Trăm kiểu lừa đảo trên không gian mạng

LÊ ANH 05/03/2022 07:31

Trong số các loại tội phạm nổi lên từ đầu năm đến nay, Công an TP HCM cảnh báo nhiều chiêu lừa công nghệ cao bằng việc giả danh nhân viên ngân hàng, công an, hãng di động hoặc cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Trần Minh Tuấn (trú huyện Nhà Bè) bị Công an TPHCM mời làm việc về hành vi lừa đảo hàng trăm người trên sàn giao dịch ảo.

Giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật để lừa đảo

Một cán bộ Công an TP Thủ Đức chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trường hợp 1 bị hại là anh N.V.B. (trú TPHCM) bị 1 số điện thoại lạ gọi đến, tự xưng là nhân viên Cục Quản lý Giao thông đường bộ Đà Nẵng. Đối tượng thông báo anh N.V.B. có thuê 1 chiếc xe ô tô hiệu Inova tại TP Đà Nẵng vào ngày 7/2/2022 và phương tiện này có liên quan đến 1 vụ tai nạn với người đi đường.

Đối tượng đề nghị anh B. phải đến Công an TP Đà Nẵng trình báo vụ tai nạn và đóng số tiền phạt hành chính là 16.800.000 đồng. Điều đáng nói, toàn bộ các thông tin cá nhân như CMND, họ và tên, biển kiểm soát, ngày giờ thuê xe đều được anh B. xác nhận là đúng của anh. Chỉ đến khi đối tượng chuyển máy cho 1 người khác. Người này tự xưng là cán bộ thuộc cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng và tiếp tục yêu cầu anh B. cung cấp lại tình huống gây tai nạn và đóng tiền phạt lập tức nếu không sẽ bị xử lý hình sự. Lúc này anh B. ngờ ngợ 1 trường hợp tương tự bị lừa đảo bởi 1 nhóm đối tượng được báo chí đăng tải cách đây ít ngày nên đã kịp thời cảnh giác, không cung cấp thêm thông tin cũng như chuyển tiền cho các đối tượng kể trên.

Một trường hợp khác, đối tượng tự xưng là cán bộ công tác tại Công an TPHCM gọi điện thông báo Công an TP Hà Nội chuyển phát cho Công an TPHCM 1 hồ sơ tội phạm ma túy tên là N. và đề nghị cung cấp thông tin những người có liên quan. Đối tượng cho biết, quá trình khám xét nhà và các nơi tạm trú của N., công an phát hiện thẻ ngân hàng và CMND của khách hàng và đề nghị “con mồi” cung cấp thêm các thông tin cá nhân cho cơ quan chức năng. “Đúng là tôi có làm mất 1 CMND mẫu cũ nên thật sự lúc ấy tôi rất lo lắng, không hiểu tại sao CMND của tôi lại có liên quan đến đường dây ma túy như vậy. Thế nhưng sau khi trấn tĩnh, tôi yêu cầu được tới làm việc trực tiếp với Công an TPHCM trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 thì đối tượng né tránh và lộ bài”, anh N. chia sẻ.

Không chỉ là người dân mà cả doanh nghiệp cũng là đối tượng được tội phạm công nghệ cao nhắm đến. Đặc biệt trong thời gian sau dịch bệnh Covid-19 tạm lắng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng hoạt động tinh vi hơn, trong đó có nhiều người dân “nhẹ dạ” trở thành nạn nhân.

Phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng

Công an TP Thủ Đức mới đây đã thông tin cảnh báo đến người dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm công nghệ cao lừa đảo trên không gian mạng.

Theo Công an TP Thủ Đức, biện pháp phòng ngừa đối với tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng mà người dân cần áp dụng “3 không”, bao gồm: Không cung cấp mã OTP ngân hàng, mật khẩu ví điện tử cho người khác; Không vào các đường link lạ mang mã độc trên các website; Không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc đăng tải trên mạng xã hội các thông tin này. Trong trường hợp bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần đến cơ quan công an gần nhất để trình báo và phối hợp để điều tra tội phạm.

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TPHCM, tội phạm công nghệ cao lợi dụng không gian mạng để lừa đảo ngày một tinh vi, phức tạp. Trong những năm gần đây, các loại tội phạm này có xu hướng lấy không gian mạng để hoạt động. Với hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến là sử dụng kịch bản giả danh cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước gây thiệt hại cực kỳ lớn, dù cơ quan chức năng tuyên truyền rất nhiều lần. Do đó, ngoài nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của lực lượng công an thì cần thực hiện song song 2 trụ cột là nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật của người dân và cần đẩy mạnh tuyên truyền của hệ thống chính trị và các cơ quan báo chí truyền thông.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM), vấn nạn tội phạm công nghệ cao sử dụng không gian mạng để lừa đảo đã xuất hiện nhiều năm nay, một số chiêu trò cũ được các đối tượng sử dụng lại để lừa đảo nhưng vẫn có không ít nạn nhân dính bẫy. Điều đó cho thấy ý thức trang bị kiến thức pháp luật của một bộ phận người dân là rất hạn chế. “Ngoài Luật về An ninh mạng thì các đô thị như TPHCM cần xây dựng các đề án/chương trình cụ thể để tấn công, trấn áp triệt để các loại tội phạm qua không gian mạng” - ông Tâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trăm kiểu lừa đảo trên không gian mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO