Trầm cảm - Căn bệnh thời hiện đại: Bài 2: Các dịch vụ còn thiếu hụt

Hàn Minh 15/03/2022 14:00

Bệnh nhân bị trầm cảm hiện đang chịu thiệt thòi do sự hạn chế nhân sự trong ngành tâm thần cũng như trị liệu tâm lý. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu hụt, đội ngũ cán bộ tâm lý còn chưa chuyên nghiệp.

Rào cản tiếp cận dịch vụ

Bên cạnh sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về bệnh trầm cảm thì một vấn đề nổi cộm hiện nay đó là nhiều người dân không biết phải tìm đến đâu khi mình hay người thân có những biểu hiện bị bệnh trầm cảm ở mức độ nhẹ. Tâm lý chung đó là mọi người lo sợ nếu đi khám ở bệnh viện tâm thần, người khác biết sẽ kỳ thị, nghĩ mình “không bình thường”…

Bác sĩ tư vấn tâm lý cho bệnh nhân.

Theo kết quả nghiên cứu “Sức khỏe tâm thần: thực trạng, thách thức và những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị” năm 2020 của GS.TS Cao Tiến Đức (Bệnh viện Quân y 103), cả nước có 2 bệnh viện tâm thần tuyến Trung ương; 39 bệnh viện tâm thần ở các tỉnh, thành, các tỉnh, thành còn lại có khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa. Số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần của Việt Nam là 0,32/100.000 dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025. Một trong những mục tiêu của kế hoạch này là củng cố mạng lưới các bệnh viện, viện và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Đồng thời thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu và tập huấn cho các bác sĩ đa khoa tuyến huyện, cán bộ y tế xã, người làm công tác hỗ trợ xã hội… nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế gia tăng tỷ lệ bệnh nhân rối loạn sức khỏe tâm thần.

Với mức độ phủ sóng còn thấp như vậy, đặc biệt là ở các cơ sở tuyến dưới khiến một bộ phận người dân khó có cơ hội tiếp cận dịch vụ khi cần. Không phải ai cũng có điều kiện để lên các tuyến trên và thường đi khám khi bệnh đã trở nặng, trong khi đó ở tuyến xã bác sĩ, điều dưỡng phải kiêm nhiều chương trình khác tại cộng đồng nên khó để tổ chức các chương trình khám sàng lọc, quản lý điều trị bệnh tâm thần tại cộng đồng trong khi đây là việc vô cùng cấp thiết, vì tình trạng bệnh nhân có vấn đề về tâm thần ngày càng gia tăng…

Bên cạnh đó, nhiều người ngại tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám do lo ngại không được “bí mật”, sẽ bị nhiều người biết, phải xếp hàng chờ đợi lâu... nên ở các thành phố lớn, ngoài các bệnh viện công thì các phòng khám tư nhân cũng bước đầu phát triển. Người dân có cơ hội được thăm khám bởi đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ trị liệu tâm lý... được đào tạo bài bản, có chuyên môn. Song rào cản ở đây đó là để trị liệu thành công cho một ca bệnh, không thể chỉ thăm khám, kê thuốc điều trị rồi tái khám sau một tuần, một tháng hoặc khi có biểu hiện bất thường như nhiều bệnh lý khác.

BS.TS Nguyễn Doãn Phương - nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho biết, điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, nhưng nhiều bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ phác đồ, bỏ điều trị giữa chừng khi tự thấy bệnh được cải thiện dẫn đến quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn do lâu. Đa số các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn…

Đó là chưa kể nhiều người hoặc coi nhẹ những biểu hiện bệnh trầm cảm, nghĩ là sẽ có thể tự vượt qua hoặc một số khác lại tìm đến lời tư vấn của những người thân, bạn bè vốn không có học thuật, chuyên môn dẫn đến rối loạn trong điều trị tâm lý cho người bệnh. Hoặc nhiều trường hợp khác điều trị theo bệnh lý khác không khỏi mới đi khám tâm thần dẫn đến chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa.

Chú trọng từ khâu đào tạo nhân lực

Đào tạo bác sĩ tâm thần được coi là một trong những ngành hiếm của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Đào tạo ít, nhưng điều kiện để chọn nguyện vọng xét tuyển vào ngành hiếm, thí sinh lưu ý phải được xét tuyển của Hội đồng địa phương và có quyết định cử đi học của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì mới chính thức đi học (đào tạo theo đặt hàng). Như vậy, mặc dù thiếu bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhưng không phải thí sinh muốn đăng ký là được.

Đây cũng là đặc điểm chung của đào tạo bác sĩ chuyên khoa tâm thần trong khối ngành sức khỏe khi nhiều trường không dành chỉ tiêu đào tạo hàng năm mà xác định đào tạo theo đặt hàng trong khi từ phía địa phương, không phải nơi nào cũng xác định đúng tầm quan trọng của công tác này. Trong bối cảnh hậu Covid-19 với nhiều áp lực về sức khỏe, kinh tế… các chuyên gia đánh giá hiện đang sự thiếu hụt lớn về số lượng bác sĩ tâm lý điều trị bệnh nhân hậu Covid. Nhất là với ngành học cần nhiều kinh nghiệm thực tế như tâm thần, tâm lý học, không phải học xong trong trường đại học là có thể trở thành bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm lý ngay được.

Hiện bên cạnh khối ngành sức khỏe, tâm lý học đang được giảng dạy tại nhiều trường ĐH trong cả nước như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Văn Hiến…

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan - nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, muốn học ngành tâm lý và trở thành một chuyên gia giỏi, người học cần nhạy cảm, tinh tế, nhẹ nhàng: “Đây là nghề chăm sóc, hỗ trợ tinh thần cho người khác. Ngoài ra, phải có tâm hồn phóng khoáng, tấm lòng vị tha, độ lượng, không toan tính. Trong quá trình làm việc, sử dụng trí tuệ cảm xúc nhiều hơn trí tuệ logic. Khả năng giao tiếp, ngôn ngữ hoạt bát cũng là điều cần thiết để làm việc thành công”.

Bên cạnh đó, để trị liệu tâm lý cho người khác, cần phải bổ sung, trang bị kiến thức phong phú về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, có hiểu biết rộng về các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội hàng ngày. Phải chịu được áp lực cao trong công việc, rèn luyện tính kiên nhẫn... Rất nhiều áp lực đối với nghề này dẫn đến việc nhiều sinh viên học xong ngành này nhưng lại làm trái ngành, trái nghề do chưa trang bị đủ những kiến thức, kỹ năng để hành nghề.

PGS.TS Trần Văn Cường - Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam nhìn nhận, hiện nay chuyên gia tâm lý ở nước ta được đánh giá là còn non trẻ, chưa đáp ứng được với nhu cầu tư vấn tâm lý ngày càng cao. Để cải thiện tình trạng này, cần có chính sách thu hút hơn nữa ngay từ khâu đào tạo, có cơ chế lương, chế độ đãi ngộ…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trầm cảm - Căn bệnh thời hiện đại: Bài 2: Các dịch vụ còn thiếu hụt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO