Trên đường băng cất cánh

Miên Thảo 14/03/2022 06:30

Chỉ còn 1 ngày nữa, ngày 15/3 là chúng ta rộng cửa hồi phục, phát triển du lịch. Không chỉ ngành du lịch trông chờ mà cộng đồng doanh nghiệp, người làm trong lĩnh vực du lịch, các địa phương và người dân cũng rất phấn khởi.

Chào mừng những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên tới Việt Nam. Chuyến bay được thực hiện bởi Vietnam Airlines, hành trình từ Seoul (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng, chiều ngày 17/11/2021.

Kể từ đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã có chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để khôi phục, phát triển kinh tế. Từ đó, các lĩnh vực hoạt động xã hội dần dần sôi động. Riêng đối với du lịch cũng đã từng bước thí điểm hoạt động trở lại, nhất là du lịch nội địa. Một số địa phương được thí điểm đón khách quốc tế “hộ chiếu vaccine) như Hội An (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa)… tuy lượng khách chưa nhiều nhưng bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan, nhất là về độ an toàn trong phòng, chống dịch. Gần như tuyệt đối không có ca dương tính lây lan ra cộng đồng từ khách du lịch quốc tế.

Trên tinh thần đó, để mở cửa thành công mà du lịch như người lính tiên phong, mới đây Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1560 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026. Đáng chú ý khi Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới; khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, trên tinh thần “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Đây là động thái cần thiết để gỡ bỏ mọi rào cản (nếu có) để Việt Nam thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn; cũng là để “lấy lại thời gian đã mất” sau hơn 2 năm đình trệ do Covid-19.

Tuy nhiên, để du lịch cất cánh, không chỉ một mình ngành này làm được mà cần có sự phối hợp, hỗ trợ và thống nhất trong triển khai giữa các bộ ngành liên quan cũng như các địa phương, nhất là những địa phương trọng điểm du lịch. Về các bộ ngành, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn thì trước tiên phải là Bộ Y tế. Cách đây chưa lâu, do phòng dịch, Bộ Y tế vẫn duy trì một số biện pháp kiểm soát chặt chẽ, kể cả với du khách quốc tế. Tuy nhiên, gần đây, Bộ Y tế cũng đã sửa đổi, nới lòng nhiều quy định không thật cần thiết (như test xét nghiệm khi nhập cảnh, kiểm tra Hộ chiếu vaccine…). Sự tháo gỡ này là đặc biệt quan trọng, giảm phiền hà cho du khách, theo thông lệ quốc tế mà nhiều nước đã và đang áp dụng.

Tiếp đó là ngành giao thông với chức năng vận chuyển (quốc tế, trong nước). Khi Bộ Y tế đã tháo dỡ nhiều quy định chặt chẽ thì Bộ Giao thông cũng có cơ sở để vận chuyển hành khách mà không còn ngại việc kiểm tra quá phiền phức. Còn ngành Du lịch thì đương nhiên sẽ vào cuộc một cách chủ động, không chỉ là từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà là cách doanh nghiệp du lịch trong vai trò chủ công.

Trong sự phối hợp ấy, vai trò của các địa phương cũng rất quan trọng. Không thể ra những quy định phòng, chống Covid-19 của riêng địa phương mình, làm trái quy định chung của Trung ương. Nếu mỗi địa phương vẫn “cát cứ”, “quyền anh quyền tôi” theo kiểu lệ làng thì du lịch cũng sẽ lại rơi vào tình thế đơn độc, các tour thiếu liên kết, hiệu quả kém.

Rất mừng là chúng ta đã mạnh dạn mở cửa du lịch, nhưng không phải là không có nỗi lo. Đó là trong vòng hơn một tháng qua, với biến thể Omicron, dịch lây lan rất nhanh và rộng; số ca mắc trong ngày cao (đều ở mức trên 150.000 ca). Đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội, dịch Covid-19 vẫn như con sóng dữ mỗi ngày đều vượt trên 30.000 ca. Thành phố Hồ Chí Minh tuy lần này dịch không bùng phát mạnh nhưng số ca mắc mới cũng đã tăng dần, trên dưới 3.000 ca/ngày. Nha Trang, điểm đến hấp dẫn với du khách thì tuy số ca mắc mới không cao nhưng dịch vẫn “đi ngang” quá lâu, chưa “xuống đáy” như mong muốn.

Tất nhiên không vì thế mà chúng ta sợ hãi, đóng cửa. Thời gian gần đây tuy số ca mắc mới cao nhưng số ca chuyển bệnh, bệnh nặng cần can thiệp y tế cũng như số ca tử vong rất ít. Đó là cơ sở thực tế cho thấy dịch Covid-19 đang dần trở thành bệnh đặc hữu. Mở cửa nhưng không “buông” các biện pháp phòng dịch cơ bản, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ cất cánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên đường băng cất cánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO