TP Hồ Chí Minh: Công nghiệp 'chạy' ra các tỉnh

Thanh Giang 07/12/2019 08:00

Do không còn sức hấp dẫn như trước đây nên nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp TPHCM chuyển đầu tư về các tỉnh lân cận. Đó là thông tin được đưa ra trong hội thảo “Công nghiệp TPHCM – Vai trò và tiềm năng phát triển”, do UBND TP tổ chức ngày 6/12.

TP Hồ Chí Minh: Công nghiệp 'chạy' ra các tỉnh

Công nghiệp đứng vị trí thứ hai về cơ cấu giá trị tăng thêm cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế TP HCM.

Nhận định về tình hình phát triển công nghiệp của thành phố, PGS. TS Trần Hoàng Ngân – Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, thời gian qua kinh tế thành phố tăng trưởng bình quân 7,55%/năm. Xét trong phạm vi của thành phố thì khu vực công nghiệp đứng vị trí thứ hai về cơ cấu giá trị tăng thêm cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thành phố. Tuy nhiên, công nghiệp thành phố đang giảm tỷ trọng trong cơ cấu giá trị tăng thêm của cả nước. Sự sụt giảm này là do công nghiệp trên địa bàn thành phố dịch chuyển đầu tư ra các tỉnh. Ông Trần Hoàng Ngân dẫn chứng, trong khi giá trị sản xuất doanh nghiệp các tỉnh đầu tư vào TP HCM khoảng 39.000 tỷ đồng, thì giá trị sản xuất doanh nghiệp TP HCM đầu tư ra các tỉnh lên đến 103.000 tỷ đồng. Như vậy, chênh lệch giá trị sản xuất giữa doanh nghiệp (DN) thành phố đầu tư ra các tỉnh và DN các tỉnh đầu tư vào thành phố ngày càng lớn.

Đề cập đến việc DN công nghiệp dịch chuyển đầu tư đến những tỉnh lân cận thành phố, ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM thừa nhận, DN công nghiệp đã và đang đổ về các tỉnh. Đơn cử, DN ngành hóa dược – cao su – nhựa trong thời gian qua có sự đầu tư sản xuất ra các tỉnh với quy mô lớn như: Công ty cổ phần phân bón Bình Điền chuyển đầu tư về Bình Dương, Công ty TNHH sơn K.0.v.a chuyển về Đồng Nai,… “Chi phí đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng tiến trình đô thị hóa trên địa bàn, vì vậy giá thuê đất ngày càng tăng dẫn đến chi phí đầu tư cho công nghiệp của thành phố cao hơn so với các tỉnh lân cận. Điều này vô hình trung dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư có xu hướng chuyển về các tỉnh lân cận” - ông Nguyễn Phương Đông lý giải nguyên nhân.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ ra những điểm yếu khiến thành phố không còn hấp dẫn nhà đầu tư sản xuất công nghiệp. Trước hết, sự cạnh tranh của nhiều tỉnh - thành trong cả nước về công tác thu hút đầu tư ngày càng cao, đặc biệt trong vấn đề cung cấp đất sạch cho nhà đầu tư. Thành phố hiện đang thiếu quỹ đất thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn trong nước, nước ngoài thuê. Giá thuê đất, mặt bằng sản xuất ở thành phố còn cao so với các khu chế xuất - khu công nghiệp ở các khu vực lân cận, khiến cho DN gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất và có xu hướng chuyển đầu tư ra khu vực tỉnh, thành lân cận. Ngoài ra, việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của các DN còn hạn chế, chưa theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của thành phố cho công nghiệp dù được quan tâm nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa khuyến khích các DN đẩy mạnh đầu tư.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc dịch chuyển đầu tư công nghiệp ra các tỉnh, cộng với tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm và kinh tế số đã từng bước định hình xu hướng phát triển công nghiệp thành phố trong tương lai. Trong bối cảnh phát triển mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu không còn phù hợp đối với TP HCM. Thành phố nên phát triển công nghệ cao, sản xuất thông minh, nghiên cứu phát triển, liên kết vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Công nghiệp 'chạy' ra các tỉnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO