‘Trị bệnh’ thiếu thuốc: Cần trúng và đúng

VIỆT THẮNG (thực hiện) 28/09/2022 05:58

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao đang diễn ra tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước. Theo TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc Tổng hội Y học Việt Nam - cần phải đánh giá nghiêm túc, tổng thể vấn đề này để tìm ra vướng ở đâu. Về thể chế hay quá trình tổ chức thực hiện, nguyên nhân chủ quan, khách quan,… từ đó mới có thể đưa ra các giải pháp đúng và trúng.

TS Nguyễn Huy Quang.

Người bệnh mất nhiều quyền lợi

PV: Dù có nhiều chỉ đạo song tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế, đặc biệt là vật tư tiêu hao đang diễn ra tại nhiều bệnh viện trong cả nước, nhiều địa phương. Mới đây nhất Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương thiếu cả thuốc gây tê. Thưa ông, việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế sẽ gây ra những hệ lụy gì?

TS NGUYỄN HUY QUANG: Tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, đặc biệt là vật tư y tế, hóa chất trải dài trong cả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cho tới các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể các trạm y tế tuyến xã. Việc thiếu thuốc, trang thiết bị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, đến công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh. Bởi khi thiếu thuốc bảo hiểm y tế thì người bệnh sẽ phải bỏ tiền túi của mình ra để mua thuốc, vật tư tiêu hao ở ngoài, bù đắp lại những thuốc đã thiếu theo danh mục do bảo hiểm y tế chi trả.

Khi người bệnh phải bỏ tiền túi ra khám bệnh, chữa bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, từ đó dẫn đến mất công bằng và an sinh xã hội. Lẽ ra số tiền đó phục vụ cho học tập, sinh hoạt, duy trì cuộc sống gia đình, kể cả tích lũy nhưng người bệnh lại phải bỏ tiền ra để mua thuốc, vật tư tiêu hao.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đang diễn ra tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế. Ảnh: N.Thịnh.

Để xảy ra chuyện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, theo ông, đâu là nguyên nhân chính? Có phải do tâm lý e ngại “sợ” mua sắm?

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ở đây có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do hơn 2 năm thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 cả Việt Nam và các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng nên đã cắt đứt các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt là các chuỗi liên quan đến logistics, bảo quản, vận chuyển, tiền công, tiền lương của tất cả những người có liên quan đến chuỗi cung ứng này dẫn đến cũng ảnh hưởng tới tình trạng cung ứng thuốc, vật tư y tế vào Việt Nam.

Do cơ chế của chúng ta chưa thật sự rõ ràng, minh bạch nên dẫn tới các đơn vị tham gia đấu thầu (Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ. Điều đó khiến họ e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Hiện nay, do có khá nhiều vụ án đã, đang và sẽ bị khởi tố, xét xử, kể cả kỷ luật công chức, viên chức nên cũng có tâm lý e ngại. Họ lo ngại rằng nếu tham gia đấu thầu trong khi quy định pháp luật đấu thầu chưa rõ thì có bị sao không?

Bên cạnh đó, người bệnh có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đã không đến khám bệnh, chữa bệnh được và khi dịch bệnh lắng xuống, người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng đột biến.

Điều này dẫn tới tình trạng cung ứng thuốc, vật tư y tế của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm. Hay như việc chúng ta tập trung tất cả nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) cho phòng, chống dịch bệnh nên việc tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế cũng bị hạn chế.

Cùng với đó là thiếu nguồn cung ứng dược liệu từ Trung Quốc về. Bởi Trung Quốc vẫn đang thực hiện phương thức chống dịch là “Không Covid”, đóng cửa biên giới khiến tất cả nguồn dược liệu của chúng ta hiện nay đều bị ảnh hưởng.

Về nguyên nhân chủ quan là do cơ chế của chúng ta chưa thật sự rõ ràng, minh bạch nên dẫn tới các đơn vị tham gia đấu thầu (Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ. Điều đó khiến họ e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Hiện nay, do có khá nhiều vụ án đã, đang và sẽ bị khởi tố, xét xử, kể cả kỷ luật công chức, viên chức nên cũng có tâm lý e ngại. Họ lo ngại rằng nếu tham gia đấu thầu trong khi quy định pháp luật đấu thầu chưa rõ thì có bị sao không?

Tâm lý e ngại dẫn tới thiếu nguồn cung

Lâu nay chúng ta hay nói đến cùng thể chế, cơ chế ấy song có nơi làm tốt, nơi chưa tốt. Từng làm công tác pháp chế nhiều tại Bộ Y tế, ông thấy việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế có nguyên do nào từ năng lực của cán bộ không?

- Cũng phải nhìn nhận thực tế, khách quan là hiện năng lực cán bộ tham gia thực hiện công tác đấu thầu cả từ Bộ Y tế, Sở Y tế cho đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng có những hạn chế nhất định. Theo đó phải có những người có kinh nghiệm, có chuyên môn, am hiểu về thuốc, thiết bị y tế; nắm chắc các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Tuy nhiên đây là yếu tố không phải một sớm một chiều chúng ta có thể khắc phục được. Bên cạnh đó, như tôi đã đề cập ở trên, hiện chúng ta cũng đang khởi tố rất nhiều vụ án nên cũng có tâm lý e ngại. Có trường hợp nói rằng thà bị kỷ luật còn hơn truy tố trước pháp luật. Từ tâm lý như vậy những người có kinh nghiệm thầu, hiểu biết về đấu thầu, có hiểu biết về thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao thì chuyển sang công việc khác, an toàn hơn, dẫn tới thiếu hụt đội ngũ đấu thầu.

Bên cạnh đó còn yếu tố các doanh nghiệp cung ứng thuốc, vật tư y tế hiện không tham gia đấu thầu vì yếu tố lợi nhuận. Do giá thiết bị y tế tăng cao nhưng hồ sơ mời thầu, tiêu chí mời thầu, giá kế hoạch lại thấp hơn nên các doanh nghiệp dược, thiết bị y tế khó có thể tham gia. Rồi vấn đề gia hạn, cấp số đăng ký cũng chậm, vấn đề tham gia đấu thầu tập trung quốc gia, vấn đề đàm phán thuốc quốc gia cũng có những hạn chế nên đã ảnh hưởng tới nguồn cung.

Điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện TP Thủ Đức TP HCM, nơi nhiều bệnh nhân ung thư đã phản ánh phải mua thuốc bên ngoài, dù thuốc này nằm trong danh mục BHYT chi trả.

Của rẻ là của ôi

Theo ông, cái vướng nhất hiện nay khiến các cơ sở y tế không tổ chức được đấu thầu, là gì?

- Vướng đầu tiên là quy định về giá thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế khi mời thầu phải bằng, hoặc thấp hơn giá 12 tháng trước đó trúng thầu. Trên thực tế rất khó có doanh nghiệp có thuốc, vật tư tiêu hao có giá như vậy và đây là điểm chốt cần lưu ý.

Trong đấu thầu về các dịch vụ hàng hóa, thông thường nếu càng rẻ hơn thì càng tốt nhưng đối với thuốc, vật tư tiêu hao mà cứ rẻ hơn năm ngoái thì “của rẻ là của ôi”. Cứ lấy thuốc, vật tư giá thấp như vậy không đảm bảo, ảnh hưởng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra đặc thù liên quan thuốc, vật tư tiêu hao, thiết bị y tế còn phụ thuộc vào tính năng kỹ thuật, cấu hình.

Đối với thuốc đã chia thành 5 nhóm tham gia đấu thầu nhưng vật tư tiêu hao, máy móc, thiết bị y tế lại chưa thể chia nhóm được, chưa tính hãng sản xuất khác nhau, uy tín của các hãng khác nhau, giá cả khác nhau từ đó làm cản trở việc thực hiện quy định đấu thầu. Rõ ràng đối với thuốc, chúng ta có phân nhóm nhưng với vật tư tiêu hao, vật tư y tế chúng ta không có phân nhóm rõ ràng. Cho nên mới có việc dư luận xã hội nói là một vật tư tiêu hao mà có cái giá hoàn toàn khác nhau, thậm chí chênh lệch rất lớn. Ví dụ có cái 15.000 đồng nhưng cũng cái đó thì giá lại chỉ là 1.800 đồng. Chúng ta mua cái chỉ 1.800 đồng ở một hãng nào đấy ở các quốc gia chậm phát triển thì chất lượng không thể bằng cái 15.000 đồng ở các công ty lớn, công ty đa quốc gia được.

Vậy theo ông, giải quyết vấn đề cùng một sản phẩm mà giá khác nhau theo cách nào?

Chúng ta phải có đánh giá về việc thiếu thuốc, thiếu thuốc ở Trung ương, ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế mức độ thiếu như thế nào, thiếu ở những dòng thuốc nào? Khi đánh giá cụ thể cần phải xem nguyên nhân ở từng đơn vị. Bởi mỗi đơn vị ở vùng miền khác nhau, mô hình bệnh tật khác nhau, cách quản lý khác nhau nên cần có đánh giá sớm.

Việc đánh giá tổng thể để tìm ra thực trạng đúng, vướng ở đâu về thể chế, quá trình tổ chức thực thi, nguyên nhân khách quan, chủ quan nào.

- Theo tôi, chúng ta phải tìm cách phân nhóm vật tư y tế hoặc cách nào đó tương tự. Bởi nếu phân được nhóm sẽ đặt ra được các tiêu chí đấu thầu cụ thể. Tôi ví dụ, tại các bệnh viện tuyến cuối thì phải ở mức độ cao hơn, chứ không thể lấy những vật tư y tế 1.900 - 2.000 đồng, nhưng cũng chẳng dám mua cái 200.000 đồng. Như vậy sẽ vi phạm quy định.

Cho nên với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ như hiện nay tôi nghĩ sẽ tháo gỡ được một số khó khăn trước mắt hiện nay. Bởi chúng ta đã tính đến việc phải áp dụng thời điểm bán, đấu thầu trang thiết bị y tế là thời điểm phê duyệt giá trúng thầu.

Trước kia tính giá của thời kỳ trước mà chưa tính tới lạm phát, liên quan đến các yếu tố cắt đứt chuỗi cung ứng, trong đó có tăng giá của logictisc, vận chuyển rồi bảo quản. Với giá như bây giờ, thiết bị y tế sẽ còn nằm kho trong một thời gian dài nữa. Cho nên tính đến thời điểm phê duyệt giá trúng thầu sẽ đáp ứng được tương đối sát với thị trường hiện nay, và làm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức đấu thầu sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bệnh viện và các công ty trúng thầu sẽ yên tâm hơn.

Từ góc nhìn của ông, chúng ta cần sửa đổi những quy định nào để kịp thời mua sắm thuốc, vật tư y tế?

- Tất cả các vấn đề, tất cả các quan hệ xã hội liên quan đến đấu thầu thuốc, đấu thầu trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế, hóa chất chúng ta phải có tháo gỡ. Thậm chí có cả nghiên cứu các nội dung liên quan đến Nghị quyết 12, Nghị quyết 30 để đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gia hạn các Nghị quyết này. Có như vậy mới đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Nghị quyết 12 của Quốc hội và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, hay một số quy định của Luật Đấu thầu cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản. Vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, cần giao cho Bộ Y tế sửa những thông tư về đăng ký thuốc, về đấu thầu thuốc. Đồng thời xem Nghị định 98 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế thì Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn chưa, và trong thông tư hướng dẫn ấy có đưa vấn đề quản lý giá trang thiết bị y tế như đối với mặt hàng thuốc không? Thuốc đó có thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế không, hay thuộc thẩm quyền của Chính phủ? Như vậy là chúng ta có những giải pháp mang tính trước mắt để giải quyết và có những giải pháp mang tính chất căn cơ, bài bản. Có như vậy mới có thể giải quyết được bài toán thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế.

Liên quan đến doanh nghiệp công bố giá trên các cổng thông tin điện tử, Bộ Y tế đã trình Chính phủ cho phép Bộ Y tế được phép sử dụng giá công bố tương tự như đối với các thuốc khác tương tự. Nghĩa là trong điều kiện nếu chúng ta chưa có thông tin giá công bố tương tự như các quốc gia ASEAN thì chúng ta vẫn được sử dụng các giá công bố khác tương tự. Tôi cho rằng đây là điểm tháo gỡ những bức xúc.

Nâng cao năng lực quản trị nhà nước

Về lâu dài, theo ông cần những giải pháp nào mang tính căn cơ?

- Giải pháp đã có, quan trọng là bây giờ thực hiện nó như thế nào. Bài toán đặt ra là Bộ Y tế làm thế nào để giải quyết vấn đề này. Đầu tiên chúng ta phải có đánh giá về việc thiếu thuốc, thiếu thuốc ở Trung ương, ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế mức độ thiếu như thế nào, thiếu ở những dòng thuốc nào? Khi đánh giá cụ thể cần phải xem nguyên nhân ở từng đơn vị. Bởi mỗi đơn vị ở vùng miền khác nhau, mô hình bệnh tật khác nhau, cách quản lý khác nhau nên cần có đánh giá sớm.

Việc đánh giá tổng thể để tìm ra thực trạng đúng, vướng ở đâu về thể chế, quá trình tổ chức thực thi, nguyên nhân khách quan, chủ quan nào. Nếu quy định vướng ở luật thuộc thẩm quyền Quốc hội thì trình thẩm quyền Quốc hội ra Nghị quyết để giải quyết, vướng Chính phủ thì trình Chính phủ giải quyết. Nếu vướng ở liên tịch giữa Bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thì phải cùng nhau giải quyết. Nếu vướng văn bản luật thuộc thẩm quyền Bộ Y tế thì Bộ Y tế phải đứng ra giải quyết.

Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đối và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, liên quan giá thuốc, thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau. Đồng thời rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu. Trong đó có Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các sở y tế, các đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ. Từ đó nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thấu. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó các phần mềm quản lý về đấu thầu để theo dõi về công tác đấu thầu, việc thừa thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Đáng chú ý, cần nâng cao năng lực quản trị nhà nước, trong đó có quản lý nhà nước, quản lý giữa UBND tỉnh và Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Chúng ta cần phải có các giải pháp trước mắt và các giải pháp mang tính chất lâu dài, căn cơ và bài bản. Có như vậy mới từng bước tháo gỡ được khó khăn để công tác đấu thầu mới lập lại trật tự bình thường để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về thuốc, vật tư y tế, cũng như thụ hưởng các trang thiết bị y tế cung cấp dịch vụ ngày càng cao cho nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Trị bệnh’ thiếu thuốc: Cần trúng và đúng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO