Các lớp học trực tuyến từ phổ thông đến môn chuyên ngành đại học được quảng cáo rầm rộ trên nhiều nền tảng mạng xã hội là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh, học sinh- sinh viên trong thời diểm dịch bệnh còn đang phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, câu chuyện quản lý của các cơ quan chức năng, chất lượng buổi học cho đến học phí …đều còn đang bỏ ngỏ.
Học Online "lên ngôi" mùa dịch
Tính tiện lợi cho giáo viên và học sinh, linh hoạt địa điểm dạy và học, tăng cường tương tác, tạo không gian học tập thoải mái, dễ dàng lưu giữ tài liệu học tập, đơn giản và hiệu quả trong học tập theo nhóm là những lợi ích nổi bật khi học Online mùa dịch Covid-19.
Giáo viên và học sinh có thể tương tác thông qua các thiết bị thông minh với địa điểm học có thể là bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, giúp tiết kiệm thời gian đáng kể.
Bên cạnh đó, hình thức học Online khiến phụ huynh không mất thời gian di chuyển, đưa đón con cũng như không cần phải lo lắng quá nhiều về việc quản lý con cái.
Khi học trực tiếp trên lớp, một số học sinh có thể sẽ không nhìn rõ được chữ trên bảng của cô giáo, làm ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và tiếp thu. Hình thức Online sẽ giúp giải quyết những vấn đề đó khi mà các học sinh trong lớp đều có thể theo dõi toàn bộ nội dung bài học.
Bên cạnh đó, một số ứng dụng hiện nay còn giúp quá trình học Online trở nên hoàn thiện hơn, tăng tương tác giữa người dạy và người học, tương tác giữa người học và các bạn học khác một cách tốt nhất. Bạn hoàn toàn có thể học tập nhóm Online và cùng nhau trao đổi để giải quyết vấn đề.
Hiện nay học Online rất phong phú về hình thức, tuy nhiên có 2 dạng phổ biến. Dạng 1 là giáo viên sẽ quay video từng bài giảng theo hệ thống rồi lưu lại. Học sinh đăng ký học sẽ chủ động xem trên hệ thống từ kiến thức nền tảng, ôn tập, luyện đề, kèm theo tài liệu, bài tập.
Với hình thức này, học sinh có thể xem lại nhiều lần bài giảng hoặc xem với tốc độ phù hợp với khả năng tiếp thu của mình. Học phí cả khóa chỉ khoảng 1,3-2 triệu đồng, rẻ hơn khá nhiều so với nhiều hình thức học khác. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là không có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh và rất dễ gây nhàm chán cho người học.
Dạng 2 là giáo viên sẽ dạy theo hình thức livestream trên một số nền tảng mạng xã hổi như Facebook hay các nền tảng Zoom, Google Meet, …
Các khóa thường cũng đầy đủ nội dung như kiến thức nền tảng tương tự như các bài học trên lớp, luyện đề...
Hình thức dạy Online này được nhiều em học sinh khá hào hứng tiếp nhận bởi giúp tăng tương tác trực tiếp giữa học sinh và giáo viên. Giáo viên cũng dễ dàng nắm bắt tiến độ tiếp thu bài của học sinh, điều chỉnh phù hợp nội dung và phương pháp giảng dạy. Chi phí khóa học dao động từ 2-5 triệu đồng/năm.
“Học trực tuyến giúp tôi nắm bắt bài giảng tốt hơn, bởi giảng viên sẽ nói hoặc thu âm bài giảng qua mic, âm thanh rất rõ và dễ nghe. Điều này thuận lợi hơn nhiều so với việc nghe giảng ở những giảng đường lớn và rộng, đôi khi giảng viên nói rất nhanh, âm lượng lại không đủ lớn nên tôi khó nắm bắt trọn vẹn nội dung bài giảng”, bạn Hồng Hạnh, sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế- ĐHQG Hà Nội chia sẻ.
Các lớp học Online hiện nay có thể thu hút hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn học sinh tham gia. Với những giáo viên đã có “thương hiệu”, làm hình ảnh tốt, thậm chí là có đơn vị quản lý chuyên nghiệp thì số lượng học sinh đăng ký cũng vô cùng lớn.
Đối với những giáo viên mới mở lớp thì công tác chiêu sinh đầu khóa cũng diễn ra rầm rộ với những chiến dịch quảng cáo trên Google, Facebook, Youtube hay đội ngũ seeding nhằm tạo hiệu ứng, gây dựng niềm tin và lôi kéo sự quan tâm của người dùng mạng xã hội trong các hội nhóm. Vậy nên chỉ cần vài phút lướt mạng là phụ huynh và học sinh dễ dàng lạc vào “ma trận” các lớp học Online.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chị Nguyễn Thu Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Do dịch bệnh nên 2 con nhà tôi một bạn lớp 7 và một bạn lớp 12 đều không thể đến trường mà học trực tuyến. Tuy nhiên, tôi vẫn khá lo lắng, sợ các con không theo kịp kiến thức nên đã tìm hiểu thêm về các lớp học Online theo quảng cáo trên Facebook. Tuy nhiên, có quá nhiều lựa chọn về lớp học nên tôi cũng chưa biết chọn như thế nào cho phù hợp với các con của mình”.
Băn khoăn câu chuyện chất lượng
Những lợi ích của các lớp học Online là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, câu chuyện chất lượng cũng như việc kiểm tra, giám sát các lớp học này lại đang bị bỏ ngỏ.
Nhiều giáo viên chạy theo lợi nhuận tổ chức những lớp tới hàng trăm học sinh khiến cho sự tương tác giữa người dạy và người học không có, làm giảm chất lượng buổi học.
Không những vậy, còn có nhiều lớp học hoàn toàn trái ngược với quảng cáo ban đầu về giáo viên, số lượng học viên, nội dung bài giảng,.. Thậm chí, nhiều “giáo viên Online” còn vướng ồn ào khi có tác phong không chuẩn mực, dạy sai kiến thức
Có thể kể đến như câu chuyện của “cô giáo Vật lý” M.T. từng gây bão mạng xã hội chỉ sau 1 đêm livestream bài giảng. Gây ấn tượng bởi cách nói chuyện gần gũi, thân thiện, diện mạo xinh đẹp, cô giáo 9X này đã thu về hàng trăm nghìn lượt xem, tương tác và bình luận.
Thế nhưng ngay sau đó, cô giáo này vấp phải những chỉ trích của cộng đồng mạng khi thay vì tập trung vào giảng bài thì lại nhiều lần đến việc chơi game, hành xử thiếu chuẩn mực, sử dụng ngôn ngữ không phù hợp: "Cứ chơi game đấy", “Bố mày cân tất”,....
Đặc biệt, sau khi nổi tiếng M.T. còn bị "bóc phốt" chưa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, dạy sai kiến thức chuyên môn. Trước thông tin này, M.T. cũng thẳng thắn thừa nhận vì lý do quên đăng ký 1 tín chỉ nên cô chưa tốt nghiệp.
Hay cô giáo dạy Văn Online P.T. (23 tuổi) sở hữu fanpage hơn 20.000 lượt follow cũng dính “lùm xùm” vì có những hành động, lời nói, phát ngôn thiếu chuẩn mực, dạy học không đảm bảo chất lượng như cam kết ban đầu.
"Em đăng ký khóa học 550.000 đồng từ đầu tháng 7. Cô dạy 3 buổi/tuần nhưng nghiêm chỉnh chỉ trong 2 tuần. Sau đó, cô không dạy học mà liên tục gợi ý đăng ký khóa đợt 2 tiếp 550.000 đồng được tặng thêm khóa luyện đề. Tổng chi phí hết 1,1 triệu đồng nhưng nhận về là 15 video bài giảng, mỗi video dài 30 phút với kiến thức rất nông cạn", một học sinh cũ của cô T. có tên là T.L.Tr. chia sẻ.
Không những vậy, cô giáo T. còn bị “tố” giảng dạy thiếu chuyên nghiệp, gửi ảnh nhạy cảm vào group học tập.
Chia sẻ với báo chí, bà Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: "Không phải cứ mở lớp dạy Online được gọi là giáo viên đạt tiêu chuẩn. Giáo viên cũng như các nghề bác sĩ, ca sĩ. Nếu ai hoạt ngôn sẽ thu hút chú ý của mọi người. Thế nhưng để làm nghề thì phải được đào tạo bài bản, có bằng cấp, chứng chỉ sư phạm. Ai tự ý đứng ra mở lớp dạy giống như bác sĩ tự ý bốc thuốc cho người bệnh, ca sĩ chỉ biết hát 1, 2 bài... Như vậy rất nguy hiểm vì họ không biết mình đang làm đúng hay sai.
Bên cạnh đó, là giáo viên, không chỉ bài giảng đúng, hay mà còn phải hiểu tâm sinh lý của học sinh và biết đâu là điểm dừng. Có thể người đó giảng 1, 2 bài thấy hay nhưng để giảng dạy sang những bài khác hoặc đối tượng khác thì lại không hiệu quả".