Trách nhiệm trong sử dụng ngân sách

H.Vũ (thực hiện) 28/11/2022 08:00

Đào xới vỉa hè những tháng cuối năm tại các đô thị ở các thành phố lớn dường như đã trở thành “điệp khúc”. Chỉnh trang đô thị là cần thiết nhưng việc năm nào cũng đào lên lại là câu chuyện khác, dư luận đặt vấn đề về hiệu quả sử dụng ngân sách trong đầu tư công. Theo PGS. TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, sử dụng ngân sách cho đầu tư công phải đảm bảo tính hiệu quả và chất lượng công trình.

PGS.TS Bùi Thị An.

PV: Thưa bà, cứ đến cuối năm là vỉa hè trên nhiều tuyến phố ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh lại bị xới lên lát lại. Trong khi đó, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, một số khu vực vỉa hè lát đá bị nứt vỡ, chất lượng xuống cấp thấy rõ. Bà đánh giá ra sao về việc hiệu quả đầu tư công từ câu chuyện này?

PGS.TS Bùi Thị An: Nhân dân vẫn luôn than phiền “cứ đến cuối năm là lại lát vỉa hè”. Vấn đề cần đặt ra là tại sao gần như năm nào cũng đào bới, thay mới vỉa hè. Còn có hiện tượng đơn vị này vừa lát xong vỉa hè thì đơn vị khác lại đào lên để lắp đặt cáp ngầm. Sự bất hợp lý này nhìn thấy luôn tình trạng lãng phí, tốn kém thời gian và ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Người dân bức xúc vì thời gian cuối năm, mật độ giao thông cao hơn bình thường, phương tiện đông đúc thì vỉa hè lại trở thành công trường ngổn ngang, bụi bặm, bất tiện cho việc đi lại, ảnh hưởng kinh doanh buôn bán của người dân, nhất là những hộ dân ở mặt tiền có nhu cầu kinh doanh mùa vụ trước Tết; không những thế còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Chưa kể việc vừa lát xong lại đào bới lên gây sự lãng phí tiền của ngân sách, mà ngân sách chính là tiền thuế của người dân. Đó chính là điều mà người dân rất bức xúc. Do đó cần phải có một đầu mối chịu trách nhiệm trước lãnh đạo và nhân dân.

Có một thực tế là các địa phương thường ưu tiên vốn cho những dự án lớn và bức thiết, đến cuối năm nếu còn vốn mới phân bổ cho việc sửa chữa vỉa hè vì các dự án này thường nằm trong diện không cấp bách. Tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách bên cạnh yêu cầu chống thất thoát, tiêu cực cần phải tính đến lợi ích tổng thể để đạt hiệu quả tối ưu, thưa bà?

-Vỉa hè là bộ mặt đô thị, nên chỉnh trang vỉa hè là việc cần thiết. Các nước trên thế giới họ cũng đều coi trọng vỉa hè tại các đô thị. Vì thế nên chúng ta đã bỏ ngân sách ra để đầu tư vào loại gạch có tuổi thọ 50-70 năm lát vỉa hè. Thế nhưng đã đầu tư vào loại gạch chất lượng như vậy, thì không có lý do gì năm nào cũng thay mới vỉa hè. Như tôi đã nói ở trên, vừa qua việc lát vỉa hè liên tục là một sự lãng phí trong sử dụng ngân sách tại các địa phương. Do đó chúng ta cần phải kiên quyết hơn với vấn đề này, không có chuyện “lát xong lại đào lên, lấp xuống” gây lãng phí rất lớn tiền ngân sách, tiền đóng thuế của người dân. Chúng ta đang cần tiết kiệm để chi tiêu cho việc khác để phát triển kinh tế đất nước.

Thưa bà, có lẽ chúng ta cần quản lý và công khai các công trình đầu tư công để người dân có thể giám sát việc sử dụng ngân sách để đầu tư?

- Tôi cho rằng chúng ta nên xây dựng bản đồ kỹ thuật số 3D để quản lý đô thị, trong đó có quản lý vỉa hè. Lãnh đạo tỉnh, thành phố có thể biết chỗ nào tắc đường, xe đỗ trên vỉa hè, hay tình trạng sử dụng vỉa hè ra sao. Việc đó phục vụ cho công tác quản lý tại địa phương. Chỉ cần “bấm nút” là có thể biết bộ mặt đô thị đang thế nào. Như vậy, vừa đỡ mất thời gian và cũng biết được trình độ quản lý đô thị của cấp dưới thực hiện chỉ đạo của mình có tốt hay không.

Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã chỉ ra, có hàng nghìn dự án lãng phí, hiệu quả đầu tư công thấp. Chúng ta đã và đang nói rất nhiều đến việc siết chặt hiệu quả đầu tư công vì đó là tiền thuế của dân, song dường như tình hình vẫn chưa có nhiều biến chuyển, thưa bà?

- Chúng ta khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công nhưng phải đảm bảo hiệu quả. Nếu giải ngân đầu tư công mà kém hiệu quả, lãng phí thì là vô nghĩa. Cho nên vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố quản lý, trong đó có trình độ của cán bộ. Vấn đề chính vẫn là con người, từ trình độ cho đến đạo đức công vụ. Vì thế cần nâng cao hiệu quả đầu tư công, trong đó có đầu tư chỉnh trang đô thị tại các thành phố. Làm sao cho hiệu quả, đảm bảo tiến độ và thời gian nhưng phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả, chứ không vì “để giải ngân” mà không đảm bảo chất lượng và hiệu quả sử dụng của công trình.

Để đầu tư công có hiệu quả cần phải quan tâm hơn đến thứ tự ưu tiên đầu tư cho những vấn đề bức thiết nhất. Ví như không thể đang thiếu trường học mà lại dùng ngân sách để chỉnh trang đô thị, thưa bà?

- Nếu có đủ tiềm năng kinh tế thì dàn hàng ngang cùng làm, cùng thực hiện. Nhưng trong trường hợp lựa chọn thì phải biết lựa chọn cái gì đầu tiên. Ví dụ ví tiền của anh có 1 triệu đồng thì phải tính mua cái gì trước, mua cái gì có lợi. Hay có 3-4 người con thì đầu tư cho ai đầu tiên, đầu tư cái gì, chứ không phải đầu tư dàn hàng ngang. Do đó trong sử dụng ngân sách cho đầu tư công phải đảm bảo tính hiệu quả sử dụng và chất lượng công trình. Đó là tầm nhìn của người lãnh đạo trong lựa chọn và ưu tiên thứ tự đầu tư để quyết định chính sách. Nếu không sẽ có lỗi với dân.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm trong sử dụng ngân sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO