Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một số vấn đề lịch sử và hiện tại

19/09/2018 13:15

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam dù là du nhập từ bên ngoài vào hoặc hình thành ở trong nước đều có điểm chung là truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Đặc biệt, sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc là một nhu cầu, ý thức trách nhiệm tự thân và là nỗi khát khao cháy bỏng của mỗi tín đồ của tôn giáo trong thực hành đời sống đạo của mình, cho dù tôn giáo mình đang theo đã có những khúc quanh lịch sử về tính phức tạp trong mối quan hệ với dân tộc, Uỷ ban Đoàn kết Cô

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một số vấn đề lịch sử và hiện tại

Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình chúc mừng Giáng Sinh Ủy ban Đoàn kết Công giáo.

1. Điểm lại lịch sử ra đời và phát triển của tổ chức Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cho thấy, ngay từ buổi đầu của quá trình đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam, mặc dù các giáo sỹ Công giáo (các nhà truyền giáo là người nước ngoài), bằng việc lợi dụng chiếc áo tu hành, nhiệm vụ truyền giáo của mình đã mở đường cho thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta. Nhưng những người Việt Nam theo đạo Công giáo vẫn giữ vẹn lòng yêu nước: Từng cá nhân, từng phong trào, cuộc vận động yêu nước chống lại âm mưu và hành động xâm chiếm nước ta của thực dân Pháp từ những người Công giáo Việt Nam vẫn không ngừng diễn ra trong tình thế triều đình nhà Nguyễn như một chính quyền bù nhìn trước các của hành động thực dân Pháp từng bước thôn tính nước ta ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Tiếc rằng, cùng với vận nước suy vong, những người Công giáo Việt Nam lúc này chưa có môi trường, điều kiện để biến lòng yêu nước của mình thành hiện thực.

Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam đứng lên lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc từ năm 1930, những người Công giáo Việt Nam mới có điều kiện thực hiện lòng yêu nước của mình một cách tích cực, hiệu quả. Lòng yêu nước này được thể hiện một cách cụ thể ngay từ những ngày đầu tiên của cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời và suốt quá trình của 2 cuộc cách mạng đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược với những hình thức, phương thức tự nguyện tập hợp, hình thành các tổ chức như: Ủy ban Liên lạc Công giáo kháng chiến khu III, khu Tả ngạn, khu IV, khu Việt Bắc; Liên đoàn Công giáo kháng chiến Nam bộ; Ủy ban liên lạc những người Công giáo yêu tổ quốc, yêu hoà bình Việt Nam.

Trong thời kỳ chống Mỹ, những người Công giáo yêu nước Việt Nam ngày càng tham gia đông đảo vào các tổ chức Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc tại miền Bắc và Hội Những người Công giáo kính Chúa yêu nước tại miền Nam. Năm 1983, 2 tổ chức này thống nhất lại thành Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam, ngày nay là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.

2. Tư tưởng đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng thành lập Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam của đồng bào Công giáo Việt Nam.

Về mối quan hệ giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định có sự khác nhau: “Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật là khác nhau, rõ ràng là thế. Nhưng không vì thế mà chà đạp lên quyền tự do của nhau” (1). Theo Hồ Chí Minh, sự khác nhau đó không phải là sự mâu thuẫn đối kháng bởi vì người có tín ngưỡng, tôn giáo và người đi theo chủ nghĩa xã hội đều cùng phấn đấu cho một mục tiêu, khát vọng chung là giải thoát con người ra khỏi sự khổ ải, làm cho con người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Do vậy, không phải vì có sự khác nhau đó mà "chà đạp lên quyền tự do của nhau". Quan niệm "Thượng đế và Tổ quốc muôn năm"(2) của Hồ Chí Minh khi nói về người Công giáo Việt Nam là lời hiệu triệu, là niềm tin để những người Công giáo “Kính Chúa – Yêu nước” phát huy cao độ lòng yêu nước của mình mà đoàn kết với nhau trong những tổ chức Ủy ban liên lạc những người Công giáo tham gia vào 2 cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đời sống xã hội tốt đẹp sau này.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tôn trọng và ủng hộ những người có tôn giáo nói chung, đồng bào tín đồ đạo Công giáo nói riêng thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những hành động cụ thể. Chủ trương tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện nhất quán trong suốt các giai đoạn cách mạng cho đến ngày nay. Ngay cả những lúc có những căng thẳng trong mối quan hệ giữa tôn giáo với đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của nhân dân, trong đó có tín đồ của đạo Công giáo.

Nhà nước Việt Nam trước sau như một tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, xem những vấn đề của tôn giáo là do nội bộ tôn giáo quyết định, đồng thời luôn kêu gọi sự tham gia đóng góp của chức sắc, tín đồ các tôn giáo vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sắc lệnh 234-SL, ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ở Hà Nội, một văn bản pháp luật đặt nền móng cho việc xây dựng mô hình nhà nước thế tục ở Việt Nam khẳng định: Điều 13: Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Việt Nam với Toà thánh La-mã là vấn đề nội bộ của Công giáo.

Chúng tôi chưa tìm thấy một văn bản nào của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam chủ trương thành lập tổ chức những người Công giáo yêu nước để chống lại hoặc “làm đối trọng” với Giáo hội Công giáo Việt Nam.

3. Về mặt giáo lý, tham gia Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là một phương thức hiện thực hóa đức tin của người Công giáo ở trần thế, là thực hiện lời dạy của Thiên chúa: “Kính Chúa – Yêu người” bằng cách riêng của người Công giáo trên đất mẹ Việt Nam. Hiến Chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay (Gaudium Et Spes) của Công đồng Vaticanô II ghi rõ: “Hội Thánh phải đồng tiến với nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (HcMV 40). Với mỗi người Công giáo: “Đối với Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa” (Hc MV số 43).

Như vậy ta thấy rằng, quá trình hình thành và phát triển của tổ chức Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam từ trước đến nay là một tất yếu của cuộc sống; là sự kết tinh giữa nguyện vọng thiết tha xuất phát từ lòng yêu nước của người Công giáo Việt Nam với chủ trương đúng đắn của đường lối cách mạng Việt Nam và sự phù hợp của giáo lý của Đạo Công giáo ở Việt Nam. Là một xu thế tất yếu trong đời sống chính trị, xã hội của những người Công giáo Việt Nam thực hiện tốt cả 2 vai trò: là công dân của nước Việt Nam độc lập và tín đồ của đạo Công giáo trong lòng Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một số vấn đề lịch sử và hiện tại - 1

4. Những “khúc quanh lịch sử” đối với tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Bản chất, mục tiêu của tổ chức và thực tế hoạt động của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là tốt đẹp như vậy, tại sao lại gặp nhiều khó khăn?

Hậu quả của sự phân biệt, mâu thuẫn gay gắt giữa ý thức hệ vô thần và hữu thần. Trong quá trình tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, với đặc điểm về lịch sử, đời sống văn hóa, tinh thần và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, trong khi chủ trương của Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam không lấy sự khác biệt về ý thức hệ giữa vô thần của chủ nghĩa xã hội và hữu thần của tôn giáo để giải quyết các mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc, giữa tôn giáo với chính trị thì Giáo hội Công giáo Hoàn vũ khẳng định “không bao giờ sống chung với chủ nghĩa Cộng sản”. Đặc biệt, sau Cách mạng tháng Tám thành công, xu hướng chống Cộng sản dưới triều Giáo hoàng Piô XI ngày càng lộ rõ hơn dưới triều Giáo hoàng Piô XII. Chủ trương này của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ đã làm cho "một não trạng chống Cộng" hình thành từ thời kỳ 1930 - 1931, chủ yếu trong một bộ phận tu sĩ, linh mục của Công giáo ở Việt nam càng bị đầu độc nhiều hơn. Cũng từ chủ trương này, đã có chức sắc Công giáo đang đi theo con đường giải phóng dân tộc, quay ngược trở lại chống đối sự nghiệp giải phóng dân tộc, thậm chí tiếp tay cho thực dân Pháp xâm lược nước ta. Và tất nhiên, họ cũng bài xích những tổ chức yêu nước của người Công giáo Việt Nam. Đến nay, nhận thức này vẫn còn tồn tại trong một số chức sắc đạo Công giáo, đặc biệt là những chức sắc cực đoan, lớp trẻ bị các âm mưu chính trị phản động lợi dụng. Đây cũng là một trong những lý do để họ không tán thành tổ chức và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt nam.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng “đồng hành cùng dân tộc” như là một nguồn sống và chân lý tối thượng mà những người Công giáo chân chính luôn suy tư và thực hành đời sống đạo của mình. Chính vì lẽ đó đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ cũng như Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Nếu từ chủ trương của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ từ những năm 30 – 40 của thế kỷ XX đã làm cho Giáo hội Công giáo Việt Nam ban hành Thư chung năm 1951 không những không ủng hộ sự nghiệp cách mạng mà còn tuyên bố lập trường chống đối cách mạng rõ ràng với hàng ngũ chức sắc và giáo dân. Tiếp theo đó là Thư chung của các Giám mục Việt Nam vào các năm 1952 - 1953 tiếp tục nhắc nhở cần thực hiện nội dung Thư chung 1951. Đến năm 1960, tại Miền Nam, các giám mục miền Nam đã họp hội nghị và ra Thư chung 1960 với tuyên bố: Muốn cho đạo thánh được nguyên vẹn, người Công giáo phải phủ nhận lí thuyết Cộng sản và những áp dụng của nó đến tận cùng.

Thì sau này, do những tác động tích cực của việc thực hiện nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước Việt Nam, dù ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ở vùng giải phóng hoặc ngay trong vùng đang bị chiếm đóng, các Thư chung và Thông cáo của các giám mục miền Nam sau này từ 1964 đến 1974 đã không còn biểu hiện những lời lẽ cứng rắn, lên án chủ nghĩa Cộng sản như trước đây cũng như không còn thấy trích hoặc nêu tinh thần Thư chung năm 1951 nữa. Tiến bộ rõ hơn nữa là trong Thông cáo chung năm 1975 và Thư chung năm 1976, các giám mục miền Nam cho rằng đã đến lúc Giáo hội phải cho thấy có sứ mạng và khả năng đi vào các thực tại trần thế như "men trong bột". Đường hướng mục vụ thích hợp của Giáo hội lúc này là mọi thành phần dân Chúa phải tích cực sống đạo bằng cách dấn thân và phục vụ giữa lòng dân tộc. Với Thư chung này, các giám mục đã dần dần công khai nêu ra một vấn đề là làm sao chấp nhận chủ nghĩa xã hội trên cơ sở duy vật vô thần?

Đến Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam khẳng định: “Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước... Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình. Vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa“(3).

Sứ điệp Đại hội Dân Chúa của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2010 khẳng định: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm”. Khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội thánh “không hề muốn thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Hội thánh có thể góp phần mình vào đời sống của Đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân”(4).

Đặc biệt trong tinh thần đối thoại của Công đồng Vatican II (1962-1965), nhận thức, chủ trương của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ về quan hệ giữa vô thần và hữu thần đã không còn khắc nghiệt như trước đây nữa. Đối với người Công giáo Việt Nam, trong Huấn từ và Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Benedict XVI gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 2009 đã khẳng định: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”(5). Tinh thần đó được Đức Giáo hoàng Phrăng-xít khẳng định: “giáo dân tốt phải là công dân tốt”, “người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”, “người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước”(6).

Quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa nhà nước Việt Nam với Tòa thánh Vatican ngày càng tốt đẹp thông qua các cuộc thăm viếng, làm việc cấp cao, dần dần thiết lập cơ chế ngoại giao: Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Tòa Thánh và hội kiến với Giáo hoàng Benedicto XVI. Năm 2009, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết thăm Tòa Thánh và hội kiến với Đức Giáo hoàng Benedicto XVI. Năm 2013, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thăm Tòa Thánh và hội kiến với Đức Giáo hoàng Benedicto XVI. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Tòa Thánh lần thứ 2 và hội kiến với Đức Giáo hoàng Phrăng-Xít, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm và hội kiến với Đức Giáo hoàng Phrăng – Xít. Năm 2016, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang thăm Tòa Thánh và hội kiến với Đức Giáo hoàng Phrăng Xít. Từ Năm 2011, Tòa thánh Vatican bố trí Đặc phái viên không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Đến tháng 5/2018, Tòa thánh Vatican nâng cấp quan hệ với nhà nước Việt Nam bằng cách cử Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy rằng cả Giáo hội Công giáo Hoàn vũ và Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực từ chống đối với sự nghiệp cách mạng, con đường mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn, đến suy tư, trăn trở và dần hợp tác với Việt Nam để chăm lo phần đạo và phần đời của những người Công giáo Việt Nam.

5. Vấn đề hiện tại của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một tổ chức xã hội của những người Công giáo Việt Nam “Kính Chúa – Yêu Nước” ra đời, tồn tại và phát triển từ trong 2 cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cho đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay là một tất yếu khách quan của đời sống xã hội, như các tổ chức xã hội khác; là công việc của những người Công giáo Việt Nam thực hiện sứ mệnh “cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình”, là “đòi hỏi của Phúc Âm” theo đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng như tinh thần Huấn từ và Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Benedicto XVI và Đức Gióa hoàng Phrăng-xít theo cách riêng của người Công giáo Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam, Tòa thánh Vatican cũng như Giáo hội Công giáo Việt Nam phải vì lợi ích chung của nhân dân Việt Nam, trong đó có đồng bào là tín đồ của đạo Công giáo mà xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển ban giao, hợp tác, giải quyết những vấn đề còn khác biệt về nhận thức trên tinh thần xây dựng, tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi bên, miễn rằng không làm phương hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và đường hướng hành đạo tích cực của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trên cơ sở đó có trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, là một tổ chức của những người Công giáo Việt Nam vừa cùng với nhân dân Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; vừa thực hiện tốt đường hướng của Giáo hội “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, không phải là một tổ chức sinh ra để “làm đối trọng” với Giáo hội hay “chống lại Giáo hội” như một số ít “não trạng tiêu cực cố hữu” đang cố tình xuyên tạc hiện nay.

Bản thân tổ chức Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phải vươn lên hơn nữa, vượt qua khỏi những thách thức không phải là cơ bản nêu trên, đặc biệt là với những chuyển biến tích cực hiện nay để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong đời sống xã hội và trong cộng đồng đồng bào Công giáo Việt Nam. Truyền thống quý báu gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của đồng bào Công giáo Việt Nam thông qua lịch sử hình thành và phát triển của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là một thực tế lịch sử và hiện tại không thể phủ nhận được.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp, hỗ trợ để Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cùng cấp, một thành viên mang tính đặc thù của tổ chức mình hoạt động hiệu quả. Phương thức giúp đỡ là tìm mọi giải pháp để kiến nghị, tham mưu, tư vấn việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về mặt Nhà nước đối với một tổ chức tôn giáo – xã hội đặc thù; đồng thời tác động xây dựng sự ủng hộ, hiệp thông của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Mỗi khi có sự đồng bộ về nhận thức và thống nhất hành động giữa Nhà nước (xã hội) và Giáo hội (tổ chức tôn giáo) thì chắc chắn sẽ hóa giải được những vấn đề đang gặp phải hôm nay.

Với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, trong bất cứ hoàn cảnh nào của đất nước, mỗi một tổ chức của những người có tôn giáo, tín ngưỡng luôn lấy phương châm “Tốt đạo, đẹp đời” làm mục tiêu hoạt động của mình đều là một viên gạch quý giá góp phần xây dựng nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PGS TS Lê Bá Trình,
Uỷ viên ĐCT Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

______________________________________________________

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một số vấn đề lịch sử và hiện tại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO