Tội cho dân đen

An Bình 26/10/2018 08:00

Mấy ngày qua, câu chuyện một người dân ở Cần Thơ chỉ vì đi đổi 100 USD mà bị bắt phạt 90 triệu đồng thực sự khiến dư luận xã hội “cười ra nước mắt”.

Theo quy định, việc thu đổi ngoại tệ nếu được thực hiện ở những nơi không được cấp phép, có thể sẽ bị xử phạt với mức 80 triệu – 100 triệu đồng. Như vậy, theo quy định này, nếu các cá nhân có nhu cầu đổi ngoại tệ thì tốt nhất nên đến giao dịch tại các ngân hàng thương mại. Trong trường hợp đến các tổ chức kinh tế khác (tiệm vàng, khách sạn...) thì phải biết họ có giấy phép hay không.

Còn nhớ, cách đây khoảng 7, 8 năm, tức khoảng năm 2011 và 2012, việc thu đổi ngoại tệ đã từng bị cơ quan quản lý siết chặt. Thời điểm đó, một doanh nghiệp tư nhân đã bị phạt 50 triệu đồng do có hành vi mua bán ngoại tệ trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang doanh nghiệp tư nhân này đang bán 1.000 USD cho khách hàng. Và ngay tại thời điểm đó, việc mua bán trao đổi ngoại tệ trên thị trường dường như ngưng đọng.

Tuy nhiên, việc siết chặt quản lý chỉ trong một thời gian ngắn, không lâu sau đó, hoạt động thu đổi ngoại tệ lại diễn ra khá thường xuyên tại các “chợ đen” và hầu như không có một biến cố nào xảy ra đối với cả bên cung lẫn bên cầu. Trên thực tế, nhiều năm qua việc kiểm tra thị trường ngoại tệ tự do đã được tiến hành, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì mọi việc lại giống như “bắt cóc bỏ đĩa”. Nếu không có sự vụ ở Cần Thơ, hẳn ít ai tìm hiểu hiện trên thị trường có bao nhiêu điểm thu mua trao đổi ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Và thực tế, số cửa hàng được cấp phép là rất hãn hữu: Theo số liệu thống kê, cứ 10 cửa hàng hoạt động mua, bán trao đổi ngoại tệ thì phải đến 9 cửa hàng bất hợp pháp.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Nhà nước đã siết chặt thì phải làm chặt từ đầu đến cuối, không thể làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” để rồi bao nhiêu “tội nợ” chỉ người “dân đen” phải gánh chịu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tội cho dân đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO