Tranh chép, đạo đức và bản quyền

Ngọc Mai 21/11/2022 07:00

Những ngày gần đây giới mỹ thuật xôn xao vụ một họa sĩ đã ký tên mình lên tranh chép của một họa sĩ khác. Câu chuyện bắt đầu từ việc họa sĩ Lê Thế Anh - Giảng viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội lên tiếng về việc họa sĩ P.H.M sở hữu và ký tên lên 2 bức tranh chép tác phẩm của mình.

Tác phẩm Lì xì nhé thật (bên phải) và bản chép.

Đó là bức Lì xì nhé (họa sĩ Lê Thế Anh vẽ năm 2016) và bức Cô gái Dao Đỏ (vẽ năm 2013). Tác giả cho biết, hai tác phẩm đều đã được đăng ký quyền tác giả và đã bán cho nhà sưu tập. “Chính chủ” hai bức tranh kể trên cho biết, bất luận tranh ấy do ai chép, nhưng việc ký tên vào đó được hiểu là đánh dấu sở hữu của tác giả lên tác phẩm do mình sáng tạo nên. Trong trường hợp này là vi phạm quyền tác giả.

Trong khi đó, người đại diện của P.H.M cho biết, người vẽ mua 2 bức tranh chép nói trên từ nhiều năm trước, mà hoàn toàn không biết tác giả. Sau khi mua, thấy trên 2 bức tranh đã có sẵn chữ ký nên ghi thêm tên mình vào bên dưới chữ ký trên bức “Lì xì nhé”.

Cho dù đã có liên hệ hẹn gặp “chính chủ” để "trao đổi, giải quyết vụ việc", tuy nhiên họa sĩ Lê Thế Anh nói rõ chỉ đồng ý gặp P.H.M khi có xin lỗi bằng văn bản, công khai trên báo chí, trong văn bản xác nhận tiêu hủy 2 bức tranh chép.

Về việc này, nhiều họa sĩ cho rằng, khi sáng tác, các họa sĩ chân chính chú ý đến danh dự còn những nghệ sĩ họa sĩ "chép tranh” ký tên lên tranh thì không. Đó là những người không tử tế. Nói như họa sĩ Phạm Sinh thì việc mạo danh (ký tên mình lên tranh người khác) thì không họa sĩ nào làm như vậy. Còn họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng việc một người ký tên lên tranh chép là sai, kể cả mua tranh rồi ký tên, hay chép tranh xong ký tên cũng không đúng.

Tuy nhiên, ông Đoàn cũng lưu ý, họa sĩ cần đăng ký bản quyền để hạn chế bị ký tên lên tranh chép bởi thị trường tranh giả hiện nay rất khó kiểm soát.

Tác phẩm Cô gái Dao Đỏ thật (bên phải) và bản chép.

Lâu nay chuyện tranh chép, tranh “nhái”, tranh giả không xa lạ gì với thị trường mỹ thuật. Đáng tiếc là nó chỉ gây ồn ào một thời gian rồi lại chìm đi, khiến cho những “phi vụ đạo tranh” vẫn tiếp tục. Từ góc độ người sáng tạo nghệ thuật, trước hết là do không đăng ký bản quyền, hoặc giả khi phát hiện tranh của mình bị chép thì cũng chỉ dừng ở mức “kêu ca phàn nàn” mà không khởi kiện đòi quyền lợi chính đáng. Cũng chính vì vậy đã dẫn đến hậu quả, một số người đã chép lại, hoặc ăn cắp ý tưởng để vẽ những bức tương tự, mang bán. Dẫn đến việc “vàng thau lẫn lộn”, là mảnh đất dung dưỡng những đối tượng xấu trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vào hồi năm 2019-2020 cũng rộ lên vụ một bức tranh lụa được giải nhất do Hội Mỹ thuật thành phố Cần Thơ trao. Sau nhiều tranh cãi, ban tổ chức đã quyết định thu hồi do nghi vấn vay mượn, sao chép ý tưởng từ bức ảnh chụp của người khác. Nhìn bức tranh với tấm ảnh được một tác giả người Pháp chụp năm 1961 tại Việt Nam, cảnh hai đứa trẻ múc nước gáo dừa tắm cho nhau, ai cũng có thể thấy không chỉ ý tưởng mà còn cả góc nhìn, chỉ là một. Có nghĩa là người vẽ đã “ăn sẵn” sáng tạo của người khác, biến báo chút ít rồi lấy làm của mình. Khi bị “tố”, người vẽ bức tranh đã phản ứng gay gắt, gửi cả đơn kiện đến Tòa án nhân dân Cần Thơ.

Về vụ này, Ban Kiểm tra Trung ương của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, tác giả là người lười suy nghĩ, sao chép ảnh tác phẩm của người khác để thể hiện tác phẩm tranh lụa của mình, nhưng không chịu thừa nhận sai phạm, không tiếp thu ý kiến của Ban giám khảo và Ban tổ chức cuộc thi là không thực hiện đúng với Luật Bản quyền tác giả.

Tuy nhiên, nhìn vào “sự hỗn độn thật giả” của thị trường mỹ thuật cũng thấy nhiều việc phải bàn, ngoài sự cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp. Nói như ông Tạ Quang Đông-Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì vấn nạn tranh giả đang tồn tại như một “ung nhọt” làm tổn hại đến uy tín, danh dự của nền mỹ thuật Việt Nam. Ông Đông kêu gọi cơ quan quản lý nhà nước cũng như các thành phần của thị trường mỹ thuật phải liên kết với nhau, quyết liệt, rốt ráo, hổng chỗ nào phải tìm cách lấp chỗ đó.

Đáng tiếc là việc vi phạm đạo đức, vi phạm bản quyền không chỉ diễn ra trong lĩnh vực hội họa. Xã hội đã phải chứng kiến không ít những vụ “sao chép hồn nhiên” về thơ, nhạc, kiến trúc. Cách đây chưa lâu, Hội Nhà văn Việt Nam đã phải ra thông báo tạm thu hồi Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021, hạng mục nghiên cứu lý luận phê bình, trước đó được trao cho cuốn sách chuyên khảo "Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật". Cuốn sách bị tố sao chép hơn 40 đoạn, tương đương 11.700 chữ từ một đề tài cấp bộ.

Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định việc xử lý vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết các vụ vi phạm đều dừng ở mức độ phê phán. Vì thế, trở lại với vụ họa sĩ Lê Thế Anh phản ứng trước việc người khác kỳ tên vào 2 bức tranh chép tác phẩm của mình, rất cần làm sáng tỏ cả trên phạm vi đạo đức lẫn pháp luật, vì rằng bản quyền sáng tạo là rất quan trọng đối với bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào.

Việc ký tên tác phẩm được hiểu là việc đánh dấu sự sở hữu của tác giả lên tác phẩm do mình sáng tạo nên. Chữ ký của tác giả cũng là một phần không tách rời đối với toàn bộ bức tranh. Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là một trong các quyền nhân thân gắn liền với tác giả và không một tổ chức, cá nhân nào có thể xâm phạm dù là chủ sở hữu tác phẩm (không phải tác giả).

Quyền nêu trên được bảo hộ vô thời hạn theo quy định của khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, tất cả trường hợp xâm phạm quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 thì đều có thể bị xử lý xâm phạm bản quyền tác giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh chép, đạo đức và bản quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO