Truyền thông giảm kỳ thị phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV

PV (tổng hợp) 05/12/2020 19:23

Truyền thông thay đổi hành vi gồm truyền thông trực tiếp qua nhóm lớn, nhóm nhỏ, sự kiện, truyền thông qua mạng xã hội; truyền thông đại chúng phổ biến kiến thức và truyền thông tạo cầu tạo điều kiện cho nhóm MSM tiếp cận thuận lợi các dịch vụ HIV/AIDS; kết hợp truyền thông dịch vụ HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở nhóm MSM.

Theo Sức khỏe đời sống, hiện lây nhiễm HIV đang có xu hướng tăng cao trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Để ứng phó với thực trạng này nước ta đã triển khai nhiều hoạt động, đặc biệt là sự linh hoạt và đa dạng hoá nhiều mô hình cung cấp dịch vụ điều trị PrEP (biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV mới), để đảm bảo phù hợp với khách hàng…

Hiện, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là một trong các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch HIV. Tại Châu Á, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM đang tăng lên và có đến hơn 29% tổng số trường hợp nhiễm HIV được báo cáo năm 2017 là MSM. Cũng tại khu vực này, MSM có tỷ lệ nhiễm HIV cao gấp 18,7 lần so với dân số chung. Trong khi số ca mắc HIV mới trên thế giới đang giảm, thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM vẫn không thay đổi và tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ước tính số lượng MSM tại Việt Nam có khoảng 178.000 người. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm này, từ 3,95% năm 2011 lên 5,1% năm 2015; 11,36% năm 2018 và 13,85% năm 2019. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM khác nhau ở các tỉnh thành phố nhưng thường tập trung ở các khu vực đô thị, các tỉnh, thành phố lớn hoặc các tỉnh du lịch như Cần Thơ (20,3 C%), TP Hồ Chí Minh (13,8%), Bà Rịa Vũng Tàu (16%), Khánh Hòa (14,6%), Hải Phòng (5,3%).

TS Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV đang được triển khai đồng bộ trong nhóm MSM như:

Truyền thông thay đổi hành vi gồm truyền thông trực tiếp qua nhóm lớn, nhóm nhỏ, sự kiện, truyền thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) và các ứng dụng hẹn hò của nhóm MSM (Blued, Grind...) về nội dung phòng chống HIV/AIDS (xét nghiệm HIV, dùng bao cao su, PrEP...); truyền thông đại chúng phổ biến kiến thức và truyền thông tạo cầu tạo điều kiện cho nhóm MSM tiếp cận thuận lợi các dịch vụ HIV/AIDS; kết hợp truyền thông dịch vụ HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở nhóm MSM.

Thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng và cơ sở y tế với các hình thức: Tự xét nghiệm, xét nghiệm tại cộng đồng thông qua các nhóm đồng đẳng và xét nghiệm tư vấn tại cơ sở y tế. Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV kết hợp các bệnh lây truyền qua đường tình dục -STIs.

Kết hợp truyền thông và cung cấp các vật dụng can thiệp bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm MSM thông qua hệ thống đồng đẳng viên, nhóm cộng đồng và cơ sở y tế.

Cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV kết hợp (PrEP) và sau phơi nhiễm (PEP) tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Khuyến khích các phòng khám tư nhân do cộng đồng MSM làm chủ tham gia cung cấp dịch vụ PrEP và phát triển các phòng khám thân thiện với MSM.

Triển khai điều trị PrEP - Biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả

Vào năm 2017, với những bằng chứng khoa học mạnh mẽ từ những nghiên cứu được công bố, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo các quốc gia rằng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao đặc biệt với đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Điều trị PrEP là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện cho những người có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Ngay sau đó, tháng 6/2017, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh và mở rộng tại 27 tỉnh, thành phố. Tính đến 30/9/2020, tổng số khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP là 13.256 khách hàng, số khách hàng đang điều trị PrEP 10.097 người, đạt 86,7% chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020. Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV. Có 111 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, trong đó tư nhân 28 cơ sở và công lập 83 cơ sở. Hiện hơn 50% số khách hàng PrEP đang nhận dịch vụ điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Theo đó đến năm 2025 có 30% và năm 2030 có 40% số MSM được tiếp cận điều trị PrEP tương ứng với khoảng 72.000 người cần được điều trị PrEP trong 5 năm tới. Để góp phần ngăn chặn dịch HIV có xu hướng tăng nhanh ở nhóm MSM và ở những người có hành vi nguy cơ cao, việc triển khai điều trị PrEP là hiệu quả, kịp thời và phù hợp trong bối cảnh hình thái dịch đang dần chuyển sang lây truyền qua đường tình dục, trên nhóm tỷ lệ nhiễm HIV mới cao trong nhóm Nam (tập trung nhóm MSM). Thời gian tới Bộ Y tế sẽ mở rộng nhanh chương trình như là một trong những can thiệp dự phòng mũi nhọn hiện nay để giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV. Với quan điểm thay đổi cách tiếp cận truyền thống, Bộ Y tế sẽ linh hoạt tổ chức các mô hình cung cấp dịch vụ hoặc kết hợp, đa dạng hoá nhiều mô hình trong cung cấp dịch vụ điều trị PrEP để đảm bảo phù hợp với khách hàng.

Virus HIV.

HIV là gì?

HIV là bệnh do virus cùng tên gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Loại virus này làm tổn thương hệ thống miễn dịch và khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh nên gây ra tử vong. Giai đoạn cuối của HIV là AIDS được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch và ung thư. Tùy vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người mà thời gian HIV chuyển thành AIDS là khác nhau, thường khoảng 5 năm.

Virus HIV có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau:

- Có thực hiện quan hệ tình dục với người đã bị nhiễm HIV.

- Dùng chung kim tiêm hoặc ống tiêm có nhiễm virus và máu của người nhiễm bệnh.

- Lây từ người mẹ bị HIV/AIDS sang con trong quá trình mang thai, qua sữa mẹ hoặc khi sinh nở.

Các triệu chứng HIV nếu không được phát hiện sớm để có biện pháp điều trị kiểm soát thì bệnh sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn nguy hiểm và gây ra bệnh AIDS khiến cơ thể không còn khả năng chống lại tất cả các tác nhân gây hại nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ mắc ung thư hay mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý thông thường tăng lên.

Vì bệnh thường không có triệu chứng đặc biệt trong giai đoạn đầu nên tốt nhất, khi có sự tiếp xúc hay có quan hệ tình dục ngoài luồng nghi ngờ với người nhiễm bệnh, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sự hiện diện của virus này.

Phát hiện và điều trị HIV từ sớm được xem là giải pháp giảm nguy cơ lây nhiễm, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Do HIV có khả năng lây nhiễm nhanh chóng và là căn bệnh nguy hiểm nên mỗi người bệnh hãy chủ động giảm nguy cơ lây truyền cho cộng đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền thông giảm kỳ thị phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO