Tranh cãi xung quanh mục tiêu ‘nâng cấp’ loa phường của Hà Nội

Hoàng Chiến 28/07/2022 19:26

Mới đây, UBND Hà Nội đã lên kế hoạch đến năm 2025, toàn bộ xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Vấn đề này vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, mục tiêu này được chính quyền TP Hà Nội đưa ra trong Chiến lược phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn TP.

Ảnh minh hoạ.

Theo đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu tổng quát là phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ đến cấp huyện, xã nhằm tương tác và phản ánh nhanh nhạy trước những tác động của thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường đến đời sống kinh tế - xã hội.

Với kế hoạch này, Hà Nội yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở bằng cách trong vòng 3 năm tới, 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Đến năm 2025, các địa phương sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

Bà Nguyễn Thị Bình (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), cho rằng: “Theo tôi cần sắp xếp lại hệ thống loa phường, phân bổ hợp lý, đặt loa tại địa điểm công cộng tránh ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và trật tự mỹ quan đô thị”.

Ngoài ra, theo bà Bình, nên sử dụng loa trong những trường hợp khẩn cấp, không phải lúc nào cũng phát vì sẽ gây cảm giác khó chịu cho người dân xung quanh.

“Mấy năm nay ngày nào vào lúc 6h30 và 17h âm thanh của loa phường to và phả trực tiếp vào nhà tôi khiến gia đình rất khó chịu. Cần di chuyển loa phường ra khỏi khu dân cư đông đúc vì mọi người đi làm về tầm 17h ,18h rất mệt mà phải nghe âm thanh của loa phường phát rất to sẽ gây nên cảm giác ức chế cho mọi người. Nếu có nâng cấp loa phường thì nên cân nhắc địa điểm đặt loa phường và thời gian phát loa để tránh gây ảnh hưởng tới người dân và mang lại hiệu quả tốt nhất có thể”, bà Bình cho hay.

Bên cạnh đó, bà Bình cũng khẳng định, nâng cấp loa phường là tốt bởi đợt dịch Covid-19 nghe loa phường mới nắm bắt được tình hình dịch bệnh như thế nào. “Lâu lâu loa phường phát nhạc cũng khá hay, âm lượng vừa đủ. Không phải nhà nào cũng có internet hay các phương tiện khác để cập nhật thông tin. Đợt dịch covid-19 thì chỉ biết nghe loa phường để cập nhật tình hình dịch bệnh, những người già như chúng tôi không biết sử dụng điện thoại máy tính hoặc ở những vùng mà không có internet thì loa phường là kênh duy nhất giúp chúng tôi biết được tình hình dịch bệnh, xã hội ra sao. Nên theo tôi nên nâng cấp loa phường để truyền tải thông tin tới người dân một cách tốt nhất”, bà Bình nói.

Còn ông Nguyễn Văn Hoà (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) thì lại cho rằng: “Dịch Covid-19 bùng phát, thời điểm đó ngoài đường không một bóng người. Mọi thông tin người dân tiếp nhận đều bằng các hệ thống mạng xã hội, xem trên ti vi hoặc đọc báo. Chẳng ai còn để ý đến loa phường, thậm chí còn thấy phiền bởi những âm thanh từ đó vì loa phát 24/24 và phát rất to. Lắp đặt một hệ thống cần rất nhiều sức lực, tiền bạc, thời gian... Nếu nâng cấp, chính quyền địa phương phải xem xét đến độ khả thi chứ không phải nâng cấp rồi để đó mà không mang lại hiệu quả”.

Ông Nguyễn Đức Cường (phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) thì nói: “Tôi thấy nâng cấp hệ thống loa phường là không cần thiết. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi mỗi phường đều có các nhóm facebook hay zalo riêng để cập nhật tình hình dịch bệnh. Các nhóm thông tin trên mạng xã hội đều hoạt động và phát huy hiệu quả rất tốt trong việc truyền tải thông tin tới người dân, thông báo về việc tiêm chủng vaccine hay test nhanh Covid-19.

“Bây giờ dịch bệnh cũng đã bớt căng thẳng rồi thì chúng ta vẫn có thể sử dụng các nhóm đó để thông báo thông tin tới mọi người. Lắp đặt nâng cấp loa phường rất tốn kém mà không phải ai cũng sẽ tiếp nhận được nguồn thông tin từ loa phường. Xã hội ngày càng phát triển, ai cũng có điện thoại riêng nên việc xây dựng các nhóm và cập nhật thông tin lên đó sẽ giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất và chính xác nhất”, ông Cường chia sẻ.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, chúng ta không phủ nhận tác dụng và vai trò của loa phường ở một số địa điểm, một số địa phương trong những thời điểm cụ thể. Đặc biệt, vai trò này được thể hiện nổi bật trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua.

Ngoài ra, tại một số địa điểm ở vùng sâu, vùng xa, miền núi khi các phương tiện thông tin chưa đến đó được, hệ thống truyền thanh cũng sẽ phát huy được tác dụng.

Tuy nhiên nếu bây giờ nâng cấp lại hệ thống này thì điều quan trọng là phải lựa chọn, khảo sát địa điểm, nơi nào cần thì sử dụng chứ không phải tất cả. Bên cạnh đó, cũng phải nghiên cứu, lựa chọn thời điểm phát và thông tin để phát để làm sao cho thông tin đó đến được với dân, dân chấp nhận và yêu thích thông tin đó.

Việc đại trà thông tin phát thanh không phải ở nào cũng cần thiết, nếu không cân nhắc kỹ sẽ gây ra ô nhiễm tiếng ồn. Chính bởi vậy, cần có sự lựa chọn về địa điểm phát, chất lượng thông tin và thời điểm phát với loa phường.

Trước khi muốn “nâng cấp” thì cần rà soát lại toàn bộ, xem hệ thống này đã hoạt động hiệu quả hay chưa. Công nghệ 4.0 đã phát triển rồi thì cần xem xét, nâng cấp thế nào nâng cấp ra sao để tích hợp hệ thống loa phường cho đạt hiệu quả tối ưu nhất, chuyên gia nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh cãi xung quanh mục tiêu ‘nâng cấp’ loa phường của Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO