Trên Cao nguyên đá

Mai Hoàng 02/05/2017 09:00

Dựa trên truyện vừa của nhà văn Đỗ Bích Thúy viết cách đây 10 năm, bộ phim truyền hình 32 tập “Lặng yên dưới vực sâu” phát sóng vào lúc 14h30 thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trên VTV3 thu hút sự chú ý của khán giả truyền hình. Bộ phim lấy bối cảnh vùng cao nguyên đá Hà Giang với nhiều cảnh quay tuyệt đẹp nhưng quá trình làm phim ở một trong những nơi thiếu thốn, khó khăn nhất đã để lại cho đoàn làm phim những trải nghiệm khó quên.

Cảnh trong phim "Lặng yên dưới vực sâu".

Tái hiện nhiều tục lệ vùng cao

“Lặng yên dưới vực sâu” do chính nhà văn Đỗ Bích Thúy chuyển thể sang kịch bản phim truyền hình, được Đào Duy Phúc đạo diễn. Phim xoay quanh chuyện tình yêu của đôi trai gái người Mông, Vừ (Nguyễn Đình Tú đóng)- chàng trai tài giỏi tốt bụng đem lòng yêu Súa (Đỗ Phương Oanh đóng)- một cô gái xinh đẹp mạnh mẽ. Tuy nhiên mối tình này bị ngăn trở vì gia đình Vừ nghèo, còn Súa bị Phống- thanh niên nhà giàu cướp về làm vợ. Không đến được với Vừ, Súa trao duyên cho bạn thân tên Xí tuy nhiên hai con người yêu thương nhau luôn khao khát tự do và vượt qua số phận.

Phim được xây dựng trên bối cảnh cao nguyên đá Mèo Vạc và Đồng Văn hùng vĩ với những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, sương khói bảng lảng, những ngôi nhà ẩn sau bờ rào đá, những tà váy xòe rực rỡ của các cô gái Mông, đặc biệt là những cánh đồng hoa tam giác mạch hồng rực trải khắp các triền núi…

Đạo diễn Đào Duy Phúc cho biết, để thực hiện bộ phim này, trước khi bấm máy anh đã đi khắp các huyện của Hà Giang, từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Phó Bản, cho đến Mèo Vạc. “Ban đầu chúng tôi dự định quay ở huyện nào đó gần gần, để còn chạy đi chạy lại cho tiện”, đạo diễn tiết lộ. “Nhưng đúng là theo kịch bản, thì phải chọn Đồng Văn hoặc Mèo Vạc, mới tìm được những ngôi nhà có bờ rào đá”.

Bên cạnh những cảnh đẹp của Hà Giang như mùa hoa tam giác mạch, lễ hội Gầu Tào, chợ phiên... được xuất hiện trong phim như lời tiếp thị cho ngành du lịch Hà Giang thì bộ phim cũng đề cập đến nhiều nét văn hóa của người Mông ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Đạo diễn Đào Duy Phúc kể, để có thể đưa lên phim những nét văn hóa ấy, anh đã phải tự tìm hiểu rất nhiều về văn hóa Mông, tìm sự tư vấn từ cán bộ văn hóa của Sở VHTT&DL Hà Giang là anh Phùng Đình Kì. Tuy nhiên, trong quá trình quay phim có nhiều sự khác biệt, có những điều Sở VHTT&DL Hà Giang nói thế này, nhưng người dân lại nói khác. Đạo diễn tiết lộ: “Phong tục người Mông mỗi nơi một khác nhau, cứ cách 5km là đã khác rồi. Có những lúc tôi phải dừng quay mấy tiếng để bàn cho ra chi tiết mới làm tiếp”.

Bên cạnh đó, bộ phim cũng phải quay trong thời gian dài tới 4 tháng. Lý giải điều này, đạo diễn cho biết: Trong kịch bản có đề cập đến lễ hội Gầu Tào, tức Tết của người Mông. Không có đoàn làm phim nào có điều kiện dựng bối cảnh lên tới hàng ngàn người như thế nên chúng tôi phải đợi đến đúng Tết Gầu Tào để quay.

Phương Oanh trong cai Súa.

Vượt khó khăn, nguy hiểm

Để hoàn thành 32 tập phim đoàn làm phim còn phải đối diện với nhiều khó khăn khi quay tại Hà Giang. Một khó khăn lớn, đó chính là điều kiện ăn ở, sinh hoạt ở những nơi quay phim, vô cùng gian khổ. “Không một chỗ nào đủ chứa cả đoàn làm phim 50-60 người ở hàng tháng trời. Chúng tôi phải tìm đủ mọi cách, thậm chí tính nước ở nhờ trường học, nhà khách ủy ban… Làm sao phải đủ chỗ cho mọi người, điều kiện sinh hoạt cũng phải tương đối để bảo đảm sức khỏe cho các thành viên đoàn làm phim”, đạo diễn Đào Duy Phúc kể.

Kế đó, đường lên Đồng Văn và Mèo Vạc rất vất vả. “Thời điểm chúng tôi quay là vào cuối năm 2016, trời rất rét, lại khô hạn, thiếu nước. Có những cảnh quay đặc biệt, diễn viên phải vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình để thực sự nhập tâm vào vai diễn”, đạo diễn kể tiếp.

Trong khi đó, diễn viên Phương Oanh (vai Súa) nhớ lại: “Khi đoàn làm phim mới lên, trời còn mát mẻ, dễ chịu, hoa tam giác mạch nở rộ khắp nơi, cả đoàn ai cũng sững sờ và thích thú trước vẻ đẹp ấy. Nhưng sang đến tháng 11, 12, trời chuyển lạnh, và sau đợt không khí lạnh đầu tiên, cảm giác chung của mọi người là không thể chịu nổi”.

Dẫn chứng cụ thể hơn, diễn viên Đình Tú (vai Vừ) kể: “Trời Hà Giang rét cắt da cắt thịt, mặc áo phao dày còn lạnh, nhưng khi chúng tôi vào vai diễn thì phải mặc áo rất mỏng. Tôi phải dùng tới 6-7 miếng dán giữ nhiệt quanh người mới đủ ấm”.

Khó khăn về thời thiết cũng chỉ là một trong những thử thách mà diễn viên phải vượt qua. Để có những cảnh quay chân thực, đạo diễn Đào Duy Phúc đã cho diễn viên gùi cỏ, cuốc xẻng với độ nặng giống như bà con người Mông vẫn gùi hàng ngày. Diễn viên Minh Phương (vai bà Máy) đã phải gùi một gùi nặng cỏ cao hơn đầu người, đi trên con đường mòn hiểm trở… Diễn viên Đình Tú tiết lộ thêm: “Những cảnh leo trèo, chạy nhảy trên con đường chênh vênh miệng vực, một bên là đá tai mèo sắc nhọn cũng khá thót tim. Tôi còn nhớ cảnh tập cưỡi ngựa, đầu đội mũ bảo hiểm, rồi gùi thật nặng, sau đó cả người đau ê ẩm hàng tuần trời”.

Hầu hết các diễn viên trẻ đều sống ở thành phố, nên để thể hiện nhân vật của mình một cách chân thực nhất, đều phải làm quen với các dụng cụ lao động của người Mông. Như với diễn viên Phương Oanh, cô đã phải tập làm những công việc hàng ngày của một cô gái Mông như tẽ ngô, xay ngô, cắt cỏ… Không những luyện tập mà còn phải làm thật thành thạo để lên phim được chân thực nhất.

Đạo diễn cũng tiết lộ, để thực hiện được bộ phim này, cả đoàn phim phải đối mặt rất nhiều nguy hiểm về địa hình đường núi treo leo. Cảnh quay nguy hiểm nhất trong phim chính là ở Mã Pí Lèng. Bên sản xuất phải luôn mang theo thiết bị hỗ trợ đoàn phim.

“Lặng yên dưới vực sâu” là một nỗ lực của những người làm phim truyền hình nhằm đưa đến cho khán giả những câu chuyện cuộc sống sinh động của bà con vùng cao. 32 tập phim hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị. “Mặc dù câu chuyện được viết cách đây 10 năm nhưng trước khi bắt tay thực hiện bộ phim tôi đã phải nghiên cứu nhiều tài liệu, đi thực tế tại nhiều huyện của Hà Giang có đồng bào Mông sinh sống. Và tôi nhận ra, tục bắt vợ không hề cũ mà đó là tục lệ truyền thống của người Mông. Tôi muốn thông qua bộ phim để chuyển tải hơi thở cuộc sống hiện nay của bà con, mang đến góc nhìn sâu hơn về hậu quả của tục bắt vợ”, đạo diễn Đào Duy Phúc chia sẻ.

Trong phim, nhân vật Súa trải qua nhiều đau khổ vì những hủ tục đã ăn sâu vào tư tưởng của đồng bào vùng cao. Cô bị chia cách tình yêu, không được tôn trọng và đầu tắp mặt tối từ sáng sớm đến tối khuya vì gánh vác mọi công việc trong gia đình. Diễn viên Phương Oanh đã sống cùng đoàn làm phim 4 tháng tại Hà Giang và nhận được sự giúp đỡ của bà con dân tộc ở đây. Nói về nhân vật mà mình hóa thân (Súa), Phương Oanh cho biết đây là nhân vật không hoàn toàn hư cấu mà là hình ảnh chân thực tới 90% của các cô gái vùng cao. “Ở đó, phụ nữ như con trâu con bò trong nhà, lưng địu con, tay làm các công việc trong nhà và đồng áng. Có lẽ đó là những tư tưởng ăn sâu vào phong tục tập quán mà họ khó có thể thay đổi”, Phương Oanh tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên Cao nguyên đá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO