Trở về trong mái nhà Mặt trận

Hải Nhi - Nguyễn Phượng -Tiến Đạt 18/09/2019 05:38

Ngày 17/9, trong hành trang trở về Hà Nội, các đại biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã mang theo nhiều tình cảm, cảm xúc và tâm thế mới.

Trở về trong mái nhà Mặt trận

Đại biểu với ấn phẩm đặc biệt báo Đại Đoàn Kết chào mừng Đại hội. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Giàng Seo Vần - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai chia sẻ, ông đã đến Hà Nội rất nhiều lần nhưng lần nào cũng như được trở về nhà bởi sự đón tiếp chu đáo ân cần của Ban Tổ chức, đặc biệt là lần này, trong tháng 9 của một mùa thu Hà Nội - thời điểm diễn ra sự kiện Đại hội lần thứ IX của MTTQ Việt Nam.

“Chúng tôi mang theo rất nhiều tình cảm của bà con đồng bào các dân tộc Lào Cai về dự Đại hội. Đại hội là dịp để Mặt trận đánh giá lại kết quả hoạt động trong 5 năm. Nhưng quan trọng nhất là để cùng nhau thống nhất xây dựng chương trình hành động trong 5 năm tới, đó là tập trung khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn tới. Đó là điều những người làm Mặt trận ai cũng mong muốn góp tiếng nói để làm nên thành công của Đại hội tại Hà Nội” - ông Giàng Seo Vần khẳng định.

Sẵn sàng tâm thế cho một kỳ Đại hội thành công, với mong muốn mang trí tuệ, tâm huyết để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Từ Cực Bắc địa đầu Tổ quốc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang Vàng Seo Cón cho rằng, các thành viên trong Đoàn đại biểu của Hà Giang rất vui mừng khi đặt chân tới Hà Nội, đặc biệt là một Hà Nội trong không khí sôi nổi và ấn tượng bởi các con phố đều ngập tràn cờ hoa chào đón Đại hội.

“Về Hà Nội và đến với Đại hội lần này, mong muốn của tỉnh Hà Giang là Đại hội cần có sự đổi mới, tích cực phối hợp với chính quyền, tham mưu cho Đảng có những quyết sách mới, để trong công cuộc “xóa đói giảm nghèo”, nhân dân sẽ được hưởng nhiều chính sách thuận lợi hơn nữa”- ông Vàng Seo Cón chia sẻ.

Với Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Kon Tum Lưu Duy Khanh, đây là lần đầu tiên ông được tới Hà Nội với tư cách là đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX cho nên trong niềm vui còn có sự ấn tượng về một kỳ Đại hội mới. Ấn tượng đầu tiên là công tác chuẩn bị nội dung rất chu đáo Ban Tổ chức. Việc đón tiếp, chuẩn bị thông tin, thông báo cho đại biểu về lịch trình đều rất khoa học, đồng thời việc chia các trung tâm thảo luận thành 5 trung tâm rất trọng tâm.

“Với sự chuẩn bị chu đáo, tôi tin rằng, Đại hội lần này sẽ tạo ra không khí cởi mở, sôi động để các đại biểu thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó Đại hội sẽ đưa ra những quyết định xác thực, sáng suốt, tạo sự chuyển biến tích cực cho công tác Mặt trận trong thời gian tới”- ông Lưu Duy Khanh bày tỏ mong muốn.

Cùng hòa chung cảm xúc khi đặt chân đến Thủ đô Hà Nội để dự Đại hội MTTQ Việt Nam, bà Phan Thị Bích Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Ninh Thuận cảm thấy vinh dự xen lẫn tự hào. Nhiều nội dung, tài liệu liên quan đến tỉnh nhà cũng được bà chuẩn bị chu đáo. Mặc dù đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác, và là lần đầu tiên bà Bích Hà đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhưng bà có cảm giác như mình được về nhà- về ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết.

Bà Phan Thị Bích Hà cũng cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua vai trò, vị trí của Mặt trận đã được nâng lên một bước đáng kể, nhất là trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội và các hoạt động tuyên truyền, vận động khối đại đoàn kết như CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” … đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Với kỳ vọng mang trí tuệ, tâm huyết để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ông Dương Sà Kha- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng chia sẻ niềm vui khi đây là lần thứ hai ông được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam. Ông Dương Sà Kha mong rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ mở ra một phương thức mới của Mặt trận, trong đó trọng tâm là mọi hoạt động của Mặt trận hướng về cơ sở, về với khu dân cư để cán bộ Mặt trận cùng lắng nghe, cùng thấu hiểu lòng dân.

Đoàn đại biểu tỉnh Sóc Trăng kỳ này có 12 đại biểu tham dự, đây là những đại biểu đại diện cho các tầng lớp, các tôn giáo, các giai tầng trong xã hội.

“Sau Đại hội, những nội dung, những chương trình nào phù hợp với Sóc Trăng sẽ được chúng tôi cân nhắc, quán triệt và có sự trao đi đổi lại trực tiếp để người dân cùng thực hiện, nhất là hoạt động giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh cũng như đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động. Vì qua thực tế thấy rằng, nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động của Mặt trận đã ăn sâu, bám rễ trong quần chúng nhân dân, trở thành kim chỉ nam cho nhiều hoạt động của chính quyền cơ sở”- ông Dương Sà Kha khẳng định.

Trở về trong mái nhà Mặt trận - 1

PGS.TS Nguyễn Văn Huy.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Cụ thể hơn nữa trong giám sát, phản biện

Mặt trận là nơi tập hợp đông đủ các giai tầng của xã hội, các nhóm xã hội, nghề nghiệp. Do đó, các cấp của Mặt trận có thể lắng nghe, phản ánh được đúng nguyện vọng của người dân. Từ đó, tiếng nói của Mặt trận chính là ý kiến phản ánh rất cần thiết cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Điều này rất quan trọng. Với cương vị là một người dân, tôi cho rằng, Mặt trận cần phản ánh được những mong mỏi của người dân thông qua phản biện của xã hội về tất cả phương diện, khía cạnh của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… ở các vùng miền khác nhau trên cả nước. Mỗi vùng miền đều có nhu cầu khác nhau, chính vì sự đa dạng đó, Mặt trận cần phản ánh được tiếng lòng của người dân tốt hơn, rõ ràng hơn trong thời gian tới. Sau Đại hội, tôi rất mong công tác giám sát, phản biện của MTTQ cụ thể hơn, sâu sắc hơn, Mặt trận phải phản ánh được đúng tâm tư nguyện vọng của người dân hơn nữa.

Trở về trong mái nhà Mặt trận - 2

Ông Bế Trường Thành.

TS. Bế Trường Thành - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII: Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc

Những năm qua thực hiện công tác dân tộc với nhiều chính sách dân tộc, cụ thể trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận như số hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 4 – 5%/năm. Trong đó, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách dân tộc và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc có vai trò to lớn, thiết thực khác với việc giám sát, phản biện của các ngành, lĩnh vực, cơ quan quản lý nhà nước. Giám sát và phản biện xã hội là giám sát mang tính nhân dân, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nói lên tiếng nói của lòng dân. Trong nhiệm kỳ IX, các hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận cần được tăng cường hơn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển” của cộng đồng các dân tộc nước ta.

Trở về trong mái nhà Mặt trận - 3

Ông Nguyễn Đức Khâm.

Ông Nguyễn Đức Khâm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trấn Yên, Yên Bái: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong không khí hướng vê Đại hội toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Trấn Yên sẽ tiếp thu tinh thần từ Đại hội, tiếp tục tạo sự thống nhất về nhận thức, về vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, tranh thủ và phát huy tốt vai trò, trí tuệ của các Ủy viên Ủy ban MTTQ, các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, các chuyên gia và nhân dân trong triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nhóm phóng viên(thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở về trong mái nhà Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO