“Khi viết, mình có thể tạo ra thế giới của riêng mình”, Cao Việt Quỳnh, cậu bé đang thu hút sự chú ý của cộng đồng fantasy với “Người Sao Chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới”, tập đầu vừa ra mắt của bộ truyện dự kiến dài 3 tập, bộc bạch như vậy về niềm đam mê viết lách. Sự nghiêm túc vượt quá tuổi 12 ấy khiến người ta không khỏi tò mò: Có gì trong vũ trụ fantasy của tác giả đang được gọi là “Tiểu thuyết gia nhỏ tuổi nhất Việt Nam”?
So với các tác phẩm fantasy đã xuất bản và cả fanfic do các tác giả Việt viết thì “Người Sao Chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới” của Cao Việt Quỳnh mang tới cảm giác về một… cơn gió lạ. Đang chuẩn bị “lạc” trong “ma trận” dày đặc nút thắt, sơ đồ nhân vật phức tạp, những dòng thời gian đan xen chóng mặt…, hay đắm chìm trong không khí kỳ ảo, liêu trai, hoặc u ám thường thấy thì bạn lại bước vào cuộc phiêu lưu kỳ thú cùng Thành, cậu học sinh lớp 6 hoàn toàn bình thường, bỗng một ngày bị nhiễm chất lạ và trở thành Người Sao Chổi.
Rất nhiều chuyện vừa gay cấn, vừa hài hước liên tiếp xảy đến trong quá trình Thành làm quen với siêu năng lực bất ngờ rơi trúng mình, hay khám phá hàng loạt bí ẩn về thị trấn tàng hình, binh đoàn robot sát thủ chuyên bắt cóc người Trái đất, âm mưu tiêu diệt mọi giống loài của người ngoài hành tinh... Từ một cậu bé vô tư, mê khoa học, Thành dần “lớn lên” trên hành trình xuyên châu lục, thực hiện sứ mệnh giải cứu thế giới loài người và cả thế giới của các vị thần, vượt qua rất nhiều cuộc chiến “long trời lở đất” với quái vật khổng lồ gớm ghiếc, với đội quân robot nham hiểm được cài đặt sức mạnh hủy diệt... Khi giải cứu thành công người dân thị trấn Rừng Sác và các vị thần Ai Cập cổ đại cũng là lúc Thành nhận ra, sứ mệnh của siêu nhân không phải là vô địch thiên hạ mà là bảo vệ chính nghĩa, giữ gìn hòa bình giữa các thế giới.
Câu chuyện phiêu lưu của cậu bé bắt đầu những trang tiểu thuyết đầu tiên khi mới chín tuổi đem đến cho người đọc không ít cảm xúc từ lo âu đến hồi hộp, háo hức và khép lại trang cuối thì lâng lâng phấn khích, bởi “phe ta” - tức chính nghĩa đã thắng. Một cảm giác sảng khoái khác lạ nếu bạn quen với không khí kỳ ảo luôn đậm đặc trong các tác phẩm fantasy đã xuất bản và cả fanfic. Đó là vì Cao Việt Quỳnh không vẽ nên thế giới giả tưởng của mình bằng fantasy thuần túy, mà kết hợp fantasy (kỳ ảo) với sci-fi (khoa học viễn tưởng). Cũng có thể cây viết “nhí” không chủ ý lựa chọn thể loại kép vốn kén người viết này, mà hướng đến fantasy/sci-fi một cách tự nhiên theo bản năng, vì như Quỳnh chia sẻ, nhân vật chính - cậu bé Thành mê khoa học, được xây dựng dựa trên tính cách và sở thích ngoài đời của chính mình. Dù là cố ý hay bản năng thì hướng đi ấy đã cho thấy hiệu quả. Nó tạo nên nét độc đáo riêng cho thế giới giả tưởng của Quỳnh, và đem đến một cảm nhận tươi mới cho độc giả. So với các tác phẩm thuần fantasy, “Người Sao Chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới” phong phú màu sắc hơn, và so với với các sáng tác thuần sci-fi thì bay bổng hơn.
Phải khen cây viết 12 tuổi bởi không phải tác giả fantasy nào cũng liều lĩnh thử sức với sci-fi. Ngay cả khi có kiến thức khoa học, nếu pha trộn không khéo, phép cộng giữa fantasy và sci-fi sẽ rất… lổn nhổn. Chỉ tính riêng việc đưa sci-fi vào thôi đã là bài toán khó. Trong thực tế, đã có một vài cây viết tên tuổi “gặp họa” vì tính sai liều lượng sci-fi, quá nhiều thì bị độc giả chê là “hại não”, “khoe” kiến thức, còn quá ít lại gợi cảm giác “chưa tới”. Nhưng trong “Người sao chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới”, cả fantasy và sci-fi đều “vừa đủ” một cách dễ chịu, một phần nhờ bút lực của Quỳnh đủ sức “tải” cả hai thể loại này. Dù hoàn thành tiểu thuyết này khi mới học lớp 5, nhưng Cao Việt Quỳnh không những có trí tưởng tượng “đạt cấp độ 100” như chính nhân vật Thành mà còn có khả năng “thổi hồn” vào câu chữ. Những trận chiến và từng nhân vật trong “Người sao chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới” đều được Cao Việt Quỳnh khắc họa sinh động, chi tiết, giàu hình ảnh, và đặc biệt, rất hài hước, chẳng hạn:
“Một ngọn lửa bùng lên ngay chỗ viên đá rơi xuống. Ngọn lửa tách làm đôi, bên trong là một anh chàng khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, mặc áo khoác đỏ. Anh chàng này có vẻ không quan tâm là mình đang ở trong một ngọn lửa nóng hơn cả sa mạc Sahara… Trên đầu anh là một mái tóc lửa với các sợi tóc bồng bềnh trong không khí”.
“Người Tạo Trường Lực, dọn dẹp! Thành chưa kịp hiểu ý nghĩa của câu nói đó thì một người đàn ông đã giơ tay phải lên và bắn một luồng năng lượng màu xanh lá lên trời. Tia năng lượng vừa lên cao ngang bằng một ngôi nhà thì lập tức bung ra như một cây dù và biến thành một trường lực. Trường lực cứ nở rộng ra, quét qua mọi thứ. Đối với người dân thị trấn và những ngôi nhà, trường lực chỉ nhẹ nhàng quét qua. Còn mấy tên lính thì không được may mắn như thế. Trường lực chẳng thèm xuyên qua chúng, thay vào đó, đẩy bọn lính ra ngày càng xa cùng với sự giãn nở”.
Đó là cách Quỳnh miêu tả về Người Tóc lửa và Người Trường lực, trong những cư dân siêu năng lực của thị trấn tàng hình Rừng Sác.
Xuyên suốt câu chuyện, có rất nhiều hình ảnh gợi nhớ tới Người sắt, Người dơi…, những siêu anh hùng của vũ trụ Marvel, DC…, hay những phép biến hình kỳ ảo thấp thoáng màu sắc Harry Potter, như chính Quỳnh chia sẻ, cậu bé cực kỳ thần tượng J. K. Rowling và mê mẩn bộ truyện fantasy huyền thoại Harry Potter. Tuy cảm hứng viết của Quỳnh được “kích hoạt” nhờ những tác phẩm văn học fantasy và các bộ phim siêu anh hùng, nhưng thế giới giả tưởng pha trộn giữa fantasy và sci-fi mang tên “Người Sao Chổi” thực sự là sản phẩm của riêng Quỳnh. Cách em dùng tới hai điểm nhìn để dẫn dắt người đọc, giúp câu chuyện thêm sinh động, cũng là sản phẩm “made by Cao Việt Quỳnh”. Một là điểm nhìn của nhân vật Thành, cậu bé 12 tuổi vô tư hồn nhiên, có chút hậu đậu và tràn đầy năng lượng tích cực. Hai là điểm nhìn của tác giả, cậu bé 12 tuổi mê văn chương và khoa học trong hai vai trò người quan sát và người kể chuyện, dí dủm và sắc sảo hơn một chút so với nhân vật chính, thi thoảng “tung ra” vài lời nhận xét bằng giọng điệu hài hước, kiểu như: “Các bạn biết không? Các thị trấn với đầy đủ tiện nghi ở trong rừng từng là mốt đấy! Đó là một phần trong phong trào công nghệ có ẩn ý “Với khoa học, rừng cũng thành một nơi tiện nghi”.
Hai điểm nhìn trong trẻo thay đổi luân phiên ấy không chỉ “đổi gió” cho độc giả, mà còn mang lại nét tươi tắn và bầu không khí sôi động, tràn đầy lạc quan cho cả câu chuyện. “Người Sao Chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới” thu hút ở nhiều khía cạnh, từ khả năng sử dụng từ ngữ đến kỹ năng phát triển tâm lý nhân vật, cấu trúc chặt chẽ…, nhưng cái thu hút độc giả còn là giọng điệu tự nhiên và tinh thần “nhí” lan tỏa theo từng câu, chữ. Dễ dàng nhận thấy Quỳnh viết với tâm trạng thoải mái và sự thích thú không hề nhỏ, cũng như dù viết về nhân vật 12 tuổi, lại bám sát “điểm nhìn” của một cậu bé 9 đến 11 tuổi. Có lẽ nhờ thế, ngòi bút của em mới tràn đầy hứng khởi, vừa chân thực vừa bay bổng như vậy, đó là sự hấp dẫn tự nhiên mà không một kỹ năng viết lách nào tạo nên được.
“Khi mình viết, mình có thể tạo ra thế giới của riêng mình. Mình có thể tưởng tượng, dẫn dắt nhân vật, mình sẽ điều khiển được tất cả mọi thứ trong câu chuyện đấy”. Có lẽ, không ít tác giả trưởng thành sẽ giật mình trước giấc mơ không hề nhỏ bé của cây viết mới 12 tuổi Cao Việt Quỳnh: Tạo nên một vũ trụ fantasy của riêng mình.
Nhìn vào cách Quỳnh say mê, kiên trì xây dựng bộ truyện dự kiến dài tới 3 tập “Người Sao Chổi”, cũng như đã triển khai ý tưởng cho 7 cuốn tiểu thuyết khác, được phát triển rộng ra từ các nhân vật gốc của “Người Sao Chổi”, có thể thấy, cậu bé không hề “nói suông”. Lúc này, khi tập đầu “Cuộc chiến vòng quanh thế giới” đến tay độc giả thì Quỳnh cũng đã hoàn thành xong tập 2 “Cuộc nổi dậy của robot” và đang miệt mài viết gần đến đoạn kết tập 3 “Cuộc tấn công của Người Sao Hỏa”. Ba tập với ba chủ đề, và rất có thể là ba màu sắc hoàn toàn khác nhau khiến độc giả hào hứng đón đợi các phần tiếp theo của “Người Sao Chổi”; đồng thời thở phào nhẹ nhõm: Chưa rõ 2 tập tới chất lượng ra sao, nhưng ít nhất Quỳnh cũng không lặp lại motif của tập 1. Trong fantasy, lặp lại về motif đồng nghĩa với tự “giết mình”. Dù biết rõ nguyên tắc ấy, nhưng không ít cây viết trưởng thành vẫn vấp phải lỗi này!
Một tên tuổi đã nói, để “đi đường dài” với fantasy, ngoài đam mê và khả năng chương, tác giả cần tạo ra một hệ sinh thái đủ mạnh mới có thể “rộng đường sáng tác”. Đó là lý do Việt Nam khan hiếm sáng tác fantasy và độc giả trong nước chỉ có cách “giải cơn khát” bằng những tác phẩm nước ngoài. Với ước mơ tạo dựng một vũ trụ giả tưởng của riêng mình, với cách xây dựng những nền tảng cho vũ trụ ấy như đã thấy ở “Người Sao Chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới”, có thể hy vọng, trong tương lai, Cao Việt Quỳnh sẽ tạo nên một vũ trụ fantasy cho văn đàn Việt Nam!