Tôi đưa con đi thi

Hương Lê 11/07/2021 06:33

Trong cái oi ả, mưa nắng thất thường của thời tiết những ngày qua, có đến trường thi mới thấu áp lực của các con và nỗi lòng cha mẹ. Những điều mắt thấy tai nghe không khỏi khiến người ta phải ngẫm ngợi về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; cải tiến thi cử bấy lâu nay.

1. Thức dậy từ 5h sáng để chuẩn bị cơm nước cho con ăn đi thi, nghe dự báo thời tiết, nghe thông tin về tình hình giao thông ở lộ trình từ nhà tới trường thi… đó là những việc mà nhiều phụ huynh phải quan tâm trong suốt mấy ngày qua. Tôi cũng không nằm trong ngoài số họ. Điểm thi của con cách nhà gần 10 km, ngày 4 lần đưa đón cũng đủ để phụ huynh tiêu hết quỹ thời gian. Hơn thế, Hà Nội đang những ngày dịch giã diễn biến phức tạp, tâm lý lo phòng dịch thường trực nên mối quan tâm hàng đầu là con phải được an toàn.

Nhưng trò chuyện hỏi han lẫn nhau mới biết, con mình chưa phải trường hợp đi thi ở điểm trường xa. Có những bạn từ nhà tới điểm thi cách những 25 km, như trường hợp thí sinh Phạm Phương Anh, nhà ở huyện Sóc Sơn - Hà Nội, cách điểm thi trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy hơn 25 km. Vì thế mà mọi khâu chuẩn bị cho kỳ thi phụ huynh phải giúp lo cho con kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Lỡ không may quên bất kỳ một vật dụng nào, như thẻ dự thi chẳng hạn… sẽ gặp rắc rối lớn.

Con vào bên trong, những ông bố bà mẹ hết đứng lại ngồi bên ngoài ngóng đợi. 120 phút khi chờ đợi vừa ngắn nhưng cũng thật là dài. Chốc chốc lại có ai đó lẩm bẩm cầu khẩn: Chỉ mong cho chúng nó trúng tủ đề Văn hôm nay… Muôn vàn sự lo lắng, nhọc nhằn và cả những yêu thương gom góp cho con hiện lên gương mặt phụ huynh khi họ không ngại chồn chân, mỏi gối đứng đội mưa- nắng bên ngoài cổng trường.

Đứng bên ngoài cổng, ai cũng có chung tâm trạng hồi hộp, lo lắng, thậm chí còn căng thẳng hơn cả con. Trước khi con vào phòng thi, ống kính máy ảnh của các phóng viên đã ghi lại được vô số những khoảnh khắc đáng nhớ. Có ông bố hôn lên trán cô con gái, bà mẹ ôm bờ vai con trai, hoặc là những cái đập tay hứa quyết tâm làm bài cho tốt… Cha mẹ gửi trao niềm tin: “Cố gắng nhé!”, “Tự tin nhé!” “Quyết tâm nhé!”… nghe tựa như lời chúc tiễn chiến binh ra trận. Chỉ biết rằng sự động viên tinh thần của những bậc cha mẹ chính là động lực lớn để các học sinh tự tin trong kỳ "vượt vũ môn" đầy khó khăn. Càng ngẫm lại càng thấu “con dù lớn vẫn là con của mẹ…”.

Rồi cũng hết những phút giây chờ đợi. Trống điểm, chuông vang, thí sinh ùa ra ngoài cổng. Tiếng những ông bố, bà mẹ hỏi dồn hào hứng: Con làm được bài không? Ôn trúng tí nào không? Liệu được mấy điểm?... Những nụ cười thật tươi, rạng rỡ cũng có, và cũng có không ít những giọt nước mắt tiếc nuối lã chã rơi: “Con không hề ôn bài Sóng”, “Con lệch tủ rồi…”, “Cô giáo bảo chỉ vào văn xuôi thôi, thế mà…”

2. Nhưng cũng từ câu chuyện thí sinh lao đao vì bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh (Đề thi tốt nghiệp THPT 2021, môn Ngữ văn), nhiều băn khoăn đang được đặt ra: Bao giờ mới hết ôn tủ, học thuộc Ngữ văn để đối phó khi đi thi?

Bao lâu nay, dạy và học văn trong nhà trường vẫn giữ nếp khuôn sáo. Ở bậc tiểu học, thay vì làm văn tả người, tả cảnh theo đúng quan sát của học sinh, thì các giáo viên lại có cách dạy theo văn mẫu. Tả phụ nữ (mẹ, cô giáo hay ai đó) đều phải có chung đặc điểm da trắng, tóc dài, mắt đen, cười tươi, tốt bụng… Tả vườn cây phải là việc miêu tả không gian rất rộng lớn, nhiều cây cỏ hoa lá 4 mùa. Có lần con trai tôi tả về một chiếc chậu cây mẹ trồng ở ban công chung cư 4 mùa xanh tốt, cô giáo bèn gạch đi nói phải tả cả vườn cây mới đúng yêu cầu…

Trở lại với đề thi Ngữ văn vừa rồi, nhiều thí sinh cùng lệch tủ. Tất nhiên là con tôi cũng không nằm ngoài số ấy. Con chia sẻ: Khi học ôn trên lớp, cô giáo khoanh vùng cho tụi con một số tác phẩm văn xuôi cơ bản như “Vợ nhặt”, “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Vợ chồng A phủ”, “Người lái đò trên sông Đà”… mà không hề có bài thơ “Sóng”. Cô bảo năm trước đã ra thơ rồi, năm nay chắc chắn sẽ không vào thơ nữa. Vì thế nếu chỉ tính riêng ở lớp của con, trường của con đã có vô số những bạn không hề ôn bài thơ này.

Hỏi các giáo viên, câu trả lời đã rõ ràng hơn. Một cô giáo dạy văn ở quận Hoàng Mai- Hà Nội chia sẻ: Thường thì họ phải dạy ôn tất cả những kiến thức trong sách ôn tập, nhưng gần ngày thi các thầy cô thường loại trừ những tác phẩm, những nội dung mới được thi 2 năm gần nhất để tập trung vào ôn những tác phẩm còn lại. Bên cạnh đó là sự dự đoán về vài tác phẩm trọng tâm có thể sẽ ra để ôn kỹ hơn, nhắc các em chú ý nhiều hơn. Vì thế, có nhiều năm đã ôn trúng tủ cũng như có năm lại hoàn toàn lệch tủ. Cô còn khẳng định: Môn Ngữ văn trong chương trình lớp 12 chỉ có mấy tác phẩm. Nếu loại đi một vài tác phẩm đã ra ở năm trước thì cũng không còn nhiều tác phẩm phải học. Vì thế chúng tôi cũng đã luyện đi luyện lại, thậm chí còn yêu cầu trò học thật thuộc những bài văn đã chữa. Bởi thế, việc giáo viên hướng cho học sinh học kỹ một vài tác phẩm nào đó cũng là chuyện bình thường.

Ôi, dạy và học Văn theo cung cách học thuộc! Cứ nghĩ đến cảnh các giám thị ngồi chấm cả trăm ngàn bài Văn có nội dung na ná, y hệt nhau, chắc họ sẽ thật khó có được cảm xúc. Bình Văn lâu nay chỉ là học thuộc một số ý để mà khen. Học sinh không có tư duy phê phán và sáng tạo. Mỗi năm lại có hiện tượng người trúng đề, kẻ lạc đề. Vậy phải làm thế nào để học sinh để khi đối diện với bất cứ bài viết nào (không chỉ là văn học) cũng phải biết cách dùng kiến thức của mình để mà nhận định, phân tích, suy xét và có quan điểm độc lập. Điều này e khó có câu trả lời…

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai, được biết môn Ngữ văn có định hướng mở về ngữ liệu. Chương trình sẽ quy định một số văn bản bắt buộc và văn bản bắt buộc lựa chọn (giáo viên lựa chọn). Như vậy, ở mỗi vùng miền sẽ có thêm những tác phẩm được giáo viên lựa chọn khác nhau để giảng dạy. Nhưng “bình” mới mà “rượu” vẫn cũ, nếu vẫn giữ cách ra đề như cũ, giáo viên vẫn sẽ dạy các em kiểu ôn thuộc đề, học sinh nhăm nhăm học tủ theo định hướng của thầy cô như bao lâu nay vẫn thế- thử hỏi nỗ lực đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình và SGK nói chung, môn Ngữ văn nói riêng có còn ý nghĩa nữa gì không?

Kết thúc kỳ thi, Bộ GDĐT nhận định “đề thi đảm bảo phân loại học sinh” - nghe không sai, nhưng cũng không hẳn thuyết phục. Bởi làm thợ hay làm thày, vào ĐH hay đi học nghề, học sinh phổ thông cũng cần nắm được kiến thức nền cơ bản. Nếu không 12 năm học ấy, chẳng hóa chữ thầy trả lại cho thày hết hay sao.

Đợi con ngoài cổng trường thi.

3. Tôi đưa con đi thi, xét ở cả vai trò là phụ huynh hay một nhà báo đều thấy còn rất điều ái ngại, trăn trở. Thi tốt nghiệp THPT quốc gia là một kỳ thi được cải tiến, đổi mới bao lâu nay. Từ kỳ thi “3 chung” của các trường ĐH (chung đề, chung ngày thi, chung kết quả xét tuyển) từ năm 2014 trở về trước; cho tới kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” bắt đầu được tổ chức từ năm 2015, với mục tiêu lấy kết quả xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, 6 năm qua cho đến nay, thực tế cho thấy hiện có nhiều trường sử dụng phương thức tuyển sinh khác. Vì thế theo các chuyên gia, kỳ thi này cuối cùng chỉ nhằm mục tiêu xét tốt nghiệp THPT là chính.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM chia sẻ: Một kỳ thi phục vụ đồng thời 2 mục đích vừa căn bản vừa phân hóa sẽ rất khó. Vì vậy, các trường ĐH sử dụng kết quả này để xét tuyển thí sinh cũng chỉ là giải pháp ở giai đoạn trước mắt. Còn về lâu dài, các trường cần phải tính tới việc tổ chức thêm kỳ thi riêng để có kết quả xét tuyển thí sinh phù hợp hơn.

Rõ ràng, việc ghép 2 mục tiêu trong 1 bài thi với khoảng thời gian ngắn sẽ không đánh giá được toàn diện kiến thức, kỹ năng của học sinh. Trong khi việc xét tuyển vào ĐH lại đòi hỏi những năng lực, phẩm chất đa dạng tùy theo ngành nghề. Ấy là chưa kể, không phải thí sinh cũng đi thi tốt nghiệp THPT để vào ĐH. Việc học nghề giờ đây đã có thể theo mô hình 9+ dễ dàng hơn. Ghi nhận ý kiến các phụ huynh bên ngoài trường thi vừa rồi, nhiều người có chung nỗi niềm: Tại sao không phải là các địa phương xét tốt nghiệp THPT, còn các trường ĐH tự xây dựng phương án tuyển sinh.

Trong vòng 2 năm qua, chuyện học hành thi cử đang phải quen dần với việc phòng chống Covid-19. Hiện sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chưa biết đến khi nào kỳ thi đợt 2 mới được tiếp tục tổ chức. Điều này ít nhiều khiến tâm lý học sinh và phụ huynh không khỏi phập phồng…

Trong khi chờ giải pháp căn cơ, lâu dài cho công tác thi cử và tuyển sinh, trước mắt mong dịch Covid-19 sớm được khống chế, để quyền lợi các em thi muộn được đảm bảo bằng chúng bạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôi đưa con đi thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO