trong số 101 phiếu bầu và trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Tổng thống Estonia.

Sau khi trở thành nguyên thủ quốc gia, Kaljulaid bày tỏ nguyện vọng vẫn được tiếp tục sống trong ngôi nhà của mình tại khi Nomme tại thủ đô Tallin và không chuyển vào dinh Tổng thống ở Kadriorg. Ngày 10-10-2016, Kaljulaid chính thức nhậm chức Tổng thống Estonia. Ngay sau khi nhậm chức, bà đã sang thăm chính thức Phần Lan và Latvia. Tới tháng 4-2019, bà đã sang thăm LB Nga…

Tháng 11/2017, Kaljulaid đã được xếp ở vị trí thứ 78 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh của tạp chí Mỹ Forbes.

Theo nhận xét của giới truyền thông, Kaljulaid là người luôn coi học hỏi là công việc của cả đời người và mơ ước để Estonia trở thành một trong những quốc gia giàu có và thịnh vượng nhất thế giới.

Nữ Tổng thống Estonia có một con gái cùng một con trai từ cuộc hôn nhân thứ nhất và hai con trai từ cuộc hôn nhân thứ hai.

Những bông hồng quyền lực quốc gia - 1

Bà Halimar Yacob.

Halimar Yacob (Singapore)

Halimar Yacob cũng là nữ Tổng thống đầu tiên của “quốc đảo Sư Tử”. Bà sinh ngày 23-8-1954, theo đạo Hồi. Bà từng là thành viên của Đảng Hành động Nhân dân (PAP)…

Yacob từng nghiên cứu về luật học tại Đại học Quốc gia Singapore và từng nhận được bằng cử nhân rồi thạc sĩ Luật ở đây. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình tại Tập hợp các công đoàn quốc gia rồi trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch quốc hội Singapore từ tháng 1/2013 tới tháng 8/2017. Bà là thành viên Quốc hội (MP) đại diện cho Đại diện Tập đoàn Jurong từ năm 2001 đến năm 2015 và Marsiling-Yew Tee Group đại diện cử tri giữa năm 2015 và năm 2017…

Ngày 7/8/2017, Yacob đã từ chức Chủ tịch và Nghị sĩ của mình trong PAP, để tham gia làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2017.

Theo Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ tháng 6/2017, những ứng viên Tổng thống đến từ khu vực tư nhân phải chứng minh được là đang điều hành một công ty với số cổ phần nắm giữ có giá trị tối thiểu là 500 triệu đôla Singapore (khoảng 368 triệu USD (năm 2017)). Do không đáp ứng được điều kiện này, hai ứng cử viên là doanh nhân Mohamed Salleh Marican và cựu Chủ tịch Bourbon Offshore Asia Pacific Farid Khan đều bị loại. Ngày 14/9/2017, Yacob được tuyên bố là Tổng thống thứ 8 của Singapore thông qua một cuộc bỏ phiếu, vì không có ứng viên tổng thống nào khác được cấp giấy chứng nhận đủ tư cách.

Không chỉ là một phụ nữ thành đạt trên chính trường, Yacob còn là người mẹ của năm người con.

Những bông hồng quyền lực quốc gia - 2

Bà Salome Zourabichvili.

Salome Zourabichvili (Gruzia)

Tháng 12/2018, Salome Zourabichvili đã trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Gruzia giữ chức Tổng thống và là vị nguyên thủ quốc gia thứ năm trong thời “hậu Xôviết”. Bà sinh ngày 18-3-1952 trong một gia đình tại Paris gốc Gruzia, di cư sang Pháp từ năm 1921. Ông nội của bà, Ivan Ivanovich Zourabichvili, từng là thành viên của chính phủ nước Gruzia độc lập năm 1918 và 1921. Niko Nikoladze, thân phụ của bà nội của bà, là người đã lập nên hải cảnh tại Poti và cũng là người đề xướng việc xây dựng hệ thống đường sắt ở Gruzia. Và hai nhân vật trên đều từng là bạn chiến dấu của nhà văn, nhà hoạt động xã hội Ilia Chavchavadze (1837-1907), “người cha của dân tộc Gruzia”.

Năm 1972, Zourabichvili đã tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Sciencé Po) và sau đó một năm, bà cũng đã tốt nghiệp một khóa học về chính trị học tại Đại học Columbia ở Mỹ. Ngoài tiếng Pháp và tiếng Gruzia, bà còn thông thạo tiếng Nga, Anh, Đức và Italia…

Từ năm 1974, Zourabichvili bắt đầu vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Pháp. Từ năm 1974 tới năm 1977, bà là Bí thư thứ ba Đại sứ quán Pháp tại Italia, từ năm 1977 tới năm 1980, - là Bí thư thứ hai trong phái bộ thường trực của Pháp tại Liên hợp quốc.

Từ năm 1980 tới năm 1984, Zourabichvili là chuyên viên trung tâm phân tích và dự báo tại cơ quan điều hành Bộ Ngoại giao Pháp. Từ năm 1984 tới năm 1988, bà là Bí thư thứ hai Đại sứ quán Pháp ở Mỹ.

Từ năm 1989 tới năm 1992, Zourabichvili là Bí thư thứ hai đại sứ quán Pháp tại Chad. Năm 1992, bà được cử làm Bí thư thứ nhất phái bộ thường trực của Pháp tại NATO. Năm 1993, Zourabichvili trở thành Phó đại diện thường trực của Pháp tại Hội đồng Châu Âu.

Từ năm 1996, Zourabichvili là cố vấn kỹ thuật của văn phòng Bộ Ngoại giao Pháp và từ năm 1997, bà là Thanh tra Bộ ngoại giao Pháp.

Từ năm 1998 tới năm 2001, Zourabichvili làm việc tại cơ quan chuyên trách các vấn đề chiến lược, an ninh và giải trừ quân bị của Bộ Ngoại giao Pháp. Năm 2001, bà được cử làm lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề quốc tế và chiến lược của Bộ Quốc phòng Pháp.

Tháng 3/2004, thủ lĩnh của cuộc “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia, Mikhail Saakashvili, ngay sau khi trở thành Tổng thống đã cử Zourabichvili làm Bộ trưởng Ngoại giao nước cộng hòa. Saakashvili đã tham khảo ý kiến của Tổng thống Pháp lúc đó là ông Jacques Chirac và tuyên bố rằng, cho tới thời điểm ấy, Gruzia “chưa từng bao giờ có một nhà ngoại giao đẳng cấp cao” như Zourabichvili! Bản thân Zourabichvili thì cũng thông báo với giới truyền thông rằng bà ngay lập tức đã đồng ý nhận cương vị mới vì từ nhỏ đã mơ ước có ngày được đứng đầu cơ quan ngoại giao của Gruzia!..

Tháng 11/2010, Zourabichvili rời bỏ chính trường nhưng năm 2018 đã quay trở lại và giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Gruzia với tư cách ứng cử viên không đảng phái...

Những bông hồng quyền lực quốc gia - 3

Bà Zuzana Caputova.

Zuzana Caputova (Slovakia)

Cũng giống như Zourabichvili, Zuzana Caputova là người phụ nữ đầu tiên được giữ chức Tổng thống ở Slovakia sau khi Tiệp Khắc tan rã. Bà sinh ngày 21/6/1973.

Năm 1996, Caputova tốt nghiệp khoa Luật tại trường Đại học tổng hợp Komensheho ở Bratislave. Bà từng là Phó Thị trưởng thành Pezinok ở miền tây nam Slovakia và trong nhiều năm đã làm việc trong liên minh dân sự VIA IURIS.

Năm 2016, Caputova được nhận giải thưởng về môi trường Goldman. Bà là một trong những người sáng lập đồng thời cũng là Phó chủ tịch đảng Slovakia tiến bộ theo khuynh hướng xã hội tự do.

Bà li dị chồng, có hai con gái.

Năm 2019, Caputova đã giành được chiến thắng trong vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Slovakia với 58,4 % số phiếu bầu. Đánh giá về sự kiện này, nhà báo Nga A. Kelesnikov nhận xét rằng, “nói một cách ngắn gọn nhất, hiện tượng Caputova , đó là câu trả lời cho ước muốn được thay đổi và lẽ công bằng, nhu cầu có một gương mặt mới trong chính trị, tới không phải từ trên xuống cũng không phải từ dưới lên mà từ nơi có những minh chứng của sự bảo vệ lẽ công bằng đó”. Đa phần các công dân Slovakia tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Caputova, đất nước này sẽ trở thành một vùng đất thịnh vượng và phát triển.

Những bông hồng quyền lực quốc gia - 4

Bà Kolinda Grabar-Kitarovich.

Kolinda Grabar-Kitarovich (Croatia)

Kolinda Grabar-Kitarovich sinh ngày 29/4/1968 tại Rijeka, cảng biển chính và cũng là thành phố lớn thứ ba tại Croatia, sau Zagreb và Split. Bà lớn lên ở vùng ngoại ô, nơi gia đình có một cửa hiệu nhỏ. Năm học lớp cuối cấp trung học, Kolinda đã giành được học bổng sang Mỹ du học và sống chung với một gia đình người địa phương. Nữ Tổng thống tương lai tốt nghiệp trung học tại Los Alamos, bang New Mexico. Sau đó, bà trở về tổ quốc và theo học tại khoa Nhân văn và khoa Khoa học xã hội. Đại học Zagreb. Năm 1992, Grabar-Kitarovich tốt nghiệp cử nhân Nghệ thuật và Văn học bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Từ năm 1995 đến năm 1996, Grabar-Kitarovich đã tham dự các khóa học tại Học viện Ngoại giao Vienna. Năm 2000, bà lấy bằng thạc sĩ về quan hệ quốc tế từ khoa Khoa học chính trị tại Đại học Zagreb.

Bà cũng là người nhận được học bổng trong chương trình đào tạo Fulbright tại Đại học George Washington. Trong hai năm 2002-2003, Grabar-Kitarovich đã tham gia giảng dạy tại Đại học George Washington. Bà cũng nhận được học bổng của chính phủ tại Trường Kennedy và Đại học Harvard. Bà là một học giả thỉnh giảng tại nhiều trường đại học, nghiên cứu Quốc tế như tại Đại học Johns Hopkins…

Năm 1992, Grabar-Kitarovich trở thành cố vấn cho các bộ phận hợp tác quốc tế của Bộ Khoa học và Công nghệ Croatia. Năm 1993, bà chuyển sang làm việc tại Bộ Ngoại giao với vai trò cố vấn.

Năm 1995, Grabar-Kitarovich đã trở thành người đứng đầu các bộ phận Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao và giữ vị trí đó cho đến năm 1997. Từ năm 1997, Grabar-Kitarovich bắt đầu làm việc tại Đại sứ quán Croatia ở Canada. Đến tháng 10/1998 bà trở thành ủy viên hội đồng của Bộ Ngoại giao và đảm nhận chức vụ này cho đến năm 2003.

Tháng 11/2003, Grabar-Kitarovich được bầu vào quốc hội Croatia từ các khu vực bầu cử thứ 7, bà cũng là một thành viên của Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ). Trong nội các chính phủ được thành lập vào tháng 12 năm 2003, bà đã giữ vai trò là Bộ trưởng hội nhập châu Âu và bắt đầu thực hiện các cuộc đàm phán trong năm 2004 để Croatia gia nhập EU.

Tháng 2 năm 2005, Grabar-Kitarovich được đề cử để trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Croatia. Bà đã được quốc hội đồng ý và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 17/2/2005. Nhiệm vụ chính của bà để hướng dẫn Croatia vào Liên minh châu Âu và NATO. Và bà đã thành công trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao cho đến tháng 11-2007…

Grabar-Kitarovich đắc cử tổng thống Croatia đầu năm 2015. Đầu tháng 9-2019 trên các phương tiện truyền thông ở Croatiaddwa tin về việc bà quyết định sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống dự định sẽ được tổ chức trước cuối năm nay. Bà tuyên bố rằng bà đã tranh thủ được sự ủng hộ của đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ Croatia. Đối thủ của bà là cựu Thủ tướng theo xu hướng cánh tả Zoran Milanovich và ca sĩ nổi tiếng Miroslav Skoro…

Grabar-Kitarovich nói thành thạo tiếng Croatia, Anh, Tây Ban nha và Bồ Đào Nha. Bà có thể giao tiếp được bằng tiếng Đức, Pháp và Italia…

Những bông hồng quyền lực quốc gia - 5

Bà Bidhya Devi Bhandari.

Bidhya Devi Bhandari (Nepal)

Bidhya Devi Bhandari sinh ngày 19/6/1961. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được giữ chức nguyên thủ quốc gia ở Nepal, nhậm chức từ ngày 29/10/2015. Trước đó, bà từng là Bộ trưởng quốc phòng Nepal.

Bhandari đã tốt nghiệp được trường phổ thông ở thời điểm mà các cô bé cùng tuổi không được khuyến khích đi học. Ngay từ trẻ, nữ Tổng thống tương lai đã đam mê hoạt động chính trị và tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại chế độ quân chủ. Năm 2006, sau khi chế độ quân chủ bị xóa bỏ ở Nepal, Bhandari đã được bầu vào quốc hội. Cũng trong năm đó, quốc hội Nepal đã thông qua dự luật mà nghị sĩ Bhandari khởi xướng, cho phép phụ nữ có thể giữ tới 33% số ghế trong quốc hội, cũng như có quyền thừa kế gia sản của cha mẹ mình…

Những bông hồng quyền lực quốc gia - 6

Sahle -Work Zewde (Ethiopia)

Bà sinh 21/2/1950 và cũng là người phụ nữ đầu tiên ở Ethiopia được giữ chức Tổng thống (từ tháng 10/2018).

Trong nhiều năm liền, Sahle -Work Zewde làm công tác ngoại giao. Bà từng là đại sứ Ethiopia ở một số quốc gia, từng tích cực làm việc cho Liên hợp quốc. Bà từng là đại diện của LHQ tại Liên minh châu Phi, tổng giám đốc LHQ ở Nairobi.

Những bông hồng quyền lực quốc gia - 7

Bà Paula-Mae Weekes.

Paula-Mae Weekes (Trinidad & Tobago)

Paula-Mae Weekes không chỉ là người phụ nữ đầu tiên làm Tổng thống ở tổ quốc mình mà đã được bầu vào vị trí này khi là ứng cử viên duy nhất trong ngày toàn dân bỏ phiếu. Bà nhậm chức Tổng thống ngày 19/3/2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bông hồng quyền lực quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO