Trân trọng báu vật sống

Từ Khôi 18/03/2019 08:00

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quyết định số 355/QĐ-CTN và Quyết định số 356/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” cho 623 cá nhân đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó có 62 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 561 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Chủ tịch nước cũng ký các Quyết định số 357/QĐ-CTN và Quyết định số 358/QĐ-CTN, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho 4 cá nhân và Nghệ nhân ưu tú cho 9 cá nhân thuộc 6 lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (trừ lĩnh vực nghề thủ công truyền thống).

Đây là lần phong tặng danh hiệu nghệ nhân thứ hai sau lần thứ nhất năm 2015 được thực hiện. Nếu như lần đầu Chủ tịch nước chỉ phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 617 nghệ nhân thì lần thứ 2 này đã phong cả hai danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú. Như vậy, kể từ năm 2014, khi Nghị định số 62/2014/NĐ-CP được ban hành đã tạo khung pháp lý để các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai việc xây dựng hồ sơ và trình cấp thẩm quyền xét tặng.

Việc xét tặng các danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức định kỳ 3 năm/lần. Quy định này sẽ góp phần động viên những nghệ nhân lao động cống hiến nghiêm túc cho xã hội. Mặt khác, xã hội được thừa hưởng thành quả mà các nghệ nhân đem lại.

Rất mừng là trong danh sách được phong tặng Nghệ nhân nhân dân lần này có nhiều nghệ nhân “danh đã vang bốn phương” mà tuổi đời đã bước vào tuổi xưa nay hiếm như “đệ nhất danh cầm” Nguyễn Phú Đẹ (Hải Dương), cụ Nguyễn Thị Vượn (nghệ nhân ca trù ở thôn Chanh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội)...

Qua hai đợt xét tặng nghệ nhân, có thể thấy các cơ quan chức năng mới chỉ chú ý nhiều đến loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Trong khi đó, theo quy định người được xét phong tặng là công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian.

Việc phong tặng cho nghệ nhân khi còn sống vừa góp phần trân trọng các báu vật sống, vừa giúp họ cải thiện bớt khó khăn trong cuộc sống dù rằng mức đãi ngộ tối đa cũng chỉ là 1 triệu đồng/nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng. Và khi nhìn vào chính sách quan tâm của Nhà nước, những thế hệ kế cận sẽ an tâm trau dồi học hỏi và tích cực thọ giáo các báu vật sống. Điều mà không làm nhanh các báu vật này sẽ đem tinh hoa về với tổ tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trân trọng báu vật sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO