Trong dòng chảy văn hóa Việt

GS PHONG LÊ 31/01/2022 15:16

Từ Xuân Nhâm Dần 2022, ngược dòng lịch sử chẵn hai thế kỷ là kỷ niệm 200 năm sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), người vừa được UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa, để nối dài những tên tuổi lớn của Việt Nam kể từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Chu Văn An...

Gắn kết với truyền thống và mở đầu thời hiện đại của văn hóa Việt, văn chương - học thuật Việt là nhà văn hóa lớn Cao Xuân Dục - ông nội của GS Cao Xuân Huy (1900-1983), với kỷ niệm 180 năm Năm sinh (1842-1923). Sinh năm 1842 và mất năm 1923; với các công trình lớn về lịch sử, văn hóa, địa lý, pháp luật, giáo dục như “Quốc triều tiền biên toát yếu”, “Quốc triều luật lệ toát yếu”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Quốc triều hương khoa lục”…

Tôi muốn nhìn Cao Xuân Dục trong sự tiếp tục một truyền thống học thuật có chiều dài cùng đồng hành với lịch sử thơ văn nhiều trăm năm, kể từ Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên… đến Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú. Và nối dài về sau - đến 20 năm mở đầu thế kỷ XX là một danh sách nhiều tên tuổi lớn làm nên gương mặt hiện đại của khoa nghiên cứu - lý luận - phê bình văn hóa - văn chương - học thuật dân tộc, như Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Thước, Phạm Quỳnh…

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Chính thức mở đầu thời hiện đại là một tên tuổi lớn: Nguyễn Văn Vĩnh (biệt danh là Tân Nam Tử) trong bộ tứ “Vĩnh-Quỳnh-Tố-Tốn”, đến 2022 là chẵn 140 năm Năm sinh (1882-1936). Nguyễn Văn Vĩnh là người rất sớm từ bỏ con đường quan chức bậc cao, để làm một doanh nhân văn hóa khai mở nền báo chí, xuất bản hiện đại, với những tờ báo lớn do ông chủ trì, như “Đăng Cổ tùng báo”, có tiền thân là “Đại Nam đồng văn nhật báo” (1907), và nhất là “Đông Dương tạp chí” (1913-1917); rồi tiếp đó vào nửa sau thập niên 1920 là “Trung Bắc tân văn” (từ 1917), và “L’Annam nouveau” (1931) cùng Tủ sách Âu Tây tư tưởng.

Là người mở đầu phong trào Truyền bá chữ Quốc ngữ, với câu nói nổi tiếng: “Nước Nam ta sau này hay hay dở cũng ở như chữ Quốc ngữ”. Là người sáng lập Hội dịch sách và Hội Trí Tri ở phố Hàng Quạt - năm 1907. Là người có những bản dịch đầu tiên về thơ ngụ ngôn của La Fontaine, về tiểu thuyết “Những kẻ khốn nạn” của Victor Hugo, … để lại dấu ấn rất sâu trong nhiều thế hệ độc giả. Là người đã hai lần từ chối không nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh do chính quyền thuộc địa ban tặng. Là ông bố của hai nhà thơ mới nổi tiếng là Nguyễn Giang và Nguyễn Nhược Pháp… Ông mất ở tuổi 54 trong một cuộc săn tìm vàng bên Lào.

GS Đặng Thai Mai.

Lùi lại 20 năm sau là kỷ niệm 120 năm sinh của hai nhà văn hóa lớn: Đặng Thai Mai (1902-1984) và Vũ Ngọc Phan (1902-1987). Cả hai trong tư chất học giả đã để lại hai bộ sách có giá trị kinh điển vào thời kỳ 1941-1945 tiền Cách mạng, có ý nghĩa kết thúc quá trình hiện đại hóa trong lịch sử văn chương – học thuật Việt Nam.

Đó là “Văn học khái luận”- cuốn lý luận văn học đầu tiên viết theo quan điểm macxít; và 3 tập bộ sách “Nhà văn hiện đại”- dựng chân dung và sự nghiệp của 79 người viết thời hiện đại. Hai bộ sách không chỉ đặt nền móng mà còn có giá trị bền vững trong tiến trình văn học Việt Nam thế kỷ XX. Cùng với những đóng góp trong vai trò tổ chức, lãnh đạo của các Hội nghề nghiệp – như Hội Văn nghệ dân gian với Vũ Ngọc Phan, Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật Việt Nam, và Viện Văn học với Đặng Thai Mai.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Lùi lại 10 năm, đó là kỷ niệm 110 năm sinh của Vũ Trọng Phụng (1912-1939), Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960), Lưu Trọng Lư (1912-1991) - ba tên tuổi tiêu biểu góp công đầu vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam trước 1945; trong đó trừ Vũ Trọng Phụng mất ở tuổi 27, còn Nguyễn Huy Tưởng và Lưu Trọng Lư có tiếp một chặng đường sáng tạo mới và lớn sau 1945 cho đến 1960 là Nguyễn Huy Tưởng, cho đến năm 1991 là Lưu Trọng Lư.

Vũ Trọng Phụng, ngay lúc sinh thời đã được suy tôn là “Ông vua phóng sự đất Bắc” - người thư ký trung thành của thời đại, không bỏ qua, không để sót những mặt trái hoặc khuất tối của xã hội thực dân phong kiến như trong “Làm đĩ”, “Lục xì”, “Cạm bẫy người”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cơm thầy cơm cô”…

Còn hơn thế, với hai tiểu thuyết “Giông tố” và “Số đỏ”, tên tuổi Vũ Trọng Phụng hiển nhiên trở nên bất hủ với những chân dung người vô cùng sắc cạnh, không chỉ có ý nghĩa tố cáo xã hội đương thời mà còn bao quát được những thói tệ muôn thuở trong cõi nhân sinh.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Nguyễn Huy Tưởng - người từ năm 1930, ở tuổi 18, trong nhật ký ghi ngày 19/12/1930 có đoạn: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn Quốc ngữ mà thôi”; đến năm 1942 đã có một sáng tác đầu tay có ý nghĩa một tượng đài - đó là kịch “Vũ Như Tô”.

Ngót 20 năm sau, kể từ “Vũ Như Tô” là bộ tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô”. Giữa 20 năm đó là sự ra đời liên tục của những tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì”, kịch “Bắc Sơn”, kịch “Những người ở lại”, “Ký sự Cao Lạng”, tiểu thuyết “Truyện anh Lục”, tùy bút “Một ngày chủ nhật”, kịch phim “Lũy hoa”…

Nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Người thứ ba: Lưu Trọng Lư là một chân dung đa tài, nhiều nhà trong một nhà. Trước hết là người khởi đầu và là kiện tướng của phong trào Thơ mới; đồng thời là một người viết văn xuôi chuyên cần không kém thua thơ một chút nào. Sau 1945 chuyển sang hoạt động sân khấu, trong tư cách người sáng tác hai kịch bản cải lương, hai vở kịch nói, và là nhà lãnh đạo cao nhất của Hội Nghệ sĩ Sân khấu, kế sau Thế Lữ. Ở lĩnh vực nào, Lưu Trọng Lư cũng để lại những dấu ấn đặc sắc.

Nhà thơ Hoàng Cầm.

Danh sách cuối cùng ở tuổi chẵn 100 năm sinh - đó là hai nhà thơ: Hoàng Cầm (1922-2010), Vũ Cao (1922-2007) và nhà tiểu thuyết Chu Văn (1922-1997). Cả ba đều là những gương mặt tiêu biểu trong thành tựu của văn học sau 1945.

Hoàng Cầm - người đã có mặt trên đàn văn trước 1945, với sáng tạo đáng nhớ là kịch thơ “Kiều Loan”; cùng một sự nghiệp viết có chiều dài và sức vóc lớn sau 1945, với khởi đầu rất ấn tượng và có sức quảng bá rộng là “Bên kia sông Đuống” có dáng “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”, rồi “Lá diêu bông” ảo diệu trong tâm tưởng nhiều thế hệ bạn đọc trẻ.

Và bao trùm là một hơi thơ rất đậm hồn Kinh Bắc, như một điểm tựa tinh thần lớn, có lẽ nhờ thế mà Hoàng Cầm vượt qua được không ít truân chuyên trong nghề - để vào 20 năm cuối đời là sự xuất hiện mới, hoặc xuất hiện trở lại của những “Men đá vàng” (1989), “Mưa Thuận Thành” (1991), “Lá diêu bông” (1993), “Bên kia sông Đuống” (1993), “Về Kinh Bắc” (1994), “99 tình khúc” (1995), và kịch thơ “Kiều Loan” (1995).

Chu Văn - định hình một gương mặt tiểu thuyết về chính cuộc sống mới đang diễn ra mà không cần một khoảng lùi ngắn hoặc dài nào. Đó là một cây bút văn xuôi với nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết, trong đó ở đỉnh cao là “Bão biển” (1969).

Trên hành trình lịch sử chẵn 200 năm, tôi muốn lướt qua danh sách những tên tuổi đáng nhớ, đáng tri ân trong dòng chảy văn hóa Việt, văn chương - học thuật Việt nhân Xuân Nhâm Dần 2022, sau 2 năm đại dịch làm chao đảo cả thế giới; và Việt Nam trong đồng tâm nhất trí của khối đoàn kết toàn dân tộc đang từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới, với quá nhiều sự thay đổi trong phương thức sống, lao động, suy nghĩ và các mối quan hệ cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trong dòng chảy văn hóa Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO