Truyền hình trả tiền xuyên biên giới: Cần quản lý nghiêm

Minh Quân 10/11/2020 07:30

Với sự phát triển công nghệ thông tin và hội nhập, các kênh truyền hình trả tiền xuyên biên giới đang “ồ ạt” vào thị trường Việt Nam. Thế nhưng trước sự lỏng lẻo trong công tác quản lý đang tạo ra những câu hỏi về vấn đề bản quyền và kiểm duyệt.

Các kênh truyền hình trả tiền xuyên biên giới đang “lách luật” trên lãnh thổ Việt Nam (ảnh minh họa).

Nhiều sai phạm

Trong những năm trở lại đây, dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang gia tăng một cách “chóng mặt” như Netflix, WeTV, iFlix, Amazon TV.

Không thể phủ nhận, thông qua những kênh truyền hình trên khán giả Việt Nam đã có những trải nghiệm mới trong việc thưởng thức các sản phẩm giải trí như điện ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình thực tế…

Tuy nhiên, với những cách làm, quan điểm chính trị, văn hóa khác nhau những kênh truyền hình này đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Đơn cử hàng loạt những sai phạm trên các kênh truyền hình này đã gây bức xúc trong dư luận. Như nền tảng phim trực tuyến Netflix đã chiếu loạt phim tài liệu Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) có một số nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam; phim Madam Secretary (Nữ Ngoại trưởng) xuyên tạc chủ quyền Việt Nam khi chú thích phố cổ Hội An ở Quảng Nam - Việt Nam là Phù Lăng - một địa danh của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, không ít phim trên nền tảng này còn bị chỉ trích là mô tả chi tiết các hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm quá đà, ảnh hưởng tiêu cực đến người xem như phim Bánh đa tầng, Polar: Sát thủ tái xuất...

Mới đây, chính truyền thông và cộng đồng mạng xã hội Việt Nam đã phát hiện và bất bình trước thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam xuất hiện trong phim “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” (tên tiếng Việt) cung cấp trên dịch vụ của Công ty Netflix tại Việt Nam.

Không chỉ Netflix, nền tảng bán hàng trực tuyến Amazon cũng có sai phạm trong việc quảng cáo bán cuốn sách có nội dung xuyên tạc lãnh tụ của Việt Nam, hoặc một số sản phẩm gọi là “sách” của một “nhà xuất bản” bất hợp pháp.

Thực tế cho thấy hầu hết các bộ phim được phát sóng trên các kênh sóng truyền hình trả tiền xuyên biên giới này về nội dung hoàn toàn không được biên tập. Rất nhiều bộ phim phát sóng không phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Ngoài ra, việc chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt không phù hợp với đối tượng khán giả là trẻ em. Bên cạnh đó, có một nghịch lý là các kênh truyền hình này khi vào Việt Nam đều theo kiểu “lách luật”.

Trong khi các doanh nghiệp truyền hình trong nước phải trải qua khâu “tiền kiểm” chặt chẽ trước khi cung cấp dịch vụ, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, thì truyền hình xuyên biên giới chưa bị ràng buộc bởi các căn cứ pháp lý.

Hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật

Về những sai phạm nói trên, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam cũng đã gửi văn bản tới Thủ tướng chính phủ để đề xuất sớm xử lý, ngăn chặn các trang mạng xã hội, các chương trình trực tuyến xuyên biên giới.

Hiệp hội cũng cho biết, việc không bị ràng buộc khiến các cái tên ngoại quốc đã chiếm hơn 50% thị phần và ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp, nhà sản xuất truyền hình trong nước. Bên cạnh việc chiếm thị phần, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nội, theo cơ quan này, các đơn vị nước ngoài như Amazon, Netflix mới đây còn truyền bá vào Việt Nam các nội dung phim, chương trình xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành liên quan xem xét và hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật đủ sức chế tài quản lý và xử phạt các vi phạm về nội dung chương trình, các kênh phát thanh truyền hình xuyên biên giới.

Cụ thể, nếu khối lượng nội dung chương trình từ nước ngoài quá lớn, chưa có công cụ quản lý hữu hiệu của Nhà nước thì: Tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biến giới của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như Netflix, Iflix, Amazon, Facebook, WeTV, Iqiyi...

Sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP tại khoản 4, Điều 5 tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở cấp phép, quản ý nội dung cho tất cả đối tượng trong cũng như ngoài nước.

Trả lời báo chí, ông Lê Đình Cường- Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho rằng, việc cấp phép cho các kênh truyền hình xuyên biên giới hiện nay hoàn toàn không công bằng. Nếu tình trạng này còn kéo dài, nó sẽ trở thành sự “bảo hộ ngược” cho các kênh truyền hình xuyên biên giới.

Trong khi các đơn vị trong nước phải tuân thủ nghiêm ngặt thì các đơn vị nước ngoài không những không thực hiện các quy định cần thiết mà còn vi phạm pháp luật và chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam.

Để dung hòa vấn đề này, trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xây dựng đồng bộ cơ sở pháp lý lĩnh vực này.

Trong đó, cần nhất quán quan điểm, cách hành xử của Nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng truyền hình xuyên biên giới là phải tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng môi trường kinh doanh bình đẳng thì Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Thậm chí nếu xem thường pháp luật, không tôn trọng “luật chơi” thì cấm phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam là giải pháp duy nhất và cần thiết để bảo vệ thị trường trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền hình trả tiền xuyên biên giới: Cần quản lý nghiêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO