Trị bệnh 'hành' doanh nghiệp

Nguyên Khánh 17/05/2020 07:30

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính Phủ gặp gỡ doanh nghiệp mới đây, sau hơn 3 giờ lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành địa phương không được đổ qua, đổ lại làm chậm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đang chờ giải quyết nhanh của các cơ quan nhà nước, các địa phương để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Không được ngăn sông, cấm chợ, phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Trị bệnh 'hành' doanh nghiệp

Doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.

“Không được đá qua đá lại”, “ngâm” hồ sơ mất cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN để lực lượng này dốc sức tạo sức bật cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp gặp khó không chỉ vì Covid-19

Các DN gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh là điều rất rõ. Kết quả khảo sát 126.565 DN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có tới 85,7% số DN trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%, một số ngành tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục đào tạo là 93,9%. Có tới 57,7% số DN bị ảnh hưởng cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh, 47,2% DN có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được…

Hiểu được những điều khó khăn mà DN đang gặp phải, Chính phủ đã tung ra nhiều gói hỗ trợ để DN chung tay, sát cánh cùng Chính phủ khôi phục nền kinh tế. Rất nhiều gói chính sách về thuế, phí, lãi suất đã nhanh chóng được ban hành, tuy nhiên kết quả của những sự hỗ trợ này còn chưa được như mong muốn.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, nếu so sánh thì có thể còn khập khiễng, nhưng cảm giác chung là trên trận tuyến chống dịch bệnh thì chúng ta có thể yên tâm, nhưng trong hỗ trợ DN còn quan ngại. Quan ngại vì chúng ta đã xác định phải thực hiện nhiệm vụ kép “chống dịch là ưu tiên, hỗ trợ DN là quan trọng”, nhưng dường như việc hỗ trợ DN chưa được triển khai thật quyết liệt, khẩn trương như chống dịch và vẫn có hiện tượng các bộ, ngành không nhất quán, mỗi địa phương làm một kiểu.

Như việc Thủ tướng đã nói “không được ngăn sông, cấm chợ, phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh”. Chính phủ nỗ lực giãn, hoãn, giảm thuế, bơm tín dụng, giảm thủ tục phiền hà cho DN, nhưng có địa phương vẫn phát lệnh cấm sản xuất, đóng cửa công trường, ngăn không cho xe chở nguyên vật liệu và lao động ra vào tỉnh, thành… gây ắc tách cho sản xuất.

“Khi tôi hỏi lãnh đạo các DN lớn, ngay cả trong lúc khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 xem họ cần gì, thì họ đã nói rất thẳng thắn và chân thành rằng, biết Nhà nước khó khăn, DN không xin tiền mà chỉ xin cơ chế. Như vậy, chúng ta cần hiểu một điều rất giản dị rằng, chính sự minh bạch, đơn giản hóa, để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là cứu cánh bền vững cho các DN”- Chủ tịch VCCI nói.

Gây khó cho DN nhất là vin vào các quy định, thủ tục hành chính đó là điều biết rồi khổ lắm nói mãi. Theo kết quả mới đây nhất khi công bố về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, VCCI cho biết, vẫn còn rất nhiều điều chưa được như kỳ vọng, nhất là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. Theo đó, có 59% DN gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 53% DN gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch. Có 43% DN gặp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư... Một khoản phí được gọi là chi phí không chính thức dù đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số DN phản ánh phải trả các chi phí không chính thức.

Minh chứng cụ thể về sự gây khó từ chính quyền đối với DN, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay: Không chỉ gây khó dễ, “tôi nắm được, có đồng chí phó phòng cầm hồ sơ của DN nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND TP cũng kéo dài đến 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất từ năm 2018 của Sở Tài nguyên Môi trường chuyển cho Sở Tài chính, nhưng các đồng chí không nhập vào hệ thống hồ sơ, xem xong lại “đá qua đá lại, có hồ hơ đá qua lại đến 6 vòng từ năm 2018 đến nay. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu.

Không thể cứ đổ qua đổ lại

Sau hơn 3 giờ lắng nghe các ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị Thủ tướng với DN mới đây, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương quan tâm xử lý kiến nghị DN nhanh hơn, thuận lợi hơn. “Không được đổ qua, đổ lại làm chậm mất thời cơ kinh doanh của DN. Tất cả DN đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan nhà nước, các địa phương tháo gỡ khó khăn”.

Trị bệnh 'hành' doanh nghiệp - 1

Một biếm họa cho thấy thủ tục hành chính rườm rà vẫn hành doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, các nhà đầu tư để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển thời gian tới. Các bộ, cơ quan liên quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn ở địa phương mình, nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển.

Trong đó Thủ tướng nhấn mạnh một số ý như: Cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục tháo gỡ cho DN phát triển, nhất là những vướng mắc tại các địa phương. Đặc biệt quan tâm tới các DN và người lao động yếu thế, các DN nhỏ và vừa.

Theo đó, từ thực tế công việc hằng ngày, chúng ta cần thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng, nhũng nhiễu theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát, luân chuyển hợp lý; kiên quyết chỉ ra và có biện pháp khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, DN. Một nội dung quan trọng khác là khẩn trương rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính.

Những năm qua, đã có nhiều tỉnh, thành phố thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân, DN đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là những nội dung cần được thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả thực chất hơn và phạm vi rộng hơn nữa. Các địa phương, sở, ngành cần mở rộng việc công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, DN, nhất là về hành vi “tham nhũng vặt”; cần công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, DN và khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử đến các địa phương…

Một trong những nội dung quan trọng cần thực hiện nghiêm túc là giám sát, thanh tra, kiểm tra đột xuất hoạt động thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà. Các đoàn thanh tra phải hoạt động nghiêm minh, không bao che, không né tránh, không nể nang để hoàn thành nhiệm vụ, không hình thức. Cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu và xử lý hình sự đối với hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật…

Trị bệnh 'hành' doanh nghiệp - 2

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Không để cơ hội trôi qua

Việt Nam đang đứng trước 2 cơ hội lớn là dịch chuyển dòng vốn nước ngoài và những lợi thế về việc sớm ký kết FTA với EU. Dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra nhưng đây lại “cơ hội vàng” để Việt Nam bứt tốc thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này thì trước mắt Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề lớn còn tồn đọng. Thứ nhất là môi trường kinh doanh, các DN châu Âu không chấp nhận chuyện tham nhũng hay bôi trơn. Thứ hai là việc sở hữu trí tuệ. Bản quyền, thương quyền bị xâm hại, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường làm các DN châu Âu e ngại. Và cuối cùng là thời gian, các DN châu Âu họ nắm bắt cơ hội rất nhanh nhưng không thể chờ tới vài năm để cấp phép một dự án. Thời gian quá lâu đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh trôi qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trị bệnh 'hành' doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO