Tránh tinh giản cơ học

An Hà 26/11/2022 07:00

Việc TPHCM chủ trương sắp xếp cán bộ tổ dân phố, tổ nhân dân từ nay đến hết quý I/2025, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Theo mô hình mới, TPHCM bỏ cấp tổ dân phố, tổ nhân dân; qua đó giảm từ 27.400 xuống 5.200 khu phố/ấp, tức là giảm khoảng 80%. Theo đó, một khu phố sẽ có ít nhất 450 hộ với bình quân 1.800 nhân khẩu; ấp có 350 hộ trở lên với 1.400 nhân khẩu. Nếu theo quy chuẩn này, TPHCM sẽ có 277 khu phố/ấp dưới chuẩn phải gộp lại, 926 trên chuẩn phải chia tách, còn 801 giữ nguyên.Khi TPHCM hoàn thành việc sắp xếp lại cán bộ tổ dân phố, tổ nhân dân thì sẽ giảm từ hơn 64.000 người còn hơn 26.000 người, tương đương 59%. Trong số này đã có 2 chức danh bổ sung cho khu phố/ấp sau khi sáp nhập là Chi hội trưởng Phụ nữ và Bí thư chi Đoàn thanh niên. Mỗi khu phố/ấp sẽ có 1 đội trưởng, dân quân tại chỗ; 1 tổ bảo vệ dân phố.

Theo tính toán, việc sắp xếp lại sẽ giảm đáng kể số chức danh hưởng phụ cấp hàng tháng ở mỗi địa bàn dân cư, tổng kinh phí giảm từ 527 tỷ đồng xuống gần 483 tỷ đồng, tương đương 8%. Cũng có nghĩa là TPHCM tiết kiệm được hơn 44 tỷ đồng mỗi năm.

Về chủ trương này, có 2 luồng ý kiến chính là đồng tình và băn khoăn, cũng có thể hiểu là chưa đồng tình.

Theo Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải thì chủ trương này không phải xóa bỏ mà là tổ chức lại các tổ dân phố, tổ nhân dân. Những người đang công tác ở đây vẫn có thể làm tiếp tại khu phố/ấp sau sắp xếp. Lợi ích của thay đổi này là tinh gọn bộ máy, nhờ đó chính sách hỗ trợ cho 5 chức danh ở khu phố/ấp sẽ tăng lên.

Đồng tình, TS Thái Thị Tuyết Dung - Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, cho biết mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân của thành phố vốn không phù hợp với quy định của Bộ Nội vụ từ năm 2012. Bây giờ bỏ là hơi muộn và cần phải bỏ một cấp để phù hợp với quy định chung của cả nước. Bà Dung cũng cho rằng việc này sẽ là động lực để TPHCM thay đổi cách thức quản lý, chuyển từ thủ công sang số hóa. Người dân cũng tăng sự chủ động trong hoạt động hành chính, thay vì phụ thuộc vào tổ trưởng như hiện nay.

Trong khi đó, nhiều ý kiến băn khoăn về việc sắp xếp lại sẽ lại càng giảm số người làm việc, trong khi nhiều nơi đã quá tải. Trong lúc vai trò dân vận, cầu nối giữa xã, phường tới người dân của tổ dân phố, tổ nhân dân hiện rất lớn. Cán bộ cơ sở giúp xác minh nhân thân, tạm trú, hồ sơ nhà đất; thống kê dân số, nhu cầu lao động; thông báo hồ sơ, đăng ký thuế... rất cần đến sự hỗ trợ của tổ dân phố. Thêm nữa, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố có vai trò quan trọng trong hoà giải các xích mích xóm giềng mà lên phường chưa chắc hiệu quả bằng.

Còn có thể dẫn ra nhiều ý kiến nữa, đồng thuận và chưa đồng thuận, tuy nhiên 2 ý kiến nêu trên đã khá tiêu biểu. Vậy, chọn phương án nào?

Theo TS Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì các tổ dân phố phù hợp với các địa bàn rộng, đi lại và giao tiếp khó khăn. Tổ trưởng như người đại diện chính quyền cơ sở, phổ biến và thực thi chính sách, đồng thời lắng nghe nguyện vọng người dân, tư vấn cách giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tế. Tuy nhiên, với đô thị hiện đại, dân trí cao, đông dân như TPHCM và giao thông, giao tiếp giữa chính quyền với người dân thuận lợi đã làm giảm vai trò của tổ trưởng dân phố, khiến mô hình này không còn phù hợp. Từ đó ông Đáng cho rằng, quan trọng là sau sắp xếp chính quyền thành phố cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các trưởng khu phố/ấp để làm tốt cầu nối giữa chính quyền và người dân. Đồng thời, các kênh giao tiếp cần hiện đại để người dân trực tiếp giải quyết với chính quyền, giảm bớt công việc của trưởng khu.

Tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã và đang được triển khai nhằm giảm cồng kềnh, tăng hiệu lực, hiệu quả bộ máy. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tinh giản theo lối cơ học đã ảnh hưởng lớn tới chủ trương này. Có nơi vì thế mà hoạt động của bộ máy không trơn tru, trái lại còn xộc xệch.

Vì thế, việc TPHCM chủ trương sắp xếp cán bộ tổ dân phố, tổ nhân dân theo hướng giảm mạnh rất cần được thí điểm tại một số xã/phường, ít ra là 2 năm, để có cơ sở thực tế tổng kết rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào góc độ kinh tế, việc giảm mạnh từ hơn 64.000 người còn hơn 26.000 người, tương đương 59%, nhưng chỉ tiết kiệm được cho ngân sách thành phố 44 tỷ đồng mỗi năm thì hiệu quả không cao so với tổng thu ngân sách hàng năm của TPHCM: Theo Cục Thống kê TPHCM, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lũy kế 10 tháng của năm 2022 ước thực hiện 392.791 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh tinh giản cơ học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO