Tri ân các cựu tù, liệt sĩ trong kháng chiến chống ngoại xâm

Thành Luân 24/07/2017 21:29

Tối ngày 24/7, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), CLB Truyền thống Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam tổ chức long trọng lễ kỷ niệm, giao lưu và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, tôn vinh các cựu tù chính trị, tù binh đã đấu tranh trong các nhà lao trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Một tiết mục văn nghệ phối hợp giữa các thế hệ cựu tù, cựu chiến binh và đoàn viên, thanh niên biểu diễn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Hồng Phúc.

Sự kiện được tổ chức tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM, vốn trước đây là Khám lớn Sài Gòn, nơi ghi dấu các cuộc đấu tranh yêu nước của các tù nhân chính trị, nhân dân, trí thức, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định phản đối chiến tranh. Buổi lễ đặc biệt có sự tham dự của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; ông Trần Văn Mảnh (Hai Văn), nguyên Tổng Đội trưởng Tổng Đội TNXP Giải phóng; cựu tù chính trị Bùi Thị Son; đại diện gia đình các nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ.

Theo ông Nguyễn Hữu Châu, con trai cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB Truyền thống Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam, một trong những trận chiến thắng giặc Mỹ đầu tiên diễn ra ở Đồng Xoài, có sự đóng góp rất lớn đoàn viên thanh niên Mật khu R. Trong mùa khô 1966-1967, lực lượng đoàn viên thanh niên R tiếp tục là nòng cốt trong lực lượng du kích, cùng các lực lượng vũ trang đánh bại trận càn Gian-xơn Xi-ti (Junction City Operation), gồm 45.000 quân Mỹ đánh vào căn cứ địa cách mạng ở bắc Tây Ninh. Trận này, hàng trăm đoàn viên, thanh niên R đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe tăng, diệt máy bay được tuyên dương.

Ông Nguyễn Hữu Châu, con trai cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Hồng Phúc.

Trong xuân Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Hữu Châu cho biết, đoàn viên thanh niên R đã chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng, xứng đáng là những biệt động ưu tú. Cuối năm 2014, Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tại lễ kỷ niệm, ông Lê Hồng Tư, Phó Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP HCM nói, trong tâm trí ông còn nhớ nhiều cái tên thanh niên, mà hành động dũng cảm của họ xứng đáng là những anh hùng. Riêng ở TP HCM thời gian qua hình thành một ban liên lạc trên 10.000 tù binh từng bị bắt, bị tù đày ở khắp các nhà tù trong cả nước, như Hỏa Lò, Sơn La, Phú Quốc, Côn Đảo, Khám Lớn, Côn Đảo, Chí Hòa, nhà lao Gia Định,…

Theo ông Tư, tại những nơi này nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào các giai đoạn đó như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thị Minh Khai, Đỗ Mười, Nguyễn Thọ Chân…

Hình ảnh anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trở thành bất tử trong mỗi Đoàn viên, thôi thúc tuổi trẻ thế hệ của anh quyết tâm làm bằng hai, bằng ba để trả thù rửa hận cho dân tộc. Tử tù Nguyễn Đức Chinh trước khi bị bắn đã tuyên bố đanh thép “Tôi tin đến lúc chết, nước Việt Nam sẽ độc lập”. Nguyễn Văn Trường tuyệt thực đến ngày thứ 72 khi đang bị liệt cột sống, nằm bất động, buộc địch ngừng đợt khủng bố.

“Niềm kiêu hãnh ngự trị dù bị họng súng, lưỡi lê vây quanh, nhưng vũ lực không thể thắng được trái tim người cộng sản yêu nước, con trai của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tự hào chia sẻ.

Các cựu tù chính trị tiêu biểu giao lưu tại lễ kỷ niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ Trung ương cục miền Nam. Ảnh: Hồng Phúc.

Ông Trần Văn Mảnh, nguyên Tổng Đội trưởng Tổng Đội TNXP Giải phóng nhớ lại sự tàn khốc của 2.000 nhà tù giam địch ở khắp miền Nam, mà trong đó có nhà lao thanh thiếu niên Đà Lạt mà chế độ Sài Gòn gán cho cái tên mỹ miều “Trung tâm cải huấn thanh thiếu niên”. Ông Mảnh cho biết, thực chất đây là trại giam các thiếu niên bị bắt ở các tỉnh miền Nam, từ 17 tuổi trở xuống. Quản giáo nhà tù này rất độc ác, không kém gì ở Côn Đảo, Phú Quốc. Những cai ngục thậm chí được đào tạo bài bản để biến các em thành tội phạm độc ác để quay lại giết hại đồng bào của mình.

“Thế nhưng chúng đã lầm to. Nhiều em rất khí phách, dũng cảm đến mức tự mổ bụng, tuyệt thực và vận dụng nhiều hình thức đấu tranh khiến kẻ thù phải nao núng”, ông Mảnh chia sẻ.

Tại lễ kỷ niệm, các nhân chứng, cựu tù chính trị dù đã ngoài 70, 80 tuổi cũng đã chia sẻ những thời khắc không quên của lịch sử nước nhà. Họ tri ân vong linh của hàng vạn liệt sĩ, trong đó có 74 cán bộ, chiến sĩ, liệt sĩ Gạc Ma. Đó là những ngọn đuốc bất tử chiến đấu dũng cảm đếnh ơi thở cuối cùng, ôm chặt lá quốc kỳ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo biên cương của Tổ quốc.

“Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta kính cẩn, nghiêng mình trước họ. Những ngọn đuốc bất tử”, cựu tù chính trị Bùi Thị Son xúc động nói tại buổi lễ, đồng thời mong muốn “Không có sự tri ân nào đúng đắn hơn ngoài việc tiếp tục xứng đáng sự nghiệp của những người đã khuất”.

Dịp này, CLB Truyền thống Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam đã tặng quà cho các cựu tù chính trị tại các trại giam của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và trao học bổng cho con cháu các cựu tù, liệt sĩ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tri ân các cựu tù, liệt sĩ trong kháng chiến chống ngoại xâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO