Tránh thất thu thuế thương mại điện tử

H.Hương 11/01/2022 14:14

Năm 2021, nhiều cá nhân có thu nhập hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Và như vậy, thu thuế từ thương mại điện tử được coi là “kho vàng” trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó do ảnh hưởng Covid -19.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành, đang thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài). Hiện có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Cụ thể, từ năm 2018 đến hết tháng 10/2021, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.263,82 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.641,75 tỷ đồng; Google là 1.573,24 tỷ đồng; Microsoft là 560,67 tỷ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 1.143,8 tỷ đồng.

Trong năm 2021 (tính đến ngày 3/12/2021), số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook, ... là 1.314 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 521 tỷ đồng; Google là 490 tỷ đồng; Microsoft là 164 tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song công tác quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử vẫn còn hạn chế. Số thuế thu được từ các hoạt động thương mại điện tử vẫn còn khá nhỏ bé so với quy mô của thị trường thương mại điện tử.

TS. Vũ Xuân Dũng (Trường Đại học Thương mại) cho rằng, việc phát hiện các trường hợp có hoạt động thương mại điện tử để truy thu thuế mới chủ yếu tập trung vào rà soát các cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động quảng cáo, bán hàng trực tuyến qua các trang web (B2C) và trên một số nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube,… (C2C) trong khi đó, cơ quan thuế chưa thực hiện việc rà soát, kiểm soát đối với các hình thức hoạt động thương mại điện tử khác như quảng cáo và bán hàng qua các thiết bị cầm tay (M-Commerce), quảng cáo rao vặt, tham gia đấu giá qua một trang web, giao dịch qua hệ thống hai đầu P2P, Forum, IRC, các phần mềm nói chuyện qua mạng như Zalo, Yahoo, Skype... đặc biệt là các hình thức tham gia giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số.

Bà Lan Anh khẳng định: “Với những đặc trưng của nền kinh tế số và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế”.

Theo bà Lan Anh, đối với hoạt động thương mại điện tử mua bán hàng hoá, dịch vụ trong nước phát sinh nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, các giao dịch mang tính nhỏ lẻ; phát sinh trường hợp người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế; cơ quan thuế không xác định được địa điểm kinh doanh, khó xác định cơ quan thuế quản lý; thời gian kinh doanh của người nộp thuế diễn ra liên tục 24/7…

Đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định; DN nước ngoài thường viện dẫn theo Hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập DN…

Trước thực tế đó, giới chuyên gia cho rằng cần phải tiếp tục chú trọng đầu tư, xây dựng kho dữ liệu của ngành thuế theo hướng tăng cường sử dụng các ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ Bigdata, IOT và AI để kết nối, thu thập thông tin, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Nhà nước, đồng thời tích hợp chức năng thu thập thông tin từ các trang mạng xã hội, các trang web bán hàng, các sàn giao dịch trực tuyến,… để đảm bảo có thể thu thập đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh thất thu thuế thương mại điện tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO