Trung tâm Bảo trợ xã hội Cần Thơ: 'Ngôi nhà chung' của các đối tượng bảo trợ xã hội

Hồng Lĩnh 22/12/2017 08:00

Tận mắt chứng kiến những công việc hằng ngày của các anh chị, nhân viên chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Cần Thơ chúng tôi mới thấu hiểu nỗi khó nhọc, vất vả của cán bộ, nhân viên nơi đây. Nếu không vì tâm, đức, vì tình người thì họ không thể gắn bó lâu dài với công việc...

Trung tâm Bảo trợ xã hội Cần Thơ: 'Ngôi nhà chung' của các đối tượng bảo trợ xã hội

Trung tâm BTXH Cần Thơ, mái nhà chung cho người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Mái ấm tình thương

Ngày nào cũng vậy, chị Võ Thị Yến - nhân viên chăm sóc tại Trung tâm chia sẻ, mờ sáng, sau khi hoàn tất công việc nhà chị lại nhanh chóng chạy tới Trung tâm nơi có những người luôn mong chờ chị như người thân đi xa về.

Chị Yến chia sẻ: Làm công việc ở Trung tâm chỉ những người biết cảm thông, yêu thương, xem đối tượng như người thân trong gia đình thì mới “bám trụ” được với nghề. Các anh chị em tại Trung tâm chúng tôi như có duyên nợ với nơi này nên có khó khăn mấy cũng vượt qua. Một ngày chúng tôi phải làm rất nhiều công việc, từ dọn phòng, cho ăn, thay quần áo, tắm rửa đến chăm sóc, điều trị bệnh, phục hồi chức năng...

Có những đối tượng bị liệt, cần tới 2 - 3 người nâng đỡ để vệ sinh cá nhân, những cụ già vừa lẫn vừa khó tính thường “làm mình làm mẩy” vô cớ chửi bới, những trẻ nhỏ vài tháng tuổi bị bệnh nặng, khát sữa mẹ quấy khóc đêm ngày... nhưng những người làm việc tại trung tâm vẫn hết lòng chăm sóc, phục vụ đối tượng.

Trung tâm Bảo trợ xã hội Cần Thơ không chỉ là “ngôi nhà chung” bảo trợ xã hội (BTXH), mà còn được biết đến là điểm tựa cho người già cô đơn, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố Cần Thơ và khu vực ĐBSCL. Do nuôi dưỡng nhiều đối tượng khác nhau, lại chênh lệch về độ tuổi, mắc nhiều bệnh tật, số đối tượng phải chăm sóc, phục vụ tại chỗ ngày càng nhiều nên công việc ở trung tâm vô cùng vất vả.

Điển hình như trường hợp em Nguyễn Văn Thanh, 25 tuổi, do bị dị tật bẩm sinh ở khuôn mặt bị gia đình bỏ rơi nên được đưa vào Trung tâm chăm sóc. Vào đây em được các anh chị chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình. Mỗi khi em bị ốm đau em được các nhân viên chăm sóc, bón từng miếng cơm, bát cháo. Đến nay sức khỏe của em đã ổn định, tinh thần lạc quan hơn trước.

Theo chia sẻ của các cán bộ nhân viên của Trung tâm, để chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho các đối tượng Trung tâm thường xuyên cải thiện món ăn, ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng, không để xảy ra ngộ độc thức ăn. Hàng tuần, cán bộ y tế đều đến kiểm tra, theo dõi, chăm sóc sức khỏe để kịp thời phát hiện các chứng bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Các đối tượng trong Trung tâm đều được mua thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh định kỳ. Được tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tăng gia sản xuất… giúp các cháu phát triển một cách toàn diện

Hoàn thiện các chính sách bảo trợ xã hội

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH Cần Thơ, các hoạt động trợ giúp đối tượng yếu thế tại cộng đồng được ngành, các địa phương, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn thành phố dành được nhiều sự quan tâm. Cùng với công tác trợ giúp tại cộng đồng, các đối tượng BTXH của tỉnh được chăm sóc chu đáo tại các cơ sở chăm sóc tập trung, các đơn vị trực thuộc Sở LĐTB&XH, Trung tâm cũng đã tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung 22 đối tượng, bao gồm 5 đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng dạng tâm thần kinh, 17 đối tượng lang thang.

Để công tác chăm sóc và điều trị các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đảm bảo chính xác, hàng năm Trung tâm Bảo trợ xã hội Cần Thơ đã tham mưu cho Sở LĐTB&XH Cần Thơ có phương án hỗ trợ, tổ chức thực hiện các chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội.

Đồng thời triển khai, phối hợp với các quận, huyện rà soát, nắm chắc số lượng người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi, người bị bệnh tâm thần… Nhằm phát hiện kịp thời để tập trung đưa các đối tượng này vào Trung tâm thực hiện chăm sóc và điều trị kịp thời, giúp các đối tượng có cơ hội tái hòa nhập cuộc sống, cộng đồng, từng bước đảm bảo an sinh xã hội.

Thời gian tới, Trung tâm Bảo trợ xã hội Cần Thơ sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng xã hội, xây dựng các mô hình trị liệu và triển khai dịch vụ tự nguyện tại Trung tâm, tiếp tục là điểm tựa, là mái nhà chung cho người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tâm Bảo trợ xã hội Cần Thơ: 'Ngôi nhà chung' của các đối tượng bảo trợ xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO