Tốt nghiệp trường nghề vẫn thất nghiệp?

Phương Linh 31/08/2016 05:09

Bộ LĐ,TB&XH mới đây đã công bố thông tin, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất đang thuộc về nhóm cao đẳng (CĐ) chuyên nghiệp, tiếp theo là ĐH trở lên và CĐ nghề. Theo một số lãnh đạo trường nghề, lãnh đạo các trung tâm tư vấn giao dịch việc làm, hiện nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp rất lớn, sinh viên các trường CĐ, đặc biệt là các trường CĐ nghề khi ra trường luôn có trên 80% có việc làm, nên khó xảy ra trường hợp là nhóm thất nghiệp ở mức cao.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Nguồn: httc.edu.vn.

Sinh viên trường nghề thường có việc làm sớm

Theo thông tin từ Bộ LĐ,TB&XH, hiện có 418,2 nghìn người có chuyên môn kĩ thuật thất nghiệp. Về tỉ lệ thất nghiệp, nhóm CĐ chuyên nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất với 6,6%, tiếp theo là nhóm ĐH trở lên với 4,0% và nhóm CĐ nghề là 3,66%.

Đã có không ít ý kiến băn khoăn, tại sao nhóm lao động chuyên môn lại có số lao động thất nghiệp cao như vậy? Đồng thời, trong giai đoạn “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay, nhóm CĐ nghề luôn đào tạo theo nhu cầu của thị trường, hỗ trợ đầu ra cho sinh viên, vì sao tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao?

Lãnh đạo một trung tâm tư vấn, giao dịch việc làm chia sẻ: Số liệu điều tra có vẻ không sát thực tế. Bởi hiện nay các trường CĐ, CĐ nghề, nhiều sinh viên ra trường đã có việc làm ngay, kể cả đang đi học. Thậm chí có một số trường, doanh nghiệp còn vào đặt hàng ngay từ khi trường mở khai giảng một khoá mới...

Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Trường CĐ nghề Công nghiệp HN khẳng định: Đối với nhà trường số liệu trên không đúng. Bởi vì sinh viên ra trường đều trên 80% có việc làm, có thể việc làm không hoàn toàn đúng nghề nhưng rất ít sinh viên thất nghiệp. Vì chúng tôi đều đào tạo những nghề mà xã hội cần...

Quan niệm về việc làm chưa đúng

Để tìm ra lí do vì sao trong khảo sát, nhóm CĐ nghề vẫn thất nghiệp ở mức cao, lãnh đạo 1 trường CĐ khác cho rằng: Có thể thực tế nhu cầu xã hội đang không cần nghề đó nhưng nhà trường vẫn cho đào tạo, thứ hai có thể nội dung đào tạo ra, các em không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Ví dụ, nội dung lý thuyết, hay máy móc các em học từ những năm 60, nhưng doanh nghiệp đều đã nhập khẩu máy móc mới thì đương nhiên hai bên không thể kết nối với nhau được. Như vậy thì cũng sẽ thất nghiệp, vì doanh nghiệp cũng không đủ sức để nhận lao động mới tay nghề để đào tạo lại. Hoặc có thể họ điều tra điển hình, theo nhóm, cụm để quy kết. Bên cạnh có, có thể có lí do quan niệm chưa đúng trong sinh viên, khi cho rằng cứ phải làm đúng ngành đúng nghề thì mới là không thất nghiệp.

Chẳng hạn hỏi một bạn đã tốt nghiệp có việc làm chưa thì nhận được câu trả lời là chưa, nhưng thực tế khi gọi đến tư vấn, giao dịch việc làm thì lại bảo tôi đang đi làm rồi. Nghĩa là theo quan niệm của các bạn, mình được đào tạo ở chuyên ngành này ra thì phải tìm được việc làm đúng chuyên môn thì mới gọi là có việc làm. Đang có việc nhưng làm trái ngành trái nghề thì lại coi như là đang thất nghiệp.

Quan niệm đó hiện nay hơi không sát với quan niệm việc làm của tổ chức lao động quốc tế. Họ quan niệm chỉ cần có công ăn việc làm có thu nhập đủ bao nhiêu tiếng trong 1 ngày 1 tháng thì là có việc làm, không thất nghiệp.

Để giải thích cho kết quả khảo sát trên, ông Đào Quang Vinh- Viện trưởng Viện Lao động, Khoa học và Xã hội cho rằng: Tỉ lệ thất nghiệp của nhóm ĐH, CĐ cao phản ánh độ vênh khá lớn giữa cung lao động qua đào tạo và nhu cầu tuyển dụng.

Điều này thể hiện ở chỗ sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ của chúng ta, đặc biệt ở nhóm kinh tế về quản trị kinh doanh, nhóm về xã hội chiếm tỉ lệ rất lớn, trong khi nhóm về kĩ sư, các chuyên gia về công nghệ thì chúng ta rất thiếu. Nghĩa là chúng ta đang cần lao động trình độ cao nhưng lao động trình độ cao chúng ta đang có thì lại không phải là những nhóm mà thị trường lao động đang cần.

Thứ hai là những số liệu trên thực sự phản ánh chất lượng đào tạo. Chúng ta có nhiều cử nhân, nhiều sinh viên tốt nghiệp CĐ, nhiều người có trình độ trên ĐH, nhưng nhiều người chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của nhà tuyển dụng. Điều này được phản ánh rất rõ trong các yêu cầu và báo cáo của nhà tuyển dụng, và họ đang khó khăn trong tuyển dụng lao động trình độ cao mà đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Xung quanh câu chuyện thất nghiệp của nhóm lao động này, ông Doãn Mậu Diệp- Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cũng khẳng định: Không phải cứ học xong một ngành rồi sau đó có việc suốt đời, vì thị trường lao động hiện đại luôn biến động. Vì vậy, cần khuyến khích người lao động học tập suốt đời để thích ứng với biến đổi của công nghệ, nhu cầu dịch vụ thị trường.

Tăng cường kĩ năng

Để giải quyết tình trạng trên, thời gian qua các Bộ, ngành có liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, hệ thống giáo dục dạy nghề đã có nhiều cải cách, và hiện nay đang có chuyển biến đáng mừng.

Chẳng hạn, tỉ lệ sinh viên học các ngành kĩ thuật đang tăng lên, tỉ lệ học sinh học nghề cũng đang tăng, còn số học sinh tham gia thi ĐH giảm đi... Trong công tác xét tuyển các em đã lựa chọn thẳng vào những ngành nghề mà các doanh nghiệp và thị trường lao động đang cần, ví dụ như học các ngành về công nhân kĩ thuật.

Tuy nhiên, để có thể phát triển tốt hơn trong giai đoạn tới, theo các chuyên gia nghiên cứu về thị trường lao động, ngoài việc người lao động tự nhận thức được về nghề nghiệp sẽ gắn bó cần tự trang bị cho bản thân kĩ năng nghề, kĩ năng phỏng vấn xin việc..., thì lưu ý lớn cần được quan tâm đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.

Theo ông Đào Quang Vinh: Năng lực và khả năng ngoại ngữ là điểm yếu của lao động Việt Nam trong thời đại hội nhập. Chúng ta không còn cách gì khác là từng học sinh, gia đình, tổ chức đào tạo ngoại ngữ phải cùng bắt tay vào củng cố. Các trường phổ thông cần ưu tiên cao cho việc dạy và học ngoại ngữ.

Còn trường ĐH, CĐ quan tâm đến đào tạo ngoại ngữ từ khâu tuyển chọn đầu vào đến cách dạy cũng như có chuẩn đầu ra. Bởi trong một thị trường lao động hội nhập, muốn làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài hay di chuyển sang nước khác tìm việc, không còn cách nào khác là phải sử dụng được ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tốt nghiệp trường nghề vẫn thất nghiệp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO